18/09/2011 06:55 GMT+7

Chuyện về Nga mồ côi và Liêm một chân

ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG
ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG

TT - Một cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống thui thủi cùng bà nội trong căn nhà xập xệ. Một cậu bé bị ung thư phải cắt bỏ chân trái, đến trường bằng đôi chân của bố.

KuPnd2Kx.jpgPhóng to
Nga thường xuyên giúp đỡ bà thái rau nuôi gà, nuôi heo...- Ảnh: Đ.Bình

Hoàn cảnh khác nhau nhưng cả hai có chung một khát vọng sống, nghị lực phi thường, để hôm nay họ lại có điểm giống nhau khi đều là tân SV các trường ĐH có tiếng...

Nga mồ côi...

Thắp ba nén nhang trước di ảnh bố mẹ và hai em gái, Nguyễn Thị Nga (thôn Vài, xã Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội - tân SV Học viện Báo chí & tuyên truyền) sụt sùi: “Thưa bố mẹ, con đã đỗ ĐH rồi, hôm nay con thắp hương báo với bố mẹ, với hai em...”. Dừng một lúc, như không nén nổi xúc động, Nga òa lên nức nở: “Con đã làm đúng lời bố dạy rồi... Con đã đỗ ĐH, sẽ học ĐH, sẽ có nghề để không phiêu bạt, trôi dạt như bố mẹ nữa... Con hứa với cả nhà sẽ cố học thật tốt để khỏi mang tiếng con nhà không có học...”.

Chứng kiến hình ảnh Nga chuẩn bị chia tay bà nội, những người thân để chuẩn bị lên trường nhập học, nhiều người đã không thể cầm nổi nước mắt.

Bà nội của Nga là Nguyễn Thị Được dù đã gần 80 tuổi, tai nghe không còn tốt nhưng trí nhớ của bà vẫn khắc ghi cái ngày định mệnh 5-8-2007, ngày mà cả gia đình Nga gồm bố, mẹ cùng hai em gái bị lũ trên dòng Krông Năng cuốn trôi mất xác. Do nhà nghèo quá, năm 1993 bố Nga theo người thân vào Tây nguyên khai hoang, trồng cà phê. Rồi đến năm 1999 thì mấy mẹ con Nga dắt díu nhau vào sống cùng bố tại thôn Xuân Thái 2, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk.

Trước cái ngày cơn lũ đổ về, Nga đã được bố cho ra thăm bà nội sau tám năm bà cháu cách xa. Khi hay tin dữ, Nga và hai bác ruột tức tốc trở vào Đắk Lắk. Nhưng vào đến nơi, tất cả nhà cửa, nương rẫy cà phê cùng những người thân yêu nhất của em đã bị lũ cuốn trôi.

Gạt nước mắt đau thương, Nga trở ra Bắc và hai bà cháu nương tựa vào nhau từ đó. Ký ức về gia đình cùng nghị lực phi thường của Nga đã không làm người thân của em thất vọng. Trong ngôi nhà cấp 4 cũ nát đêm đêm vẫn sáng ánh đèn, Nga miệt mài học. Và kết quả Nga thi đậu hai trường ĐH, CĐ (Nga đỗ cả vào Trường CĐ Nội vụ - PV) như phần thưởng ngọt ngào cho cô bé mồ côi.

Trước ngày lên trường nhập học, Nga vẫn xắn quần lội xuống ao trước cửa nhà cắt rau, rồi thoăn thoắt đôi tay băm rau cho gà ăn... “Em chỉ tiếc mình không có xe, không biết đi xe, chứ không lên trường em sẽ tranh thủ về giúp bà luôn. Giờ em đi dài ngày thế này, bà ở nhà một mình em cũng không yên tâm” - Nga bộc bạch.

5GhZ9B4S.jpgPhóng to
Chử Đức Liêm phụ giúp bố mẹ việc nội trợ - Ảnh: Đ.Bình

...Và cậu bé mất một chân

Chuyện một cậu bé bị ung thư xương phải cắt bỏ 2/3 chân trái, sau một năm nghỉ học chữa bệnh trở lại trường học, thi đoạt giải nhì toàn thành phố môn sử, rồi lại đỗ cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH 2011 giờ đang là “thời sự” của xóm nhỏ Cổ Điển A (xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội). Đó là Chử Đức Liêm, tân SV khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội. Chuyện Liêm đỗ ĐH còn chấn động tới các bệnh nhân ung thư và tập thể bác sĩ, hộ lý khoa ung bướu trẻ em Bệnh viện K (cơ sở 2 Thanh Trì, nơi Liêm vẫn đến điều trị hằng tuần).

Cô hộ lý Lê Thị Lan xúc động: “Tôi làm việc ở đây đã 13 năm, bản thân cũng bị ung thư 11 năm rồi, đã chứng kiến nhiều bệnh nhân vượt lên nghịch cảnh, nhưng cách em Liêm vượt lên chính mình khiến tôi cảm phục vô cùng. Em đã đỗ ĐH, tấm gương của Liêm như một liều thuốc tiên cho những bệnh nhân ung thư cùng cảnh ngộ”.

Liêm tâm sự: “Em nghĩ mình còn sống ngày nào thì phải làm cái gì đó. Em đọc nhiều và rất ngưỡng mộ nghị lực của tay đua xe đạp nổi tiếng người Mỹ Lance Armstrong, người cũng bị ung thư nhưng vẫn trở lại đường đua”. Ngưỡng mộ L.Armstrong, trên giường bệnh Liêm vẫn học: “Em học và đọc để quên bệnh mình đi. Và thật sự em vẫn hi vọng bệnh sẽ khỏi, em sẽ đến trường”. Bệnh đỡ nhưng chỉ còn một chân, lại nghỉ học gián đoạn mất một năm, nhưng Liêm vẫn quyết tâm trở lại trường.

“Thấy con quyết tâm thế vợ chồng tôi cũng chiều theo cháu...” - bà Mai, mẹ Liêm, tâm sự. Và thế là hằng ngày, dù làm ở rất xa nhưng ông Nghị - bố Liêm - vẫn sắp xếp về nhà đưa đón con đến trường. Rồi kết quả ngay năm đầu trở lại trường, Liêm đã đoạt giải nhì môn lịch sử toàn thành phố Hà Nội. Và năm nay em tiếp tục mang đến bất ngờ cho người thân khi thi đỗ vào Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội.

Gia cảnh túng bấn, vợ chồng ông Nghị vốn làm công nhân xây dựng, nhưng do hoàn cảnh phải nghỉ chế độ từ trước khi Liêm đổ bệnh. Trở về với đôi tay trắng, hằng ngày bà Mai phải đi bán xôi dạo, ông Nghị thì nay đi xây chỗ này, mai lại chạy làm chỗ khác, giờ làm bảo vệ cho một doanh nghiệp tư nhân cách nhà 15km. Thu nhập cả nhà chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Việc con đỗ ĐH lại một lần nữa thêm gánh nặng lên đôi vai bố mẹ Liêm, bởi hằng tháng Liêm vẫn phải đều đặn 2-3 lần lên bệnh viện chạy hóa chất.

Trao học bổng cho 250 tân sinh viên phía Bắc và Hà Nội

Ngày 19-9, tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ phối hợp với bảy tỉnh đoàn biên giới phía Bắc và Thành đoàn Hà Nội trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 250 tân sinh viên bảy tỉnh biên giới phía Bắc và các trường CĐ-ĐH tại Hà Nội trúng tuyển vào ĐH-CĐ năm 2011. Toàn bộ học bổng là 1,25 tỉ đồng (5 triệu đồng/suất), do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (Công ty CP Phân bón Bình Điền, báo Tuổi Trẻ và VTV tổ chức) tài trợ.

Học bổng này nằm trong chuỗi chương trình “Tiếp sức đến trường” 2011 cho tân sinh viên ở 49 tỉnh thành trong cả nước, bắt đầu trao từ ngày 24-8 tại Quảng Trị. Sau đợt trao này, từ ngày 23 đến 29-9, chương trình tiếp tục trao cho tân sinh viên ở 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long; từ ngày 26-9 đến 1-10 trao cho tân sinh viên các tỉnh thành miền Đông Nam bộ, tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh thành khác.

P.T.

ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên