07/08/2011 13:53 GMT+7

Gia đình thiếu đối thoại là gia đình vực thẳm?

LÊ NHUNG
LÊ NHUNG

TTO - Từ tâm sự của chị Hồng Phinh về nỗi buồn của gia đình có người vợ thành đạt ngoài xã hội và không đầu tư được đúng mức vào mái ấm gia đình, mấy ngày qua bạn đọc đã đóng góp hàng trăm ý kiến bổ ích để nêu lên suy nghĩ của mình về vai trò người chồng, người vợ trong cuộc sống ngày càng nhiều áp lực hiện nay.

Khi vợ một tay ôm trọn giang sơn

Khi cưới nhau, chồng tôi là nguồn kinh tế chính của gia đình, không may sau đó, anh bị tai nạn nên sức khỏe không đảm bảo để có thể một ngày làm việc tám giờ. Anh lui về nhà và sau khi trò chuyện với nhau một cách chân thành, chúng tôi thỏa thuận với nhau: tôi sẽ “đi làm ăn” còn anh sẽ hỗ trợ vợ và chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy hai đứa con. Như vậy, tôi đã trở thành người đóng thế vai một cách tình cờ và tình nguyện.

P7ZD2JhQ.jpgPhóng to
Gia đình hạnh phúc. Ảnh minh họa internet

Từ những góp nhặt nhỏ lẻ ban đầu đưa duyên, tôi chính thức bước vào công việc kinh doanh nhà đất kèm luôn thầu xây dựng. Một phần nhờ duyên làm ăn, một phần nhờ các mối quan hệ bạn bè của chồng tôi (trước đây anh ấy làm nhà nước) nên công ty của tôi cũng dần có chỗ đứng trong thị trường.

Tuy nhiên, để duy trì nó trong thời buổi nhiều cạnh tranh là một thử thách, nhất là khi người đó lại là một phụ nữ. Tôi buộc phải lao vào guồng quay để giành giật từng miếng đất, từng công trình, những chuyến “bôn ba” từ tỉnh này sang tỉnh khác, có khi là một, hai ngày, nhưng cũng có khi biền biệt cả tháng. Chưa kể những nghi thức xã giao với đối tác thuộc nhiều thành phần khác nhau cũng đủ làm tôi điên đầu.

Tuy vậy, tôi thấy mình còn điểm tựa là hai đứa con và quan trọng hơn là anh - chồng tôi. Anh như một cố vấn thầm lặng sau lưng tôi, cho tôi những lời khuyên khi cần thiết và chu toàn mọi việc mà một người vợ, một người con dâu như tôi phải làm.

Tình yêu năm năm trước khi kết hôn cùng những ngọt bùi cay đắng đã trải qua cùng nhau khiến chúng tôi có được sự đồng cảm mà tôi tin rằng, không phải ai cũng có được.

Tuy vậy, vợ chồng tôi cũng có những lúc phải đối diện với “khoảng lặng”. Đó là một đôi lần anh bị những lời khích bác ác ý cho rằng “bố đánh không đau bằng ngồi sau lưng đàn bà”, cộng thêm việc thấy vợ xúng xính áo quần, son phấn (dù là đi làm), về trễ hoặc có những chuyến công tác dăm bữa, nửa tháng, những lúc ấy, anh cũng “đá thúng đụng nia”, dù không đến nỗi “đĩa bay, chén lượn”.

Cũng vài lần tôi chao lòng trước một vài hình ảnh nam nhi thoảng qua trong những chuyến công tác. Cảm giác tội lỗi tuy trỗi dậy nhưng tôi không thể không so sánh giữa hai hình ảnh đàn ông: một người quần áo bảnh bao, lịch thiệp, ga lăng, mang đến cho tôi những điều mới mẻ bên hình ảnh một người đàn ông quen thuộc (đến nỗi nhàm chán) với quần đùi, áo thun...ở nhà.

Thậm chí, nhiều lúc đối diện với những “chua cay mặn ngọt” trong công việc, tôi chỉ ước ao sao, giá như mình chỉ là một người phụ nữ bình thường, làm nội trợ, đưa đón con cái, nấu những món ăn ngon và gia nhập vào “hội bà tám” về chuyện chồng, chuyện con cái, chuyện trường học, thầy cô của chúng,…

Ước vậy, xong cũng chỉ là điều ước thoảng qua như gió, vì khi đứng vào vai trò của người chồng, tôi càng thấy thương hơn khi nhớ lại những vất vả của anh ngày trước, ở giai đoạn chúng tôi còn chật vật, anh cố gắng để vợ không bị cực, con sanh ra không thiếu sữa, được chăm sóc đàng hoàng.

Thương hơn khi chỉ vì công việc, vì gia đình mà anh vĩnh viễn mất đi sức khỏe ngày nào.

Thương hơn khi anh thay tôi quản hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn với vô vàn những biến động tâm lý và may sao, chúng rất ngoan ngoãn. Và quan trọng, dù không làm ra tiền một cách trực tiếp nhưng những lời khuyên của anh giúp tôi rất nhiều mà đôi lúc tôi nghĩ, nếu thiếu anh, có thể tôi sẽ không làm được những điều to lớn trong sự nghiệp như thế này.

Có thể ở gia đình này, người chồng là người kiếm tiền, mải mê theo đuổi sự nghiệp nhưng ở gia đình kia, người vợ lại là nguồn tài chính chính nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là sự tin tưởng lẫn nhau và sự thống nhất với nhau trong việc phân chia vai trò, nhiệm vụ của mỗi người. Tôi yêu chồng tôi và chồng tôi tin tưởng tôi. Đó là điều lớn lao nhất mà tôi có, bên cạnh công việc và hai đứa con.

Tình yêu từ trái đến trái tim nhau sao quá khó khăn?

Tôi tưởng tượng đến kịch bản như sau về gia đình chị Hồng Phinh: những lời chì chiết của chồng chị rồi sẽ đẩy chị đến cao trào của bất mãn và chán nản, khoảng cách của sự thành đạt và yếm thế rồi sẽ bị đào sâu, thật không có gì chán bằng con đường đi của mình bị ngáng bởi những lời chì chiết. Không chỉ chán mà còn vô lý.

Sự thờ ơ của chị Hồng Phinh vì khách quan hay chủ quan rồi cũng sẽ đẩy gia đình đến chỗ…chán vì những người còn lại mang cảm giác bị bỏ rơi, đặc biệt là con cái, không có gì đau lòng bằng việc bị mẹ bỏ bê, không vỗ về chăm sóc.

Rồi vợ chán chồng yếm thế, chồng chán vợ tự cao. Cứ thế cứ thế rồi sao nữa....chắc không chỉ tôi mà ai cũng có thể dễ dàng đoán ra, không lôi nhau đến tòa thì cũng than khóc suốt một đời.

Bao nhiêu lý do để chán ngán rồi cũng sẽ hiện đủ trong câu chuyện này.

Chỉ có tình yêu thương và sự thông cảm hình như là thiếu.

Bên cạnh tôi và các bạn hình như rất rất nhiều (không đếm xuể) những gia đình vì một trong hai cá nhân hay vì cả hai mà cả vợ chồng đều không thể đối thoại với nhau được, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.

Theo tôi đó cũng là một dạng gia đình bất hạnh.

Phải chăng nó cũng có nguyên nhân bắt nguồn từ lịch sử văn hóa: người đàn ông VN thường ít chấp nhận những suy nghĩ khác với những suy nghĩ gia trưởng của mình và người phụ nữ thì…kém diễn đạt về mình, đôi khi không biết nói về mình mà cũng có thể là rất quá lời, làm ầm oàng mọi thứ.

Tình yêu thương có hay không mà không thể diễn đạt đúng thì gia đình có hạnh phúc nổi không? Rồi đàn ông sẽ đổ tại đàn bà, rồi đàn bà sẽ chỉ trích đàn ông. Cho nên nói phải yêu thương thì mới cứu rỗi nổi đời nhau nhưng có phải yêu thương cũng là chưa đủ? Phải đối thoại và chấp nhận điều khoản của nhau mới là đủ.

Mà vì sao những gia đình Việt Nam chúng ta đối thoại với nhau khó khăn thế, những tiếng nói trong lòng chúng ta diễn đạt cho nhau hiểu sao mà ghập ghềnh thế? Mong mọi người có thêm ý kiến với tôi.

Theo bạn, phụ nữ chỉ nên:
Tập trung lo công việc gia đình Tìm cách để “giỏi việc nước, đảm việc nhà” Tập trung phát triển sự nghiệp, việc nhà đã có người giúp việc hoặc chồng lo Yêu cầu và hướng dẫn chồng chia sẻ công việc nhà Ý kiến khác

Mọi ý kiến vui lòng gửi theo công cụ dưới bài hoặc về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt.

Em không thể làm "con ở" của bố con anhSao phụ nữ không thể “cháy” với sự nghiệp?Muốn "cháy" với công việc thì đừng lập gia đình?Chỉ phụ nữ mới cần giỏi việc nước, đảm việc nhà?Phụ nữ ngày nay có thực sự vất vả?Đàn ông Việt tệ hơn đàn ông ngoại chuyện giúp vợ?Phụ nữ Việt so sánh nhiều hơn góp ý, hướng dẫn?
LÊ NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên