* Tuổi Trẻ Online hưởng ứng Giờ trái đất* Toàn tỉnh Lào Cai tắt điện trong Giờ trái đất* Hà Nội: 29 quận, huyện cùng tắt đèn
Theo Trung tâm, khoảng thời gian Việt Nam thực hiện "Giờ trái đất" là thời gian giờ cao điểm trong hệ thống điện, do đó, thực hiện tắt đèn trong 1 tiếng vào giờ này đã thấy được rất rõ hiệu quả của việc tiết kiệm điện.
Năm 2009, hưởng ứng chương trình "Giờ trái đất", Việt Nam đã tiết kiệm được 140.000 kWh điện.
* Đúng 20g30 tối 27-3, nhiều tỉnh thành của Việt Nam đã cùng tắt đèn hưởng ứng Giờ trái đất 2010. Nhiều quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương cũng đã...tối dần.
*Toàn bộ thành phố Lào Cai và các địa phương của tỉnh đã tắt điện đường phố, công sở, điểm vui chơi giải trí, hộ gia đình để hưởng ứng Giờ trái đất.
Thời gian tắt điện kéo dài trong 1 giờ. Chỉ có bệnh viện Đa khoa số 1, số 2 và khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai là có điện, do tính chất đặc thù của công việc.
Hầu hết các gia đình đã sử dụng các thiết bị tích trữ điện như đèn chiếu sáng bằng ắc quy, đèn pin bấm tay; một số khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi công viên… sử dụng máy nổ phát điện để duy trì nguồn chiếu sáng.
* TP.HCM: Đúng 20g30, hàng nghìn ngọn nến đã được thắp lên trước Nhà hát TP - địa điểm chính diễn ra các hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất 2010 tại TP.HCM và các tuyến đường chính ở khu vực trung tâm.
![]() |
Những sinh viên 3 tốt của trường ĐH Ngoại ngữ và tin học được tuyên dương trong buổi tối ngày 27-3 cũng hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất - Ảnh: Phi Long |
Mặc dù mưa nặng hạt ở nhiều nơi nhưng không ngăn được hàng trăm bạn trẻ cầm nến trên tay tụ tập thành từng nhóm hát những bản nhạc về môi trường, về trái đất.
Các thành viên của CLB 3N (ĐH Văn Lang) đã đến công viên 30-4 từ rất sớm để chuẩn bị nến, và rất nhiều trò chơi về môi trường. Lê Ngọc Thanh Mai - chủ nhiệm CLB cho biết: “Nhóm đã hưởng ứng Giờ trái đất từ những tuần trước như hạn chế đi xe máy đến trường, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Đêm nay ban chủ nhiệm sẽ tổ chức trò chơi giải ô chữ về môi trường cho các thành viên trong nhóm”.
![]() |
Trâm Anh (trái) cùng các bạn sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM hưởng ứng Giờ trái đất - Ảnh: T.T.D. |
Tại công viên 30-4, khi hệ thống đèn chiếu sáng vụt tắt cũng là lúc nhóm tình nguyện Ngàn hạc giấy thắp sáng những ngọn nến trên tay. Cả nhóm không chỉ hướng ứng giờ trái đất mà còn tranh thủ tổ chức bán những bông hoa bằng lá dừa để gây giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hay nhóm bạn lớp du lịch K32, ĐH Kinh Tế TPHCM lại tổ chức một bữa tiệc sinh nhật cho hai thành viên trong lớp đúng vào thời điểm Giờ trái đất dưới ánh sáng lung linh của ngọn nến.
Trước Bưu điện TP, nhóm bạn học sinh lớp 12A1, trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 11- TPHCM) lại hưởng ứng Giờ trái đất rất đặc biệt. Hơn 20 thành viên đạp xe đạp với những băng rôn Giờ trái đất quanh các qua các con phố rồi tập trung lại tại công viên 23-9 khi đồng hồ điểm đúng 20g30.
![]() |
Rất đông các bạn trẻ TP.HCM cùng nhau thắp nến hưởng ứng chương trình Giờ trái đất - Ảnh: Minh Đức |
![]() |
Rất đông các bạn trẻ TP.HCM cùng nhau thắp nến hưởng ứng chương trình Giờ trái đất - Ảnh: Minh Đức |
Bạn Nguyễn Như Anh cho biết: “Để hưởng ứng Giờ trái đất năm nay, các bạn trong lớp đã vận động gia đình mình tham gia tắt điện tối hôm nay. Đạp xe đạp để tuyên truyền cho Giờ trái đất là ý tưởng của một bạn trong lớp với thông điệp chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ môi trường”.
Frederyc – một chàng trai đến từ Pháp cho biết đây là lần đầu tiên anh tham gia Giờ trái đất ở VN. “Ước gì Giờ trái đất không chỉ 1 giờ mà là 1 ngày và điện được tắt ở nhiều nơi hơn nữa. Tôi cũng tham gia không chỉ trong giờ này mà bằng những việc làm hàng ngày như tắt hết điện mỗi khi ra khỏi nhà”, Frederyc nói.
Tại KTX Học Viện Hành Chính Quốc Gia Phía Nam, các bạn sinh viên đã tắt hết các thiết bị điện như đèn chiếu sáng, máy quạt, máy tính …trong một giờ để cùng hưởng ứng Giờ trái đất. Còn trong đêm tuyên dương SV 3 tốt của trường ĐH Ngoại ngữ và tin học lại được diễn ra với ánh sáng lung linh từ ngọn nến. Cả hội trường được xem một clip đặc biệt về sự tàn phá của con người đối với môi trường và những hành động nhỏ mỗi người có thể làm để giúp giảm nhiệt cho trái đất.
Gần 90 SV ở ký túc xá sinh viên Lào (Q.3, TP.HCM) đồng thanh đếm ngược từ 10 đến 1 trước khi tắt toàn bộ thiết bị điện. Các bạn lắng nghe chuyên đề “Biến đổi khí hậu và hành động của chúng ta”, cùng ăn tối và tham gia những trò chơi tập thể vui nhộn quanh ánh nến. Tại chùa Long Hoa (Q.7), hơn 100 trẻ mồ côi ở đây đã được nhóm dự án giáo dục môi trường Sài Gòn 350 tổ chức vui chơi. Các em cũng được các anh chị nói chuyện về môi trường cũng như những hành động nhỏ, thiết thực mà lứa tuổi mình có thể thực hiện được.
Bạn Đỗ Thị Nga (SV ĐH KHTN TP.HCM) lại có cách đón Giờ trái đất đặc biệt tại gia đình của cậu học trò mình đang dạy kèm. Không những vận động mọi người trong gia đình mình, Nga còn thuyết phục ba mẹ học trò hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị điện trong ngày này.
Đoàn trường Trung cấp du lịch và khách sạn Sài Gòn Tourist, Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM tổ chức đêm hội “Ấm áp một giờ không điện” với đông đảo bạn trẻ tham gia.
Ngoài tiết mục trình diễn thời trang thân thiện với môi trường, giới thiệu clip về Giờ trái đất tại VN và các nước trên thế giới trong nhiều năm qua, các chuyên gia về Giờ trái đất cũng đã chia sẻ nhiều ý kiến cho SV xung quanh lợi ích của việc ý thức tiết kiệm điện, nước… trong sinh hoạt hằng ngày, góp phần bảo vệ môi trường sống tốt hơn.
![]() |
Chương trình "Thơ và trái đất" được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nhằm hưởng ứng "Giờ trái đất" năm 2010 đã thu hút được hơn 40 nhà thơ và nhiều HSSV tham dự. Trong ảnh: Một nghệ sĩ ngâm thơ dưới mưa, trong chương trình - Ảnh: Thuận Thắng |
![]() |
Ca sĩ Lam Trường với các bạn trẻ trước Nhà hát lớn TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
*Hà Nội: Đúng 20g30, những ánh đèn điện thắp sáng tại các địa danh nổi tiếng của Hà Nội như Đền Ngọc Sơn, tháp Rùa hồ Gươm, cầu Thê Húc, nhà hát Lớn, các công trình, trụ sở, các điểm vui chơi quanh hồ Tây, hồ Trúc Bạch của Hà Nội đã đồng loạt vụt tắt để đồng hành cùng sự kiện Giờ Trái đất diễn ra tại Việt Nam.
![]() |
Ánh đèn điện tại khách sạn InterContinential Hà Nội bên Hồ Tây, tâm điểm sự kiện - Ảnh: Xuân Long |
Bà Phạm Thanh Loan, phường Quảng An (Q.Tây Hồ) cho hay: “Mấy ngày trước, có mấy cháu tình nguyện viên tới đưa tờ rơi giới thiệu về chương trình Giờ Trái đất. Chúng nó bảo các bác tắt đèn vừa tiết kiệm được tiện, vừa chung tay bảo vệ hành tinh, môi trường nơi mình đang sinh sống. Sâu xa mình đâu có hiểu nhưng bảo vệ cuộc sống của mình thì tại sao mình không hưởng ứng”, bà Loan nói.
Cùng con trai 4 tuổi và gia đình hưởng ứng Giờ Trái đất bên bờ hồ Gươm, chị Nguyễn Thị Vinh, phường Giảng Võ (Q.Ba Đình) nói như reo: “năm ngoái sinh nhật con trai tôi được tổ chức tại một điểm ven hồ Gươm, cùng tối đó cũng là lần đầu tiên Hà Nội hưởng ứng Giờ Trái đất nên sau một năm, cả gia đình đều muốn chọn hồ Gươm để đồng hành cùng sự kiện này”.
Phát biểu kêu gọi người dân toàn TP, phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: “Mọi người hãy tham gia tích cực bằng những hành động thiết thực tiết kiệm điện ngay từ bây giờ. Giờ Trái đất không chỉ tắt đèn trong vòng 1 giờ mà mục đích của những người thực hiện chương trình là nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu bằng cách kêu gọi mọi người cùng tham gia tắt dèn. Nếu hàng tỷ người trên trái đất cùng đồng lòng thực hiện sẽ tạo nên những khác biệt đáng kể”.
![]() |
Các em nhỏ biểu diễn văn nghệ với những ngọn nến lung linh trên tay - Ảnh: Xuân Long |
Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội Vũ Văn Hậu cho biết ngoài các trụ sở, văn phòng, các địa danh, ước tính nhanh tại mỗi quận huyện đã có hàng vạn hộ dân đồng hành bằng cách tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất. “Chúng tôi không chỉ muốn có một giờ tiết kiệm năng lượng mà luôn kỳ vọng từng người dân, từng cơ quan, đơn vị đều thể hiện những nỗ lực, trách nhiệm với môi trường sống của mình từng ngày”, ông Hậu nói.
* Vũng Tàu: Nhiều nhà hàng, quán ăn, cà phê từ Bãi Sau đến Bãi Trước TP.Vũng Tàu đã hưởng ứng “Giờ trái đất”.
Đèn chiếu sáng hay trang trí của nhiều nhà hàng sang trọng, quán cà phê lớn đã tắt. Đèn chiếu sáng dọc đường Quang Trung, Hạ Long cũng tắt. Tại Resort Lan Rừng (đường Hạ Long, Bãi Dứa, TP.Vũng Tàu) chúng tôi chỉ thấy lượng ánh sáng nhỏ, không sáng trưng như bình thường.
Còn tại quán cà phê “Chong Chóng” chủ quán đã in băng rôn “Hưởng ứng giờ trái đất” giăng trước cổng. Khách ngồi uống nước nhờ ánh sáng của xe cộ chạy bên ngoài, chỉ có quầy tính tiền bật đèn neon để bàn.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất của tỉnh BR-VT cũng hưởng ứng “Giờ trái đất”.
* Khánh Hòa: Hơn 2.000 ĐVTN và người dân TP. Nha Trang đã tập trung tại Quảng trường 2-4 để tham gia chương trình hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2010.
![]() |
Các đoàn viên thanh niên tại TP.Nha Trang hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất tại Quảng trường 2-4 - Ảnh: Quang Phương |
Đúng thời khắc đã định, mọi người đã cùng thắp những ngọn nến; sau đó, cùng nhau thưởng thức các tiết mục múa hát của các em thiếu nhi và màn biểu diễn thời trang sáng tạo của các ĐVTN Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật; tham gia múa hát tập thể, vui chơi ngoài trời dưới ánh nến.
* Hội An:
![]() |
Các tình nguyện viên trong chiến dịch Giờ trái đất 2010 đêm 27-3 tại Hội An - Ảnh: Hoàng Duy |
*Thanh Hóa: hàng trăm nghìn gia đình, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tắt điện một giờ để hưởng ứng hoạt động này.
Nhiều tuyến đường như Quang Trung, Trần Phú, Bà Triệu, Phan Chu Trinh, Hạc Thành, đại lộ Lê Lợi... đã tắt hệ thống đèn đường trong một giờ. Chỉ còn riêng hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở các tuyến đường nêu trên hoạt động.
Ngay sau khi hệ thống đèn đường tắt, hầu hết các hộ gia đình sinh sống dọc các tuyến phố này cũng tắt đèn điện và nhiều thiết bị dùng điện khác để hưởng ứng Giờ trái đất năm 2010.
Đặc biệt, tại các nhà hàng, khách sạn lớn ở TP Thanh Hóa cũng đã tắt điện, phục vụ du khách ăn tối, uống cà phê dưới những ngọn nến lung linh, huyền ảo.
* Huế: Đúng 20g30, nhiều tuyến đường ở thành phố Huế đã tắt điện hướng ứng Giờ Trái đất. Đại Nội Huế chìm trong bóng tối. Trước khu vực Nginh Lương đình, đông đảo các bạn trẻ đã tập trung ca hát, cùng hô vang khẩu hiệu Hành động nhỏ cho thay đổi lớn.
Hình ảnh các nước Châu Á hưởng ứng Giờ trái đất
Cũng nằm trong Thái Bình Dương, Úc là cường quốc lớn nhất, với những biểu tượng nổi tiếng thế giới như Cầu cảng hay Nhà hát con sò tại Sydney cũng đã tắt đèn. Tại cảng Sydney, còi đã hụ đánh dấu một giờ thế giới tiết kiệm điện.
![]() |
Thành phố Auckland, thành phố lớn nhất tại New Zealand đã tắt bớt điện trong Giờ trái đất 2010 - Ảnh: Reuters |
![]() |
Cầu cảng Sydney tại Sydney, thành phố khai sinh ra Giờ trái đất đã tắt đèn trong Giờ trái đất 2010 - Ảnh: Reuters |
Sớm nhất thế giới là Quần đảo Chatham, rồi sau đó lần lượt 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác sẽ tắt điện, kết thúc tại Samoa, đúng 24 giờ sau.
Tại Quần đảo Chatham, các nhà máy điện cung cấp cho địa phương đã tạm ngưng hoạt động; trên toàn đảo chỉ còn 12 ngọn đèn được thắp sáng bằng điện.
Còn tại New Zealand, Fiji hay Tuvalu, xe cộ đã tạm thời ngưng chạy trong Giờ trái đất.
Sau những quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Thái Bình Dương, múi giờ đã đến với một loạt nước châu Á. Những biểu tượng kiến trúc hay trung tâm tài chính ở châu Á như Tử Cấm Thành hay Nhà hát quốc gia tại Trung Quốc; tòa nhà chọc trời tại Đài Loan; khu Orchard tại Singapore ... đều đã tắt đèn.
![]() |
Tòa tháp đôi Petronas tại Malaysia trong Giờ trái đất 2010 - Ảnh: Reuters |
Sau đây là hình ảnh những công trình tiêu biểu tại châu Á lúc trước khi và trong khi tắt đèn để hưởng ứng Giờ trái đất.
![]() |
Tử Cấm Thành trong Giờ trái đất 2010 - Ảnh: Reuters |
![]() |
Tòa tháp tại Đài Loan trong Giờ trái đất 2010 - Ảnh: Reuters |
![]() |
Nhà hát quốc gia Trung Quốc tại Bắc Kinh trong Giờ trái đất 2010 - Ảnh: Reuters |
![]() |
Khu Orchard, khu mua sắm sầm uất nhất tại Singapore trong Giờ trái đất 2010 - Ảnh: Reuters |
.................................................................
Hành động vì môi trường - cách sống có trách nhiệm
![]() |
Đúng thời điểm 20g30 hôm nay 27-3-2010, giao diện Tuổi Trẻ Online sẽ chuyển sang màu đen |
Thời gian giao diện chuyển sang màu đen này sẽ diễn ra trong vòng một tiếng đồng hồ như lời nhắc nhở hãy cùng nhau tắt đi những ánh sáng thừa, những thiết bị điện không cần thiết, cùng nhau sử dụng năng lượng hợp lý. Hơn thế nữa, hãy biến những việc làm này thành một thói quen: thói quen tiết kiện năng lượng, thói quen bảo vệ môi trường.
![]() |
Một trong 40 tấm thiệp điện tử do Tuổi Trẻ Online phối hợp với công ty Kiến Vàng, công ty demtrang.vn thực hiện |
Chúng tôi cũng rất mong nhận được những hình ảnh, những clip, những nội dung mà bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã cùng nhau chào đón Giờ trái đất như thế nào. Xin gửi về cho chúng tôi qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề ghi "Đón Giờ trái đất". |
Ngoài ra, gần 40 tấm thiệp điện tử của Tuổi Trẻ Online cùng với công ty demtrang.vn, công ty Kiến Vàng thực hiện sẽ góp thêm cho bạn những "công cụ" để gửi đi thông điệp của Giờ trái đất năm nay "Hành động nhỏ cho thay đổi lớn", trước tiên bằng hành động mang tính biểu tượng: Tắt đèn!
Cuộc thi viết ngắn "Một giờ không điện" lần thứ hai chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là hết hạn nhận bài. Tính đến nay Tuổi Trẻ Online đã nhận được gần 360 bài dự thi. 10 giải thưởng, mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng do Tuổi Trẻ Online trao tặng sẽ dành cho 10 bài viết xuất sắc nhất. Xin hãy tiếp tục gửi bài về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn trước 24g hôm nay, tiêu đề xin ghi Một giờ không điện.
Hơn thế nữa, Tuổi Trẻ Online trong thời gian qua cũng đã chia sẻ cùng bạn đọc nhiều kiến thức quan trọng trong việc sử dụng các thiết bị điện một cách hợp lý, an toàn.
Tiết kiệm năng lượng cho hệ thống chiếu sángCách sử dụng máy điều hòa không khí hợp lýSử dụng tủ lạnh, tivi, quạt máy... đúng cáchSử dụng xe máy, lò vi sóng, máy nước nóng... đúng cách |
Rất mong bạn đọc cùng hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2010, và cùng biến hành động sử dụng năng lượng khôn ngoan, tiết kiệm trở thành một ý thức, một thói quen của cả cộng đồng.
Cùng chờ đón khoảnh khắc 20g30 đêm nay 27-3-2010!
Gần 3.000 người đã trở thành “fan” của sự kiện Giờ Trái đất trên Facebook. Họ là những người thuộc “Thế hệ phục hồi”, như định nghĩa mà Mark Jarvis, giám đốc marketing của Tập đoàn Dell, đưa ra và được Thomas L.Friedman trích dẫn trong cuốn “Nóng, phẳng, chật”.
“Đó là những người thuộc mọi lứa tuổi, có chung lợi ích khi sử dụng tài nguyên tái tạo, tái chế và những biện pháp khác để duy trì môi trường tự nhiên của trái đất". Họ không sử dụng và tiêu xài tài nguyên một cách vô tội vạ. Họ hiểu là nếu chúng ta làm vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ càng suy thoái, ngắn ngủi và hạn chế.
Thế hệ đó khác với thế hệ trước - những người tiêu dùng năng lượng, nước, khai thác ồ ạt tài nguyên thiên nhiên mà hầu như không suy nghĩ tới thế hệ tương lai.
Thế hệ phục hồi có thể có tiền để trả tiền điện, nhưng sẵn sàng chỉ bật đèn đủ ánh sáng phục vụ nhu cầu; có thể có tiền để trả tiền nước nhưng vẫn vặn nhỏ vòi nước để đủ dùng khi rửa tay; có thể đủ tiền mua xe thật to, thật “khủng” nhưng vẫn đi chiếc xe khiêm tốn để tiết kiệm xăng và không thải khí quá nhiều ra môi trường.
Họ từ chối hưởng các dịch vụ hay sản phẩm từng là niềm mơ ước, là khát vọng, hay là thói quen của thế hệ đi trước.
![]() |
Tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học TP.HCM chuẩn bị trưng bày tranh của các em học sinh các trường trung học cơ sở ở Hà Nội và TP.HCM hưởng ứng cuộc thi vẽ tranh chủ đề Giờ Trái đất 2010. Hơn 6.000 bức tranh của các em tham gia cuộc thi này là những thông điệp kêu gọi mọi người hãy cùng nhau gìn giữ hành tinh xanh, bảo vệ Trái đất, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...(ảnh chụp tại công trường Lam Sơn, Q.1, TP.HCM sáng 26-3) - Ảnh : N.C.T. |
Thế hệ phục hồi là thế hệ mà với mỗi hành động của mình, họ đều đặt câu hỏi: Liệu tôi có lựa chọn nào khác để giảm tác hại tiêu cực ra môi trường hay không?
Đừng nói là chúng ta chưa thấy hậu quả của biến đổi khí hậu, phá rừng, thải khí, đầu độc dòng sông, vứt rác thải vô tội vạ. Bạn có thể nhớ lần gần đây nhất mình suýt chết ngạt vì khói xe và mùi không khí ô nhiễm, nhưng phải lâu lâu mới nhớ lại lần gần đây nhất thấy một cánh bướm bay hay nghe tiếng chim hót?
Cuộc sống của chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu và năng lượng và sẽ ngày càng phụ thuộc hơn nếu muốn phát triển. Nhưng giờ đây, thế hệ phục hồi đã hiểu nhiên liệu và năng lượng không phải miễn phí, lại càng không phải vô tận. Họ thay đổi tư duy, lối sống để trở nên sống xanh, sống tiết kiệm năng lượng.
Vậy chúng ta ở các nước đang phát triển thì sao? Dù bạn là ai, ở đâu trên Trái đất này, hẳn bạn không muốn con cái mình, thế hệ sau mình trách bạn là người có hiểu biết mà không làm gì để tự bảo vệ mình và con cái, cho dù bao nhiêu bài học đắt giá về sự tiêu dùng phung phí quá mức đã hiển hiện.
Hãy nhớ tới cô bé 12 tuổi Severn Suzuki ở hội nghị thượng đỉnh trái đất 18 năm trước đây đã nói: “Nếu các cô chú không biết khắc phục hậu quả thì xin đừng phá hoại thêm nữa!”. Suy nghĩ rằng Trái đất và tài nguyên thiên nhiên là do chúng ta toàn quyền sử dụng cho nhu cầu, mong muốn và tham vọng hiện tại đang trở nên lỗi thời và ích kỷ đối với chính chúng ta và những thế hệ tương lai.
Nhưng phát triển kinh tế hay bảo vệ môi trường luôn là câu hỏi nhức nhối, đặc biệt với các nước nghèo và kém phát triển như Việt Nam. Mối quan tâm và nhu cầu hiện tại thường là thu nhập, việc làm, giảm đói nghèo, phát triển.
Nếu phát triển dưới một tỉ lệ GDP nhất định sẽ dẫn tới bất ổn xã hội. Nhưng duy trì GDP cao cũng sẽ là nguy hiểm nếu môi trường của chính chúng ta bị phá hoại bằng những hành động bán rẻ môi trường, bán rẻ tương lai. Con người mới là sinh vật phụ thuộc vào môi trường và những loài khác để sống, chứ không phải ngược lại.
Chúng ta có thể làm gì trong khi vẫn chờ đợi các ý chí chính trị đưa ra những phương thức mang tính vĩ mô (và thật lâu thì chúng mới được áp dụng trong thực tế giữa cảm giác nghi ngờ về tính hiệu quả của những người xung quanh)?
Nhận thức là điều kiện tiên quyết cho bạn thay đổi thái độ và hành vi. Khi bạn đã dám nghĩ và nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề môi trường, tôi tin, bạn sẽ tự biết phải làm gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận