Tại sao doanh nghiệp Việt chưa niêm yết sàn Mỹ?
Kinh tế thế giới và Mỹ vẫn chưa hoàn toàn sáng sủa. Vậy đâu là cơ sở để doanh nghiệp Việt nam niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ vào thời điểm này?
Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm SCK New York, mở đầu cho những cơ hội DNVN niêm yết tại Mỹ |
Rục rịch tìm đường
Sau phi vụ niêm yết thành công đầu tiên của một doanh nghiệp Việt nam là Công ty Cavico trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) vào năm 2008, đã có khá nhiều doanh nghiệ rục rịch chuẩn bị kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Nhưng phải bắt đầu từ giữa 2009 trở đi, tức là ngay giữa thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì xu hướng này mới được tiến hành mạnh hơn, trong đó có sự góp sức của các quỹ đầu tư.
Đầu tiên phải kể tới Asean Capital. Tháng 3/2008, quỹ đầu tư này được cấp phép hoạt động chính thức tại Mỹ, thì chỉ vài tháng sau, họ đã được cấp giấy chứng nhận hành nghề tại TP.HCM với chức năng thu xếp vốn và dịch vụ trọn gói phát hành cổ phiếu và niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ cho các công ty nhỏ và vừa thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Và cũng chỉ mất chưa đầy một năm, vào tháng 8/2009, Asean Capital đã hoàn tất hai phi vụ niêm yết thành công trên sàn Nasdaq cho Công ty cổ phần Xăng Dầu Tín Nghĩa và Công ty cổ phần Vận tải Đường biển Trãi Thiên.
Cũng không nằm ngoài cuộc, Tiến sĩ. Alan Phan, Chủ tịch quỹ Viasa, doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên SCK Mỹ vào năm 1987. Đến năm 1999, Tập đoàn Harcourt do ông sáng lập đạt mức thị giá 670 triệu USD, hiện tách thành 5 công ty (HRCT, SRRY, ETAK, ENVI và SPXP) và tiếp tục niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, đã tỏ rõ mối quan tâm của mình đến các DN quê nhà. Từ năm 2008, ông bắt đầu tham dự nhiều cuộc hội thảo với các doanh nghiệp Việt Nam và đã cho ra mắt cuốn sách Niêm yết sàn Mỹ của mình trước khi bắt tay chính thức vào việc hợp tác để đưa các doanh nghiệp đi niêm yết tại Mỹ.
Trong khi đó, nhiều quỹ đầu tư có mặt khá lâu tại Việt Nam cũng cho biết đang lên kế hoạch xúc tiến việc này. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho biết, hiện cũng đang tư vấn cho một doanh nghiệp chuẩn bị lên kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế vào năm 2011 nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và cải thiện thứ hạng của doanh nghiệp trong khu vực.
Riêng Trung tâm Huy động vốn thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cũng đang rục rịch thực hiện kế hoạch này. Hiện Trung tâm đang cộng tác với Martin Doan, một chuyên gia tài chính tại Mỹ, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hoặc làm việc trực tiếp với nhiều doanh nghiệp các tỉnh để đưa đi niêm yết tại Mỹ.
Đúng thời điểm?
Ông Lữ Thế Hùng, Giám đốc Golden Investment Group, với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường Mỹ, cho rằng, sau cuộc khủng hoảng kinh tế, những nhà đầu tư nhỏ trên sàn chứng khoán Mỹ với quy mô vốn khoảng 35.000 tỷ USD đang hướng sự quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Martin Doan vừa từ Mỹ trở lại VN cũng chứng thực thông tin này khi cho biết thêm, tham gia các cuộc hội thảo về đầu tư vừa qua tại New York và Las Vegas (Mỹ), ông thấy một kết quả hết sức khả quan là Việt Nam được các nhà đầu tư quan tâm chỉ đứng sau Trung Quốc, nằm chung với các nền kinh tế như Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Phóng to |
NYYE, cửa ngõ giao dịch tài chính nhộn nhịp nhất thế giới với hàng tỷ USD được trung chuyển mỗi ngày |
Theo Martin Doan, hiện có hơn 500 công ty Trung Quốc đã có mặt trên sàn chứng khoán Mỹ, thu hút trên 1.000 tỷ USD vốn đầu tư. Đặc biệt, doanh nghiệp Trung Quốc huy động vốn trên sàn rất nhanh, có trường hợp chỉ sau hai ngày ra mắt đã được nhà đầu tư rót vốn để chuyển về Trung Quốc mua máy móc mới, mở rộng nhà xưởng, hoặc sáp nhập những công ty cùng ngành...
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Quỹ Vietnam Asset Management (VAM), nói rằng, TTCK VN vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn thiếu tính thanh khoản. Trong khi ấy, thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ đang dần dần tiến khỏi miệng hố nợ dưới chuẩn. Bên cạnh đó, thời gian này, kế hoạch huy động vốn từ thị trường chứng khoán trong nước được coi là khó khả thi dù doanh nghiệp hoạt động tốt đến đâu. Vì vậy, giải pháp niêm yết tại thị trường nước ngoài, trong đó có Mỹ được xem là khả dĩ.
Dè dặt hơn rất nhiều, Tiến sĩ. Alan Phan không cho rằng nền kinh tế Mỹ đã qua thời kỳ khủng hoảng, cụ thể là thu nhập người dân Mỹ không tăng, trong khi nợ nần của Chính phủ lại cao. Nhưng ông nhận định, dù thực sự nền kinh tế Mỹ đang khập khiễng, nhưng vẫn rất lớn, chưa thể “lăn ra chết”, có nghĩa là cơ hội để “làm ăn” vẫn có. Doanh nghiệp Việt nam vẫn có thể niêm yết hiệu quả, nhưng cơ hội sẽ thu hẹp lại, tiêu chí chọn của các nhà đầu tư sẽ rộng hơn, do đó các công ty niêm yết phải chịu sự sàng lọc kỹ hơn.
Ngành nào hấp dẫn?
Niêm yết tại sàn chứng khoán nước ngoài sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, như: tiếp cận nguồn vốn lớn, quảng bá tên tuổi ra thị trường quốc tế, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty và tính minh bạch, tiếp cận vốn quốc tế, mở rộng cơ sở cổ đông, tăng tính thanh khoản của giao dịch, tăng cường quảng bá hình ảnh công ty và nhãn hiệu sản phẩm, giúp phân tán rủi ro thị trường cho các công ty trong một số ngành...
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là những ngành nào của Việt Nam được chú ý? Riêng với nhà đầu tư Mỹ, những khuyến nghị về định hướng ngành cần xúc tiến cũng quá đa dạng, tập trung vào các lĩnh vực như: năng lượng, thực phẩm, nông sản, vận tải, khoáng sản...
Martin Doan cho biết, sau khi khảo sát thị trường chứng khoán Mỹ và thăm dò các nhà đầu tư, có ba ngành của VN được quan tâm nhất là nông nghiệp, chế biến nông thủy sản và khoáng sản. Ông nói, thực tế có nhiều công ty ngành thực phẩm của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ rất được chú ý.
Lấy trường hợp một công ty thủy sản, doanh số chỉ khoảng 50 triệu USD/năm, nhưng sau khi niêm yết, thị giá đã lên tới 250 triệu USD. Theo Martin Doan, với trường hợp của công ty thủy sản này, điểm thu hút của họ là chịu đầu tư công nghệ, còn chất lượng sản phẩm không hơn sản phẩm của Việt Nam, trong khi nhiều công ty thủy sản Việt Nam hiện có quy mô lớn hơn nhiều.
Hiện Martin Doan đang làm việc với một số công ty thủy sản ở Vĩnh Long để giúp đỡ họ huy động vốn, có thể bằng phương pháp mua bán sáp nhập, nhưng đường dài là có thể niêm yết trực tiếp trên sàn Mỹ.
Riêng Tiến sĩ Alan Phan cho biết, quỹ của ông chú trọng đến các doanh nghiệp nhỏ nhưng lại có sự đầu tư vào công nghệ cao, để sau này có thể tạo sự đột phá cả ở thị trường quốc tế. Ông nhận định, công ty của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chất xám, chứ không phải là những ngành sử dụng sức lao động, dù tiền thuê nhân công VN rẻ hơn nhân công Trung Quốc 10 - 15%, nhưng hiệu suất công việc lại thấp hơn.
Lĩnh vực khoáng sản cũng có tiềm năng, nhưng không lâu dài. Ông đánh giá cao ba ngành có tiềm năng là công nghệ sinh học, dược phẩm và công nghệ thông tin.
Là người trực tiếp tư vấn cho Công ty Tín Nghĩa và Trãi Thiên, ông Lữ Thế Hùng cho rằng, muốn nhà đầu tư Mỹ quan tâm, doanh nghiệp niêm yết phải tạo ra điểm nhấn. Cụ thể trường hợp Tín Nghĩa, đây là một tập đoàn hoạt động đa ngành, nhưng Tín Nghĩa chỉ quyết định niêm yết hệ thống phân phối xăng dầu.
Ông Hùng đã phải viết phương án kinh doanh mới cho Tín Nghĩa để tăng giá trị gia tăng bằng cách thiết lập thêm mô hình cửa hàng tự chọn ở mỗi trạm xăng dầu. Thực ra, mô hình này ở nước ngoài đã có từ lâu, nhưng ở VN thì còn mới. Và chỉ bằng cách này mới hy vọng nhà đầu tư Mỹ sẵn sàng rót vốn vào sau khi đã thuyết phục được họ.
Có hai cách để lên sàn chứng khoán Mỹ. Cách thứ nhất là Niêm yết truyền thống: Thực hiện từng bước niêm yết ra công chúng bình thường theo chương trình PublicLaunch. Cách thứ hai là Sáp nhập ưu thế, còn gọi là “niêm yết cửa sau”, “niêm yết nghịch” hay mượn “vỏ niêm yết”. Theo cách này, công ty chưa niêm yết của Việt Nam sẽ sáp nhập với một công ty đã niêm yết của Mỹ (thực chất chỉ là cái vỏ, tài sản và nguồn vốn không đáng kể). Công ty này sẽ chiếm quyền kiểm soát và đương nhiên được niêm yết trên thị trường chứng khoán bằng sự đổi tên của cổ phiếu đã niêm yết. Đây là con đường ngắn nhất và là cách mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp của các nước đang phát triển vào thị trường chứng khoán Mỹ. Một mô hình doanh nghiệp lý tưởng để niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ là: doanh thu tối thiểu 15 triệu USD/năm. Lợi nhuận ròng 2 triệu USD/năm. Giá trị tài sản 4 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Cổ phiếu công chúng 15%. Với quy mô này, chi phí niêm yết khoảng 1,5 triệu USD, bao gồm: tư vấn trọn gói, 300 ngàn USD; chi phí kiểm toán quốc tế, 500 - 700 ngàn USD; chi phí dự phòng, 30.000 - 50.000USD; tiền mua “vỏ doanh nghiệp sạch” của Mỹ để sáp nhập thông thường chiếm khoảng 3 - 5% tổng cổ phiếu phát hành. Mức thích hợp với các doanh nghiệp Việt Nam là khoảng 300 - 500 ngàn USD. (Nguồn Asean Capital) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận