17/07/2012 07:10 GMT+7

Hàng Việt vẫn chưa được bảo vệ

DŨNG TUẤN
DŨNG TUẤN

TT - Đó là ý kiến của đại diện nhiều hội, hiệp hội tại buổi hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm do Sở Công thương TP.HCM phối hợp với Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng tổ chức chiều 16-7.

1vdvz6xu.jpgPhóng to
Các cơ quan chức năng gần như “buông” thị trường chợ truyền thống. Trong ảnh: người dân xem hàng tại chương trình “Hàng Việt vào chợ truyền thống” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, báo Tuổi Trẻ và Vinamilk phối hợp tổ chức - Ảnh: DŨNG TUẤN

Có mặt tại hội nghị, bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, cho rằng hiện các cơ quan quản lý vẫn còn bỏ lỏng, bám chưa sát một thị trường tưởng như đã cũ nhưng vẫn luôn sôi động thời gian gần đây là chợ truyền thống. Theo khảo sát của hội, hiện hàng Việt xuất hiện tại chợ mới chỉ dừng ở con số khiêm tốn, chưa đúng với vai trò “sân nhà” của mình.

Trong khi đó, hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn ngang nhiên trụ vững khắp các chợ trên cả nước. Bà Hạnh cho biết nhiều mặt hàng Trung Quốc kém chất lượng sau khi nhập về các đầu mối ngang nhiên dán tem, nhãn “made in Vietnam” lên sản phẩm rồi bày bán tràn lan trên thị trường. “Chính mắt tôi đã chứng kiến vài hộ kinh doanh làm công việc dán tem, nhãn lên sản phẩm của Trung Quốc” - bà Hạnh bức xúc.

Cùng quan điểm với bà Hạnh, ông Nguyễn Quốc Anh, chủ tịch Hiệp hội Cao su - nhựa TP.HCM, lại nhìn nhận việc bảo vệ người tiêu dùng ở khía cạnh khác. Ông Quốc Anh cho rằng hiện nhiều mặt hàng cao su, lốp xe của các nước như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan... nhan nhản thị trường trong nước. Mặc dù vậy, hầu hết các mặt hàng này đều không có hàng rào kỹ thuật bảo vệ.

“Hàng VN sản xuất ra đòi hỏi đủ các tiêu chuẩn chất lượng, trong khi hàng nước ngoài thì không có bất cứ tiêu chuẩn nào. Liệu như vậy đã bảo vệ được hàng hóa và người tiêu dùng hay chưa?” - ông Anh đặt vấn đề. Ngoài ra, việc không có hàng rào kỹ thuật bảo vệ đã tạo cơ hội cho các sản phẩm giả mạo, kém chất lượng đua nhau kéo vào VN khi Khu vực thương mại tự do ASEAN chính thức có hiệu lực.

Ông Nguyễn Phước Hưng, tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, khá bức xúc khi hiện nay các cơ quan nhà nước còn cứng nhắc trong điều hành. Ông Hưng lấy ví dụ, hội chợ hàng VN chất lượng cao tại Campuchia do Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao tổ chức mới đây đã bị Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương “tuýt còi” yêu cầu tạm ngưng. “Trong khi cả nước đang vận động tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chủ trương của nghị quyết 13 thì việc này liệu có đi đúng chủ trương hay chưa?” - ông Hưng đặt câu hỏi và đề nghị lãnh đạo Sở Công thương hỗ trợ, tạo điều kiện.

Đại diện Sở Công thương TP.HCM, ông Huỳnh Khánh Hiệp - phó giám đốc sở - cho biết từ nay đến cuối năm Sở Công thương TP.HCM sẽ tăng cường công tác kiểm tra. Riêng vấn đề gian lận thương mại, ông Hiệp khẳng định sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát để người tiêu dùng và doanh nghiệp không bị thiệt thòi. Ngoài ra, ông Hiệp đề nghị trong tình hình khó khăn hiện nay, các hội, hiệp hội nên bắt tay với nhau để phối hợp tháo gỡ những vướng mắc và đặc biệt là giải quyết được lượng hàng hóa tồn kho.

Tràn lan hàng dỏm

Có mặt tại hội nghị, ông Nguyễn Tường Minh - tổng thư ký Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM - cho biết hiện hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tràn lan và tinh vi hơn trước. Theo thống kê sơ bộ của hội, từ năm 2011 đến nay đã có hơn 240 vụ việc người tiêu dùng khiếu nại được giải quyết. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng trong khi Luật bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực từ tháng 7-2011 nhưng đến nay người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ quyền lợi chính đáng.

DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên