Phóng to |
Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh nhà đài chịu trách nhiệm, phải có chế tài đủ mạnh, thậm chí tước giấy phép kinh doanh các công ty bán hàng qua truyền hình.
Thực tế một số đài truyền hình, đơn vị tiếp tay cho các công ty bán hàng qua truyền hình lừa đảo người tiêu dùng bằng những quảng cáo khác xa sự thật, lại không phải chịu bất cứ trách nhiệm trực tiếp nào. Thậm chí nhiều đài truyền hình hiện vẫn vô tư quảng bá những đoạn quảng cáo quá sự thật về nhiều loại sản phẩm...
"Để người tiêu dùng không bị lừa bởi các công ty như Happy Shopping, chúng tôi cho rằng vấn đề đầu tiên là phải có sự “đồng bộ hóa” các văn bản pháp luật liên quan đến quảng cáo để nâng cao hơn và dễ bề truy cứu trách nhiệm của từng bên liên quan" Luật sư Ngô Quang Thụy |
Bất chấp phản ứng từ phía người tiêu dùng, hàng loạt kênh của các đài truyền hình vẫn phát các chương trình quảng cáo quá sự thật của những doanh nghiệp chuyên bán hàng qua truyền hình. Sáng 26-6, kênh truyền hình LA34 tiếp tục phát quảng cáo sản phẩm Eve’Love, áo nâng ngực Wonderful... của Công ty Happy Shopping.
Trong khi đó, một số kênh truyền hình khác vẫn tiếp tục phát các chương trình quảng cáo bán hàng cho một số doanh nghiệp có kiểu kinh doanh tương tự Happy Shopping. Trên các kênh SCTV5, SCTV7, SCTV10, VTV1 Cần Thơ... vẫn chạy các chương trình quảng cáo đã được dựng sẵn băng, bán đủ loại hàng hóa từ mỹ phẩm, đồ bếp gia dụng, thực phẩm chức năng, giày dép, đồ trang sức với nhiều từ ngữ tâng bốc sản phẩm lên tận mây xanh.
Chị Q., nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp ngụ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết chị từng sử dụng sản phẩm Eve ‘Love của Happy Shopping và thấy rằng “quảng cáo gì mà nói xạo quá trời!”. Theo chị Q., sản phẩm khi sử dụng thực tế rất dày, mặc vào hết sức khó khăn chứ không mềm mại, dễ dàng như quảng cáo và hoàn toàn không có chút tác dụng nào cả “chứ đừng nói năm giây có ngay eo thon!”.
Theo cựu nhân viên một công ty bán hàng qua truyền hình, hầu hết sản phẩm này có chất lượng kém, thua xa quảng cáo. Hơn nữa, xem qua các kênh bán hàng này, điều dễ dàng nhận thấy là đa số doanh nghiệp, nhà đài đã không công bố thông tin xuất xứ hàng hóa đến người tiêu dùng.
Trong khi đó, đây thực tế là một kênh bán hàng của doanh nghiệp, mà theo quy định, doanh nghiệp bán hàng phải thông tin rõ xuất xứ cho người tiêu dùng. Cựu nhân viên này cho biết rất nhiều sản phẩm trang sức, thời trang, mỹ phẩm, điện thoại... hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá thành cực rẻ. Giá bán cho người tiêu dùng cao gấp nhiều lần vì chi phí doanh nghiệp chi cho quảng cáo qua các kênh truyền hình quá lớn. Hơn nữa, chi phí giao hàng cũng không nhỏ vì đối tượng tiêu thụ chủ yếu là người tiêu dùng tỉnh lẻ - dễ dàng tin vào thông tin quảng cáo.
Có thể xử phạt nhà đài
Hiện tượng các công ty bán hàng qua truyền hình thoải mái đưa ra những thông tin về chất lượng sản phẩm tốt đến mức thần kỳ được cho là có nguyên nhân bởi sự dễ dãi trong hợp tác quảng cáo của nhà đài với các đơn vị này. Nếu nhà đài thẩm định kỹ công dụng, chức năng, xuất xứ và các giấy tờ hợp lệ khác của doanh nghiệp mua sóng sẽ không dễ dàng để những đơn vị này lừa gạt người tiêu dùng. Trong phản hồi của bạn đọc báo Tuổi Trẻ về vụ việc của Happy Shopping cuối tuần trước, rất nhiều bạn đọc cho rằng nhà đài có trách nhiệm liên đới, phải bị xử phạt,
Luật sư Ngô Quang Thụy, Công ty luật NT Trade Law, cho biết hiện quy định về trách nhiệm của đài truyền hình với tư cách cung cấp phương tiện quảng cáo qua truyền thông “không thật sự rõ ràng do có sự chồng chéo trong các quy định về báo chí, thương mại quảng cáo và bảo vệ người tiêu dùng”.
Theo ông Thụy, đứng ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7), đài truyền hình sẽ được coi là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Luật bảo vệ người tiêu dùng ghi rõ đài truyền hình sẽ phải “chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ”. Rõ ràng, trường hợp doanh nghiệp cố tình tâng bốc chất lượng sản phẩm lên mây xanh, bán hàng giả, hàng lậu đã được nhà đài bỏ qua hoặc xem nhẹ yêu cầu kiểm chứng này. Do đó khi xảy ra sự cố, nhà đài phải chịu trách nhiệm liên đới và vi phạm phải bị xử phạt.
Tuy nhiên, không phải chờ đến ngày 1-7 mới có thể ràng buộc trách nhiệm của nhà đài theo Luật bảo vệ người tiêu dùng mà hiện nay đã có quy định về trách nhiệm của nhà đài nếu để quảng cáo sai sự thật. Điều 24 pháp lệnh quảng cáo nêu rõ người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (trường hợp bán hàng qua truyền hình là nhà đài) phải yêu cầu bên quảng cáo (doanh nghiệp bán hàng) cung cấp thông tin trung thực, chính xác về nội dung quảng cáo và phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
Về mặt quản lý hành chính, theo ông Thụy, đài truyền hình cũng có thể bị phạt tiền nếu cơ quan quản lý nhà nước kết luận có hành vi để xảy ra “quảng cáo sai sự thật” theo nghị định 37/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, cũng như nghị định 120/2005/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh quy định cụ thể các mức phạt tiền đối với hành vi “đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng...”.
Cần chế tài mạnh hơn Theo luật sư Ngô Quang Thụy, Luật doanh nghiệp cho phép cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, ở góc độ quản lý sản phẩm chuyên ngành, doanh nghiệp không được phép lưu thông trên thị trường các sản phẩm chưa được cấp phép lưu thông. “Ví dụ như trong trường hợp này, Happy Shopping kinh doanh một số loại mỹ phẩm chưa công bố chất lượng với cơ quan quản lý về y tế thì những mỹ phẩm này chắc chắn sẽ không được phép có mặt trên thị trường” - ông Thụy nhấn mạnh. Theo ông Thụy, cần có chế tài mạnh hơn với những trường hợp vi phạm như của Happy Shopping. Từ ngày 1-7, khi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, các tổ chức xã hội có thể tự đứng ra khởi kiện doanh nghiệp nếu phát hiện kinh doanh hàng dỏm, kém chất lượng, ảnh hưởng đến nhiều người tiêu dùng. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Nở rộ bán hàng qua truyền hìnhXử phạt công ty bán hàng qua truyền hìnhMua hàng qua truyền hình: Sự thật khác xa quảng cáoThêm quyền “tự vệ” cho người tiêu dùng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận