16/05/2014 08:54 GMT+7

Bảo đảm an toàn, an ninh cho mọi doanh nghiệp

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 15-5, tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách, nhiều đại biểu đều lên tiếng yêu cầu phải ngăn chặn tình trạng kẻ xấu xúi giục, kích động đập phá doanh nghiệp nước ngoài làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư VN.

Hãy thể hiện lòng yêu nước một cách bình tĩnhHãy kiên cường, tỉnh táo, chúng ta là dân tộc yêu hòa bình!Khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng ở Đồng Nai, Bình Dương

kpUuxfVJ.jpg
Ngày 15-5, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã đến các khu nhà trọ, khu dân cư gần các khu công nghiệp để tiếp nhận và vận động người dân trả lại đồ đã lấy trong các nhà máy - Ảnh: Bá Sơn

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định việc đập phá doanh nghiệp nước ngoài vừa rồi chắc chắn có sự đứng đằng sau của các phần tử xấu kích động và xúi giục. Tình hình hiện đã được kiểm soát nhưng cần có giải pháp để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Phải xử lý nghiêm những hành vi kích động, phá rối

“Chúng ta đang có chính nghĩa, đang được bạn bè quốc tế ủng hộ. Nhưng những hình ảnh tự phát như vừa rồi đã làm xấu đi hình ảnh VN. Nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ làm quốc tế lo ngại về VN” - bà Ngân nói.

Theo bà Ngân, bên cạnh việc gửi thông điệp trấn an nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các phần tử xấu lợi dụng tình hình để kích động, phá rối, đồng thời tuyên truyền cho công nhân rằng hành động tự phát như vậy sẽ làm xấu hình ảnh VN.

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết tình hình kinh tế - xã hội có những chuyển biến đáng mừng và có nhiều điểm sáng trong những tháng đầu năm, cho đến khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép xuống vùng biển VN.

Tuy nhiên, điều ông Vinh lo ngại là hình ảnh về môi trường đầu tư VN có thể bị ảnh hưởng bởi các hành động manh động, tự phát trong vài ngày qua.

Ông Vinh cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cần có biện pháp mạnh mẽ để chấn chỉnh tình hình, bảo đảm quyền và các lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài tại VN, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư yên tâm tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Theo ông Trần Văn Hằng - chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, một bộ phận người dân có tâm lý bài trừ hàng hóa, dịch vụ của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng quan hệ kinh tế giữa hai bên.

“Chúng ta phản đối mọi sự xâm phạm, đấu tranh quyết liệt để bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác thì người dân cần bình tĩnh, suy xét cẩn thận, không nên có hành động quá cực đoan” - ông Uông Chu Lưu, phó chủ tịch Quốc hội, nói.

Biển Đông sẽ vào chương trình nghị sự của Quốc hội

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển, do các diễn biến phức tạp mới phát sinh gần đây nên chưa lường hết được hậu quả của nó đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

“Kinh tế có khởi sắc trong những tháng đầu năm, nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Điều này thể hiện ở mức độ hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất thấp, tăng trưởng tín dụng rất khó khăn, vốn dường như chỉ chảy vào chứng khoán, bất động sản, chứ rất ít chảy trực tiếp vào sản xuất” - ông Hiển nói.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị sau phiên họp này, Chính phủ cần đánh giá và có báo cáo cụ thể về các tình huống kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng bởi tình hình biển Đông.

Theo ông Phúc, nông nghiệp sẽ bị tác động rất mạnh, đặc biệt là xuất khẩu, nên vấn đề thị trường và tìm kiếm thị trường mới cần được đặt ra. Rồi kinh tế khó khăn như vậy, nếu nguồn thu giảm thì kịch bản sẽ như thế nào? “Về an ninh - quốc phòng, chúng ta cần có những chỉ đạo, kịch bản ứng phó bài bản đối với các tình huống nảy sinh” - ông Phúc nói.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền kiến nghị trước mắt cần có cơ chế giải quyết những khó khăn của ngư dân. Đồng bào ngư dân bám biển vừa làm ăn kinh tế, nhưng cũng vừa bảo vệ chủ quyền nên họ cần được hỗ trợ vốn để đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ, hỗ trợ chính sách tiêu thụ sản phẩm...

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết trong phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội của Chủ tịch Quốc hội (ngày 20-5) sẽ có đoạn nói về tình hình biển Đông, tuyên bố rõ ràng quan điểm của chúng ta. Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo, thảo luận và xem xét tình hình này.

“Bổ sung đánh giá kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm trước tình hình biển Đông phức tạp. Cần chủ động đưa tình hình biển Đông vào báo cáo” - ông Sơn cho biết.

Đề cập tình hình thông tin, chỉ đạo, điều hành của một số bộ ngành thời gian gần đây như chuyện rút đăng cai Asiad, rút tờ trình về đổi mới chương trình - sách giáo khoa, ứng xử trước bệnh sởi..., ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần thể hiện vào báo cáo trình Quốc hội. “Rõ ràng đó là những ứng xử, phản ứng chưa tốt, làm dư luận bức xúc. Ví dụ dịch sởi thì bộ trưởng nói một đường, thứ trưởng lại nói khác, rồi bảo đó là việc của địa phương. Rồi việc rút đăng cai Asiad, chuyện tày đình như thế, đến khi vỡ lở ra mới biết là chưa báo cáo Chính phủ” - ông Phúc nói.

Đảm bảo an toàn, an ninh cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngày 15-5, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu Bộ Công an, các bộ, các cơ quan của trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp, chủ động và kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật. Bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của mọi người, mọi doanh nghiệp. Bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng nêu rõ: Nhân dân cả nước đã biểu thị lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển VN là việc làm chính đáng. Nhưng tại một số địa phương đã có một số người có hành vi vi phạm pháp luật, manh động, phá hoại cơ sở sản xuất, có cả cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, sinh hoạt bình thường của người dân, môi trường đầu tư và chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

* Cùng ngày, trong buổi tiếp ông Vikrom Kromadit, chủ tịch Tập đoàn Amata Thái Lan, đại tướng Trần Đại Quang - bộ trưởng Bộ Công an - cho biết các cơ quan chức năng của VN sẽ tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn về con người, tài sản đối với các tổ chức, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại VN.

* Chiều 15-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã ký công văn khẳng định các cơ quan chức năng VN đã có nhiều biện pháp kiên quyết ngăn chặn hiện tượng một số kẻ xấu lợi dụng cuộc tuần hành gây ra những tổn thất về tài sản cho một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của VN. Công văn cũng bày tỏ “mong muốn nhận được sự chia sẻ, thông cảm và ủng hộ của các nhà đầu tư nước ngoài, khẩn trương ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh”.

M.QUANG - L.KIÊN

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên