05/05/2014 05:45 GMT+7

Luật có đủ, chỉ lo "đánh trống bỏ dùi"

 LÊ SƠN
 LÊ SƠN

TT - Giữa tháng 4-2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng - phó chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - lại vừa ký văn bản chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý vấn nạn mũ bảo hiểm dỏm.

Mua sim tặng mũ dỏmDẹp tận gốc mũ bảo hiểm dỏmMũ bảo hiểm dỏm bán tràn lan

ezZlYe4z.jpgPhóng to
Cơ quan chức năng kiểm tra một điểm bán mũ bảo hiểm kém chất lượng trên đường Nguyễn Trãi, TP.HCM. Trên tuyến đường này hiện vẫn xuất hiện nhiều điểm bán mũ bảo hiểm kém chất lượng - Ảnh: Lê Sơn

Văn bản ghi rõ huy động tổng lực các cơ quan ban ngành: Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố, cơ quan truyền thông... vào cuộc với việc phân chia nhiệm vụ cụ thể. Nhìn vào chỉ đạo này có thể tin rằng tới đây mũ bảo hiểm dỏm sẽ không còn đất sống khi cả gốc lẫn ngọn từ sản xuất, kinh doanh đến người sử dụng đều bị kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, khi đọc văn bản chỉ đạo này, chúng tôi thấy quen thuộc bởi từng đọc khá nhiều văn bản tương tự trong thời gian trước đó. Trong năm 2013, nhằm chấn chỉnh và dẹp bỏ vấn nạn mũ bảo hiểm dỏm, hàng loạt văn bản pháp luật, kế hoạch chỉ đạo từng được đưa ra.

Cụ thể, tháng 3-2013 chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký) được ban hành nhằm tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông ra đời. Chỉ thị nêu rõ Bộ Khoa học - công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ Công thương, Công an, GTVT tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, đặc biệt là đối với việc sản xuất, kinh doanh và dán tem, nhãn. Bộ Công thương xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm vi phạm; Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông xử lý các trường hợp người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách. Chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm quản lý của UBND các tỉnh, thành phố tham gia giám sát, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh cũng như việc bày bán mũ bảo hiểm trên lòng lề đường.

Ngay sau đó các bộ, ban ngành thực hiện triển khai, ra quân rầm rộ kiểm tra xử lý. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đặt rõ mục tiêu cơ bản đến hết năm 2013 chấm dứt tình trạng sản xuất, lưu hành sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chất lượng.

Tương tự, tại các địa phương chiến dịch truy quét mũ bảo hiểm dỏm cũng được lên kế hoạch triển khai. Cụ thể, giữa tháng 5-2013, UBND TP.HCM triển khai kế hoạch, chỉ đạo rõ các sở ngành liên quan, UBND cấp phường, xã thực hiện kiểm tra, kiểm soát. Mục tiêu UBND TP đặt ra đến cuối năm 2013 cơ bản dẹp mũ bảo hiểm dỏm để hầu hết người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi lưu thông.

Cũng để dẹp tận gốc vấn nạn mũ bảo hiểm dỏm, thông tư liên tịch 06 do bốn bộ: Khoa học - công nghệ, Công thương, Công an và GTVT ký ban hành và có hiệu lực từ giữa tháng 5-2013. Thông tư ra đời góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm phân biệt và xử lý đối với các loại mũ bảo hiểm đạt chuẩn, mũ kém chất lượng và mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy (mũ thời trang, mũ thể thao, mũ cho người đi bộ...).

Thế nhưng, trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM không khó để kiếm một điểm bày bán mũ bảo hiểm dỏm trái phép trên lòng lề đường hoặc tại các ngã tư. Riêng tại tuyến đường Nguyễn Trãi (Q.5), khu vực công viên Phú Lâm (Q.6) tình trạng bày bán mũ bảo hiểm trái phép, lấn chiếm lòng lề đường vẫn tồn tại ngang nhiên và ngày càng bành trướng quy mô. Tại những điểm bán này, đã không ít lần cơ quan chức năng của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương cũng như thanh tra Bộ Khoa học - công nghệ từng đích thân ra quân nhằm dẹp bỏ nhưng không thành. Kết quả kiểm tra cho thấy gần như 100% sản phẩm mũ bảo hiểm bày bán tại đây là mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả mạo tem hợp quy CR, mũ không phải mũ bảo hiểm với giá rẻ từ 50.000-70.000 đồng/cái.

Một số doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm tại TP.HCM ngậm ngùi cho rằng: “Cơ chế chính sách đã hoàn thiện nhưng chúng tôi đang là nạn nhân bởi việc thực thi chính sách theo kiểu đánh trống bỏ dùi của cơ quan chức năng! Người dân vẫn đội mũ dỏm, kém chất lượng trong khi chúng tôi sống dở chết dở”. Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn khẳng định họ buộc phải lựa chọn giữa hai phương án: rút khỏi kinh doanh mũ bảo hiểm hoặc chuyển qua sản xuất mũ dỏm. Thực tế, không ít doanh nghiệp chọn phương án “chân trong, chân ngoài” để tồn tại.

 LÊ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên