27/03/2014 09:06 GMT+7

Nhiều chính sách hỗ trợ, số doanh nghiệp "chết" vẫn tăng

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Dù nền kinh tế được nhận định đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhưng trong ba tháng đầu năm 2014, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động của cả nước lên tới gần 17.000 đơn vị, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2013.

IPdJ1HEy.jpg
Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Đây là số liệu vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh công bố. Theo đó, trong tháng 3-2014 cả nước có 4.358 doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động do khó khăn, nâng tổng số doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động trong ba tháng đầu năm lên 16.745 đơn vị. Cũng trong tháng 3-2014, cả nước có 7.487 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp được thành lập mới trong ba tháng đầu năm nay lên 18.358 đơn vị.

Theo TS Phan Đức Hiếu - phó Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, muốn đánh giá chính xác phải có số liệu cụ thể hơn, chẳng hạn tỉ lệ doanh nghiệp mới thành lập 1-2 năm chiếm tỉ lệ bao nhiêu so với doanh nghiệp ngừng hoạt động. Ông Hiếu cho rằng cần có cuộc khảo sát xem doanh nghiệp đang cần gì, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua đã đúng yêu cầu của họ chưa, từ đó điều chỉnh các giải pháp phù hợp hơn. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, cần có sự kết hợp các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, thay vì mỗi bộ có những giải pháp hỗ trợ riêng, để việc hỗ trợ có sự tập trung, không cào bằng. “Nguồn lực VN có hạn, các công cụ hỗ trợ cần tập trung, thống nhất hơn” - ông Hiếu nói.

Ông Lê Duy Bình, giám đốc Công ty Economica (Hà Nội), cho rằng số lượng doanh nghiệp phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động như công bố đã phản ánh trung thực môi trường kinh doanh hiện tại ở VN. Theo ông Bình, hầu hết doanh nghiệp nhỏ thời gian qua đều khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, Economica là một ví dụ, chưa kể đến một số chính sách còn gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Bình cho rằng cần có những giải pháp căn cơ hơn để kích thích tiêu dùng hộ gia đình, “bởi đây chính là nguồn quan trọng giúp tăng cầu cho doanh nghiệp nhỏ”. Ngay cả những người có thu nhập cao cũng cần có chính sách khuyến khích để họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Chẳng hạn, trước mắt có thể miễn giảm thuế đánh vào tiêu dùng như thuế VAT. Về dài hạn, cần tăng cường an sinh xã hội, bảo hiểm, thay vì để người dân tự trông chờ vào bản thân mỗi khi ốm yếu. “An sinh xã hội cũng là giải pháp cực kỳ quan trọng để người dân an tâm chi tiêu” - ông Bình nói.

Doanh nghiệp ĐBSCL khó khăn nhất

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong quý 1-2014 “sức khỏe” của doanh nghiệp là “rất khác nhau” giữa các vùng kinh tế. Cụ thể, khu vực đồng bằng sông Hồng và Tây nguyên có xu hướng tốt hơn khi lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,5%, trong khi số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm. Ngược lại, khu vực ĐBSCL gặp nhiều khó khăn hơn, với lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp (2,5%), còn doanh nghiệp dừng hoạt động lại tăng cao (26,1%), điển hình là Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang...

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên