Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ Công thương - Ảnh: Thu Hương |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công thương “cần giảm bớt chuyện vừa làm chiến lược vừa làm quy hoạch”. Mỗi cái làm hai ba năm trời, tốn kém, mà nội dung chiến lược và quy hoạch không khác gì nhau mấy, cũng mục tiêu, định hướng, tầm nhìn... “Tôi vừa nghe chiến lược phát triển công nghiệp ôtô, không thấy khác quy hoạch là mấy” - Thủ tướng nói và yêu cầu cần tập trung làm quy hoạch gắn với thị trường...
Theo báo cáo của Bộ Công thương, xuất khẩu của VN liên tục tăng, từ khoảng 97 tỉ USD năm 2011 đã lên 114,5 tỉ USD năm 2012 và năm 2013 đạt 132 tỉ USD. Tuy nhiên mặt hàng xuất khẩu chủ yếu do khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài sản xuất và phần nhiều vẫn dựa vào nguồn lao động giá rẻ, gia công hơn là hàm lượng kỹ thuật cao.
Doanh nghiệp “đòi hỏi” trách nhiệm của bộ
Đã có hai tham luận từ hai tập đoàn, tổng công ty gián tiếp nêu bật thực tế vai trò của Bộ Công thương và yêu cầu phải làm tốt hơn. Cụ thể, theo ông Vũ Văn Cường - chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thuốc lá VN (Vinataba), mặc dù ngành thuốc lá không khuyến khích phát triển, nhưng nếu không sản xuất sẽ buộc phải nhập khẩu tới 5 tỉ USD/năm. Riêng Vinataba năm qua nộp ngân sách gần 1 tỉ USD nhưng có nghịch lý là thuốc lá nhập lậu không bị kiểm soát, đang cạnh tranh quyết liệt tại thị trường VN. Trong khi đó, sản xuất thuốc lá hợp pháp, nộp thuế đầy đủ lại bị kiểm soát rất chặt chẽ, thậm chí hơn cả một số nước phát triển.
Ông Vũ Văn Cường nêu thẳng năm 2013 thuốc lá lậu vào VN lên tới... 930 triệu bao, chiếm tới 22,2% thị phần nội địa. Lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công thương chỉ bắt được cỡ... 3% thuốc lá lậu. Đặc biệt, ông Cường nêu chống buôn lậu mới chủ yếu chống ở đầu vào, tức tập trung bắt buôn lậu, trong khi đầu ra (là các cửa hàng thuốc lá bán công khai ở phố - PV) ông Cường cho rằng chống dễ và hiệu quả hơn, nên Vinataba kiến nghị thẳng Thủ tướng cần chống mạnh đầu ra...
Cũng đề cập thực tế công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, ông Trần Quang Nghị, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may, nêu đang có kiểu buôn công khai nhưng thật ra là buôn lậu. Vì có doanh nghiệp khai giá nhập khẩu vải về có 8.000 đồng/m, trong khi giá thành thực trong nước khoảng 30.000 đồng/m. Doanh nghiệp làm ăn chân chính rất khó cạnh tranh. Đặc biệt, ông Nghị nêu khi VN đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nước ngoài đã tận dụng rất ghê: “Chỉ trong hai năm qua, 1,5 tỉ USD vốn FDI đã đổ vào dệt may VN, trong khi 20 năm vốn vào dệt may chỉ khoảng 3,2 tỉ USD”. Nếu VN không chuẩn bị tốt, không cẩn thận... nước ngoài họ hưởng TPP là chính.
Trung Quốc đang xuất khẩu dệt may vào Mỹ khoảng 50 tỉ USD/năm, ông Trần Quang Nghị lạc quan nếu VN làm tốt cũng có thể đạt đến 30-40 tỉ USD/năm. Tuy nhiên để hưởng ưu đãi từ TPP, VN phải đầu tư vùng nguyên liệu. Nhưng thực tế doanh nghiệp trong nước thiếu cả tiềm lực tài chính, khả năng thu xếp vốn, công nhân lành nghề...
Tôi đã chỉ đạo, sao bây giờ bỏ?
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trước đây bản thân ông là phó thủ tướng từng chỉ đạo kiểm soát chặt đầu ra trong chống buôn lậu thuốc lá, không hiểu sao giờ bỏ. Thủ tướng hỏi: “Đã có thông tư, nghị định chưa mà để lỏng lẻo thế? Nếu chưa có thì Bộ Công thương cần kiến nghị, ban hành”.
Về việc Tập đoàn Dệt may muốn tận dụng TPP nhưng khó khăn về vốn, Thủ tướng nhắc bộ trưởng Bộ Công thương và thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần ngồi lại, nếu cần tạo hẳn một gói hỗ trợ, như gói cho vay nhà ở xã hội. Theo Thủ tướng, bây giờ các ngân hàng thừa tiền, không biết đưa vào đâu, nên hoàn toàn có thể hỗ trợ doanh nghiệp, nếu cần thì Chính phủ sẽ vào cuộc... Thủ tướng cũng chỉ đích danh Bộ Công thương sẽ phải chủ trì khai thác tốt nhất các hiệp định tự do. Thủ tướng đề nghị cần phải rà soát xem còn cái gì có thể tận dụng.
Việc Tập đoàn Dệt may “tố” có doanh nghiệp nhập khẩu vải khai giá nhập thấp, trốn thuế, Thủ tướng quan tâm và cho rằng điều này vừa khiến Nhà nước mất thuế, vừa mất sức cạnh tranh của doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. “Làm sao phải ngăn được” - Thủ tướng nói và sau đó đề cập Bộ Công thương cần xem còn kẽ hở gì thì phải kiến nghị để lực lượng quản lý thị trường có thể làm việc tốt hơn.
Bật điện thoại là biết giá thành, lợi nhuận điện, xăng dầu Đề cập đến một trong những nhiệm vụ nhạy cảm của ngành công thương là quản lý năng lượng như điện, xăng dầu..., Thủ tướng tỏ ý vui mừng khi lần đầu tiên điện ở VN đã có dư, dự phòng khoảng 25%. Nhưng trước báo cáo của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) rằng năm 2016 VN lại có khả năng thiếu điện, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã phải họp và có riêng một nghị quyết đặc thù cho EVN, “không thể để năm 2016 thiếu điện”. Nêu quan điểm điều hành, Thủ tướng khẳng định kinh tế thị trường trước hết sẽ phải theo quy luật thị trường, giá phải thị trường, rồi cạnh tranh. Xăng dầu đã không bù lỗ, than đã theo thị trường, Thủ tướng nêu “chỉ còn giá điện” và cho biết đã yêu cầu phải tính đúng tính đủ, không bù lỗ, giá phải theo thị trường. “Không thể giữ giá điện thấp được” - Thủ tướng nói. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc đi nhắc lại yêu cầu các tập đoàn phải minh bạch về xăng dầu. Ông nêu các yếu tố hình thành giá bán, lợi nhuận... cần đưa lên truyền hình, đưa vào điện thoại di động để ai quan tâm bật máy lên là biết. Điện cũng phải hết sức công khai yếu tố hình thành giá trên tất cả phương tiện, người dân nào muốn tìm hiểu cũng được... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận