29/12/2013 07:17 GMT+7

Phố hàng "xôn" vào mùa

DŨNG TUẤN - NGUYỄN TRÍ
DŨNG TUẤN - NGUYỄN TRÍ

TT - Khởi động chậm hơn mọi năm, nhưng các chợ quần áo hàng “xôn” tại nhiều tuyến phố ngoại thành TP.HCM hay gần các khu công nghiệp đã bắt đầu sôi động hơn. Vào buổi tối, các chợ quần áo hàng “xôn” này đông nghẹt khách mua.

7GoJnumG.jpgPhóng to
Quần áo “xôn”, giá rẻ được công nhân ưa chuộng. Trong ảnh: Công nhân mua sắm quần áo tết tại một chợ tạm trong Khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương - Ảnh: Nguyễn Trí

Sức mua tăng lên, nhưng khách mua - phần lớn là công nhân - chủ yếu chọn các sản phẩm bình dân, giá rẻ để sắm bộ cho ngày tết hay làm quà quê.

Hàng bình dân lên ngôi

"Nếu năm ngoái đến thời điểm này là khan hàng đi các tỉnh thì năm nay tồn nhiều quá nên phải ra chợ bỏ mối dạng hàng “xôn” trực tiếp. Năm nay khách hàng chuộng phần nhiều ở mức giá thấp từ 80.000 đến 140.000 đồng, nhưng bán chạy nhất vẫn là ở mức 115.000 đồng trở xuống"

Nguyễn Đức Quốc(chủ cửa hàng kinh doanh quần áo may sẵn)

Tranh thủ buổi tối Noel được nghỉ, anh Đỗ Văn Trường, công nhân Công ty may Việt Hưng (Q.12), chở vợ và hai con nhỏ tìm đến phố hàng “xôn” nhộn nhịp trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (Hóc Môn) để mua sắm đồ. Cả một con đường dài có khoảng vài chục sạp hàng được dựng lên. Quần áo được treo ngay ngắn trên các móc treo dài đủ loại từ quần áo bình dân đến áo khoác cho mùa đông, quần áo trẻ em. Còn giày dép, mũ nón chỉ cần tấm vải bạt trải rộng rồi tải hàng ra. Cứ thế con phố hàng “xôn” này hoạt động nhộn nhịp từ chiều cho tới tận khuya.

Tấp vào một sạp nhỏ, vợ chồng anh Trường chọn cho mấy đứa nhỏ vài bộ quần áo mới. “Cả bộ quần áo hết đúng 120.000 đồng, tôi mua cho mỗi đứa hai bộ để mặc tết luôn” - anh Trường khoe. Trong khi đó, với giá giảm 40%, anh cũng sắm cho mình chiếc quần jean 130.000 đồng, còn chị lựa được chiếc áo, cái quần giá xấp xỉ 150.000 đồng để đi chơi lễ tết. “Lương thưởng năm nay không biết được bao nhiêu đồng, tranh thủ mua rẻ được thứ gì hay thứ ấy. Mua đợt này coi như đủ ăn tết luôn, khỏi mua sắm gì thêm” - anh Trường nói.

Không khí mua sắm tại những cung đường hàng “xôn” vùng ven như Q.12, Thủ Đức, Tân Phú, Hóc Môn đã thật sự nhộn nhịp từ cách đây nửa tháng. Chị Phan Thúy Tươi, chủ một sạp hàng trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú), cho biết cứ khoảng 20g là công nhân đi dạo mua sắm nhiều, có ngày bán được cả trăm bộ quần áo cho công nhân, gấp đôi so với cách đây một tháng. “Giá rẻ thôi, vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn chút đỉnh, cao hơn thì đâu ai mua”. Chị Tươi cho biết hàng nhập chủ yếu từ các chợ đầu mối Tân Bình, An Đông (Q.5): “Mối nào rẻ thì lấy, bán cho người có thu nhập thấp nên phải so đo dữ lắm, không ôm hàng là chết chắc”.

Làm công nhân với thu nhập khá, nhưng chị Nguyễn Ngọc Mai Vy (Q.Bình Thạnh) phân vân hồi lâu khi quyết định mua quần jean 250.000 đồng tại một tiệm hàng giá rẻ trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh). Theo chị Vy, năm nay chưa biết công ty có thưởng tết được ít nhiều gì không, nhà lại có hai đứa con đang độ tuổi đi học nên cũng ít mua sắm quần áo tết hơn mọi năm. “Phải cân đối giữa nhu cầu và giá cả sao cho hợp lý, nếu giá nào cũng mua thì lấy gì sắm tết. Giờ hàng giảm giá nhiều nên cũng không khó để có được mặt hàng ưng ý với giá phải chăng” - chị Vy nói.

Theo anh Nguyễn Anh Tú - chủ một cửa hàng trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức), hơn mười ngày nay khách đi mua sắm bắt đầu đông dần lên, cửa hàng bán gấp bốn lần so với các tháng trong năm, doanh thu 50-70 triệu đồng/ngày. Anh Tú nói tuy người mua đông hơn ngày thường và bớt dè dặt hơn trong chuyện giá cả nhưng cửa hàng chỉ lấy hàng ở mức trung bình 200.000 đồng trở lại, vì đây là phân khúc người dùng chuộng nhất.

Có khuyến mãi mới bán được hàng

Mặc dù sức mua đã tăng nhiều, nhưng hầu hết các chủ cửa hàng đều thừa nhận sức mua kém xa so với năm ngoái. Có mặt tại gian hàng bán xổ quần áo và giày dép trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), mặc dù đang bận rộn với công việc tính tiền cho khách, anh Phan Hữu Trung, chủ gian hàng, vẫn vui vẻ cho biết: “Gần nửa tháng nay lượng hàng bán ra tăng khoảng 50% và sẽ tiếp tục tăng vào thời gian tới, vì nhiều công nhân chưa nhận được lương thưởng tết và đang tất bật tăng ca nên không có thời gian mua sắm. Tuy vậy, đến thời điểm này lượng hàng bán ra chỉ bằng nửa năm ngoái. Giờ không giảm giá là không bán được vì người tiêu dùng kén lắm, để mua được cái áo thì họ lưỡng lự so sánh giá với chợ, shop”.

Kéo dài hơn 100m với hàng chục cửa hàng kinh doanh quần áo sỉ lẻ, nhiều chủ hàng tại khu vực chợ Tân Bình cho biết lượng hàng bán ra giảm 30-50% so với năm ngoái, quần áo “xôn”, giá rẻ được chuộng nhiều hơn mấy năm trước. Đang tất bật đóng hàng chuyển đi các tỉnh, anh Nguyễn Đức Quốc, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo may sẵn Như Ý (đường Tân Thọ, Q.Tân Bình), cho biết hàng bắt đầu bán chạy từ gần một tháng nay, nhưng mỗi ngày chỉ bán hơn 1.000 cái, giảm hơn 30% so với năm ngoái.

Cạnh đó, cửa hàng chuyên cung cấp quần áo “xôn”, giá rẻ Hải Minh cũng trong tình trạng tương tự. Chủ cửa hàng này nói: “Nếu năm ngoái ăn được ba tháng tết thì năm nay chưa tới hai tháng. Hàng về tỉnh chủ yếu, nên thời điểm trước tết khoảng hai tháng bán chạy nhất, nhưng năm nay bán khá chậm so với mọi năm, giáp tết càng ế ẩm”. Cũng theo chủ cửa hàng này, thời gian gần đây người tiêu dùng có phần e ngại quần áo từ Trung Quốc nên tết năm nay hàng “xôn”, giá rẻ chủ yếu được các công ty trong nước may bỏ sỉ phần nhiều.

Trên đường Hai Bà Trưng (Q.3), chị Kim Tuyến, chủ một cửa hàng thời trang, cho biết: “Khuyến mãi thì kiểu gì cũng tăng lên, ít nhiều gì cũng tăng. Nhưng “chết” ở chỗ tăng không đều, thứ gì khuyến mãi nhiều thì bán chạy, còn lại không ai dòm. Thua xa năm ngoái”. Theo nhiều chủ cửa hàng, doanh thu đã giảm bình quân 30-40% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Khuyến mãi 15-50%

Mới chỉ buổi trưa, cửa hàng quần áo thời trang của chị Quỳnh Thy (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) đã nhộn nhịp người ra vào. “Gần như cả năm trời hàng bán chậm rề, rất ít người mua nên buộc tui phải tính toán để gỡ gạc lại cuối mùa”. Với cách thức trưng băngrôn khuyến mãi tất cả các sản phẩm từ 15-50%, rao thêm trên mạng xã hội, từ khoảng nửa tháng nay, hàng hóa tại cửa hàng đã bán tốt lên. Theo chị Thy, doanh số vào khoảng 15-20 triệu đồng mỗi ngày, cuối tuần thì nhỉnh hơn, gấp 3-4 lần so với trước đây vài tháng. Dạo quanh nhiều tuyến đường mua sắm như Nguyễn Đình Chiểu, 3 Tháng 2, Hai Bà Trưng... có thể thấy hình thức giảm giá sâu đang được người tiêu dùng quan tâm nhất. “Tâm lý mua sắm mà, chỉ cần thấy giảm giá hấp dẫn là tấp vào thôi, còn mua được hay không thì tính sau” - chị Hồng Nguyệt, đi mua sắm tại đường 3 Tháng 2, cho biết.

DŨNG TUẤN - NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên