24/12/2013 01:33 GMT+7

Đề xuất kích cầu đầu tư, tiêu dùng...

L.THANH ghi
L.THANH ghi

TT - Miễn thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, kích cầu đầu tư và tiêu dùng... là những đề xuất của các địa phương với Chính phủ nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong năm 2014.

* Cần có giải pháp quyết liệt để tiêu được tiền

Qcg6CddT.jpgPhóng to
Vực dậy sức mua giúp tiêu thụ hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo việc làm là mối quan tâm hàng đầu của xã hội Ảnh: T.ĐẠM

Trong hai ngày 23 và 24-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

quLDZ9Qj.jpgPhóng to
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng GDP qua các nămNguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: Vĩ Cường - Ảnh: Tiến Thành

Trình bày dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đề ra chín nhóm giải pháp cho năm 2014 với mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (khoảng 7%), tăng trưởng hợp lý (khoảng 5,8%)...

Khắc phục 3 khó khăn lớn

Ông Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế):

Hoạt động sản xuất đang bị đình trệ

VN là nước có nền kinh tế đang phát triển, nên ngoài việc đảm bảo người gửi tiền có lãi thực dương (lãi suất cao hơn lạm phát) thì chính sách tiền tệ, tỉ giá còn phải đảm bảo tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động. Nghĩa là chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo để chỉ số lạm phát thấp hơn mức lãi suất tiền gửi VND và hệ thống ngân hàng phải là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Khi đó, công tác điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Còn như năm nay, nhìn vào sức khỏe của các doanh nghiệp thì thấy rõ hoạt động sản xuất đang bị đình trệ. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm nay đạt 6,04% chưa phải là đã mừng.

Phó thủ tướng nhấn mạnh ba khó khăn, tồn tại lớn cần tập trung khắc phục trong năm 2014. Thứ nhất là tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Thứ hai, mặc dù nợ xấu đã được kiềm chế, tốc độ tăng nợ năm 2013 thấp hơn năm 2012 nhưng tỉ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức cao ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Phó thủ tướng nêu rõ cần tập trung xử lý nợ xấu, năm 2014 tạo bước chuyển biến căn bản để đến năm 2015 nợ xấu cơ bản được giải quyết xong. Năm 2014 phấn đấu tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức hợp lý (dự báo

12-14%) nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Hướng dẫn các tổ chức tín dụng để xem xét cụ thể từng dự án, với tinh thần là nâng cao chất lượng tín dụng, ưu tiên cho vay các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, không để những dự án có hiệu quả, có khả năng trả nợ mà không tiếp cận được vốn vay” - Phó thủ tướng nói.

Vấn đề thứ ba được Phó thủ tướng đề cập là ngân sách nhà nước rất khó khăn. Tuy nhiên, nhìn lại việc thu ngân sách năm qua, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết đã có tín hiệu tích cực: “Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội thì dự kiến sẽ hụt thu, nhưng đến nay Bộ Tài chính cập nhật lại tình hình có khả quan hơn. Hiện nay nhiều địa phương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó có 39 địa phương đã hoàn thành và vượt mức dự toán thu như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM trong quý 4 dự báo hụt thu vài chục nghìn tỉ đồng, nay báo cáo đã hoàn thành mục tiêu đề ra (không còn hụt thu - PV)”.

Đề nghị sớm làm sân bay Long Thành

Thể hiện sự nhất trí với dự thảo nghị quyết của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng nhiệm vụ ưu tiên hiện nay là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Lãnh đạo TP Hà Nội nói đã đến lúc kích cầu về kinh tế, kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư, về đầu tư công thì phải tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng.

Ông Nguyễn Thế Thảo đề nghị nên áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, từng bước nới lỏng có kiểm soát, “cần mở rộng lĩnh vực cũng như điều kiện cho vay, điều kiện như hiện nay rất khó tiếp cận vốn”. Theo lãnh đạo TP Hà Nội, lúc này phải có giải pháp mạnh mới có thể làm tan băng bất động sản, “ngân hàng cần đưa ra gói riêng, tự mình giải cứu vốn mình đang đọng ở đây, tiếp tục cung ứng tín dụng để chuyển thành hàng hóa, chấp nhận hạ giá”. Về cải cách thể chế, ông Nguyễn Thế Thảo nói cần làm rõ hơn nữa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, tránh tình trạng có thành tích thì thành tích chung, còn khi xảy ra thiếu sót không ai chịu trách nhiệm.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng qua năm 2014 cả nước có khả năng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Một trong những giải pháp được ông Lê Hoàng Quân đề nghị Chính phủ là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tái cấu trúc, đổi mới công nghệ. Cụ thể cần nghiên cứu các chính sách miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Theo ông Lê Hoàng Quân, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đến năm 2015 đón 13 triệu lượt khách quốc tế, đến nay đã đón 20 triệu lượt khách (cả trong nước và quốc tế), do vậy nếu không tập trung để chuẩn bị sân bay Long Thành thì 2-3 năm nữa sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, gây ách tắc. Ông Đinh Quốc Thái (chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) bày tỏ đồng tình với ý kiến của chủ tịch UBND TP.HCM về việc triển khai ngay sân bay Long Thành “để sánh vai với khu vực và thế giới”, trước mắt cần sớm đầu tư hai khu tái định cư với số vốn khoảng 7.000 tỉ đồng.

Hội nghị tiếp tục diễn ra trong hôm nay 24-12.

Cần có giải pháp quyết liệt để tiêu được tiền

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh dành nhiều thời gian để đề cập vấn đề giải ngân vốn viện trợ phát triển (ODA). Theo đó, trong điều kiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước hạn hẹp và thấp hơn năm 2013, nguồn vốn ODA có vai trò hết sức quan trọng. Phó thủ tướng cho biết giai đoạn 2006-2010 vốn ODA cam kết là 31,7 tỉ USD, vốn đã ký là 20,6 tỉ USD, mới giải ngân 13,8 tỉ USD, so với vốn ký kết còn xấp xỉ 7 tỉ USD. Giai đoạn 2011-2013 cam kết 20,8 tỉ USD, ký kết 19,7 tỉ USD, mới giải ngân được 11,8 tỉ USD, vẫn còn 8 tỉ USD. “Vốn đã sẵn sàng, tất cả thủ tục liên quan đến giải ngân vốn ODA nằm trong tay các bộ ngành và địa phương, các chủ đầu tư, cần có giải pháp quyết liệt để tiêu được tiền, tiền có rồi mà không tiêu thì lãng phí” - Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

L.THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên