26/10/2013 05:26 GMT+7

Sẽ ưu tiên doanh nghiệp kém hiệu quả

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TT - Việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ có lộ trình, chọn thời điểm thích hợp và có kế hoạch sử dụng vốn cụ thể. Tuy nhiên, ưu tiên của Chính phủ là doanh nghiệp nào càng để lâu càng lỗ sẽ chọn bán trước, bán càng nhanh càng tốt.

LO8PEibs.jpgPhóng to
Việc bán phần vốn nhà nước tại những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Vinamilk, theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, phải có lộ trình, chọn thời điểm thích hợp và kế hoạch sử dụng vốn cụ thể - Ảnh: T.V.N.
S9AdzgLC.jpg

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh - Ảnh: Việt Dũng

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề phiên họp Quốc hội ngày 25-10.

Trả lời câu hỏi “Với nguồn dự toán chi cho đầu tư phát triển rất ít ỏi, chỉ có 163.000 tỉ đồng, nhiều ý kiến cho rằng không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2014 là 5,8%?”, ông Vũ Văn Ninh nói: “Có thể nói rằng để đảm bảo mức tăng trưởng ấy thì cần huy động tất cả nguồn vốn của xã hội. Ví dụ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh vừa nói rằng (Tuổi Trẻ ngày 24-10) vốn ODA vẫn còn rất lớn, nếu mình có vốn đối ứng và quyết tâm làm, cả hệ thống chính trị vào cuộc, hệ thống vận hành tốt thì huy động rất tốt và tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng lên. Hay là vốn chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn, đi các nơi thấy dân bỏ công bỏ sức ra làm rất nhiều, vậy thì Nhà nước cần phải hỗ trợ, tập trung cho các vùng khó khăn thì từ vốn mồi đó sẽ huy động được các phần khác của xã hội... Tất cả những nguồn vốn ấy mới tác động lớn đến tăng trưởng, chứ nếu chỉ nói có ngân sách không thôi thì nó nhỏ lắm”.

* Có ý kiến đề xuất nên thu cổ tức từ các doanh nghiệp nhà nước để có thêm nguồn lực đầu tư, thay vì phải đi vay nhiều, ông nghĩ sao?

- Cái này phụ thuộc quan điểm của từng người. Nếu nói Nhà nước bỏ quên nguồn lực này là không đúng. Chúng ta hoàn toàn chủ động chứ không bỏ quên cái gì cả. Bây giờ chúng ta đứng trước các sự lựa chọn. Tiềm lực để phát triển kinh tế và để có nguồn thu thì trông chờ vào đâu? Phải trông chờ vào doanh nghiệp. Mà từ lâu rồi ngân sách không bố trí vốn cho doanh nghiệp, nghị quyết trung ương 3 cũng nói là cái nguồn ấy không đưa vào cân đối để chi thường xuyên mà để tăng cường đầu tư cho doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp mạnh lên. Doanh nghiệp mạnh lên, làm ăn tốt thì có sản phẩm cho đất nước, cho nền kinh tế, đồng thời từ đó có nguồn lực đóng góp cho tài chính quốc gia.

Như vậy hoặc là Nhà nước phải cấp vốn từ ngân sách cho doanh nghiệp, hoặc là Nhà nước phải để lại phần ấy để tập trung vào những nơi mà Nhà nước cần nắm giữ, cũng như bán những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ đi để tập trung vốn. Bây giờ nói rằng thu cổ tức cũng được, nhưng Nhà nước lại phải bỏ vốn ngân sách ra đầu tư trở lại cho doanh nghiệp. Tức là chúng ta lựa chọn chính sách thôi.

* Nhiều đại biểu cũng gợi ý Chính phủ nên cổ phần hóa, bán các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ để có số vốn lớn, ví dụ bán Vinamilk có thể thu hàng chục ngàn tỉ đồng?

- Chủ trương ấy đã rõ. Nhưng vấn đề là bán vào lúc nào và bán để làm gì thì khi ấy mới quyết định bán. Nếu bán đi mà đưa vào ngân sách để chi tiêu thì dễ lắm, chi tiêu rất là nhanh. Tất nhiên, chính vì khó khăn như vậy nên năm nay và sang năm chúng ta cũng phải huy động một phần từ nguồn này, nhưng về lâu dài chúng ta cần phải tính. Ở đây nói đến từng trường hợp cụ thể, ví dụ như có những doanh nghiệp đang làm ăn có lãi và triển vọng tốt thì không nhất thiết phải bán, và có những trường hợp phải bán đi. Quan điểm của Chính phủ là những cái nào càng để càng lỗ thì phải bán và bán càng nhanh càng tốt. Còn lại chúng ta cần có lộ trình chứ không phải nói một cái là bán ngay đi, phải cân nhắc lợi ích quốc gia ở mức cao nhất.

* Thưa ông, nhưng có quy định là lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ bị xử lý nếu bán mà lỗ, làm thâm thủng vốn của Nhà nước?

- Đương nhiên là trong từng trường hợp cụ thể phải làm rõ nguyên nhân. Nếu vì cái chung thì không sao, nhưng vì cá nhân trong đó có vấn đề không tốt thì anh phải chịu trách nhiệm.

VAMC đã mua được khoảng 7.000 tỉ đồng nợ xấu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng - phó chủ tịch thường trực Công ty mua bán tài sản (VAMC) - cho biết tính đến ngày 25-10, VAMC đã mua được trên 7.000 tỉ đồng nợ xấu trên giá trị sổ sách hơn 10.000 tỉ đồng. Đây là khoản nợ của 10 ngân hàng.

Qua phân loại ban đầu, có tới 67% tổng số nợ xấu đã mua thuộc lĩnh vực bất động sản, nhà xưởng, khu công nghiệp, còn hơn 20% thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh... Xét về quy mô của khoản nợ xấu, có những khoản nợ rất lớn, lên tới vài trăm, thậm chí cả ngàn tỉ đồng. Hiện VAMC vẫn tiếp tục xem xét hồ sơ để mua nợ của năm tổ chức tín dụng khác.

Ông Hùng cũng cho rằng nếu bán mà doanh nghiệp không bị mất mát tài sản, ngân hàng thu hồi được nợ thì VAMC sẵn sàng bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài. Khi làm việc với VAMC, các tập đoàn nước ngoài đề cập sẽ mua một số lĩnh vực như bất động sản, sản xuất hàng hóa... nhưng chỉ mới giai đoạn tìm hiểu.

“Hiện tại VAMC mới chỉ tập trung mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Sau khi mua nợ, VAMC sẽ phải phân loại xem thuộc lĩnh vực gì, tài sản thế chấp là bao nhiêu... rồi tìm cách thức xử lý, trong đó có tính đến việc bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài” - ông Hùng cho biết.

L.THANH

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên