17/08/2013 09:15 GMT+7

Xem xét kiến nghị không xây sân bay Long Thành

H.MI
H.MI

TT - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kiến nghị không nên xây sân bay quốc tế Long Thành của nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Lê Trọng Sành và cựu phi công đoàn bay 919 Mai Trọng Tuấn (người từng đề xuất ý tưởng đường bay vàng năm 2009).

Công bố quy hoạch 21.000 ha quanh sân bay Long ThànhXây sân bay Long Thành vào lúc này là chưa hợp lý Nhiều ý kiến yêu cầu nghiên cứu kỹ “đường bay vàng”

k7SEPUZW.jpgPhóng to
Phối cảnh mặt dựng phía sân đỗ máy bay sân bay quốc tế Long Thành
D57C2ny1.jpgPhóng to
Ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ: “Khách quốc tế không ai muốn phải xuống sân bay Long Thành rồi bắt xe đi một quãng đường dài về TP.HCM tiếp tục bay đến những địa điểm quốc nội khác cả” - Ảnh: Tự Trung

Bộ GTVT cho biết đã nhận được văn bản của Thủ tướng về việc xem xét kiến nghị của ông Lê Trọng Sành và Mai Trọng Tuấn. Hiện bộ đang soạn thảo nội dung báo cáo Thủ tướng về việc này.

Người kiến nghị: “Sẽ là sai lầm”

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-8, ông Sành và ông Tuấn đều cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất là một “hội điểm vàng” không chỉ được người dân trong nước và quốc tế biết đến mà còn là một thương hiệu có giá trị lịch sử nên vẫn phải duy trì chứ không bỏ được.

Theo hai ông Sành và Tuấn, để đáp ứng nhu cầu tăng chuyến bay, đón khách quốc tế thì chỉ cần mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chứ không nên xây một sân bay mới tốn kém trong tình hình tài chính khó khăn. Theo hai ông, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc - nơi đang dự kiến làm sân golf - hoàn toàn khả thi, khi đó khu vực phía bắc sẽ là khu chức năng quốc tế, khu phía nam là quốc nội. Việc mở rộng này cũng không làm ảnh hưởng đến khu vực trung tâm TP.HCM vì thời gian qua TP.HCM phát triển về hướng đông và nam.

Không chỉ vậy, ông Sành và ông Tuấn còn chỉ ra rằng việc xây sân bay Long Thành và biến sân bay Tân Sơn Nhất thành sân bay quốc nội là một sai lầm vì gây trở ngại bất tiện cho hành khách, hàng hóa quá cảnh. “Khách quốc tế không ai muốn phải xuống sân bay Long Thành rồi bắt xe đi một quãng đường dài về TP.HCM tiếp tục bay đến những địa điểm quốc nội khác cả” - ông Tuấn nhận định.

Kịch bản xấu nhất, nếu sân bay Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng yêu cầu thì ông Sành cho rằng nên nâng cấp sử dụng lại sân bay Biên Hòa vì gần với TP.HCM và có đường giao thông kết nối sẵn. Chưa kể dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (giáp với Biên Hòa) hoàn thành trong nay mai sẽ kéo gần hai TP hơn. Còn khi cần một sân bay phục vụ mục đích quốc phòng thì mới tính đến việc xây sân bay Long Thành thành sân bay quân sự cấp 1 với quy mô vừa phải để đỡ tốn kém.

Bộ GTVT: kiến nghị đã được xem xét, đánh giá kỹ

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 16-8, ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam - cho biết các kiến nghị của ông Lê Trọng Sành và Mai Trọng Tuấn về việc không xây dựng sân bay quốc tế Long Thành mới trình lên Thủ tướng thật ra không mới, mà đã đề xuất từ hai năm nay. Tất cả ý kiến đó được Bộ GTVT báo cáo kỹ. “Bộ trưởng Bộ GTVT đã nhiều lần giải trình chất vấn với các đoàn đại biểu Quốc hội liên quan có chuyển đơn của ông Sành về những kiến nghị này. Vấn đề này cũng được giải trình rất rõ tại hội thảo lấy ý kiến của các tổ chức và cá nhân về việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, rất tiếc là trong hội thảo gần đây ở Hà Nội vào tháng 7 có gửi thư mời nhưng các ông ấy không tham dự” - ông Thanh cho biết.

Ông Thanh khẳng định tất cả ý kiến của ông Sành và ông Tuấn đều được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, không chỉ ở giải trình của bộ trưởng mà đã đưa vào các phương án so sánh, giải trình trong báo cáo đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành do Công ty cổ phần Tư vấn hàng không Nhật Bản (JAC) lập. Những ý kiến đó được phân tích làm rõ trong báo cáo chuẩn bị đầu tư cũng như tờ trình mà Bộ GTVT trình Hội đồng thẩm định nhà nước đang xem xét.

Ông Thanh cho biết theo kế hoạch, sau khi Hội đồng thẩm định nhà nước có ý kiến xong, Bộ GTVT sẽ trình báo cáo đầu tư dự án lên Chính phủ để trình Quốc hội xin ý kiến thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới đây. “Tất cả phương án đề xuất và băn khoăn của ông Sành, ông Tuấn đã được xem xét kỹ và phân tích đánh giá trong báo cáo đầu tư dự án cũng như trong tờ trình để các cơ quan chuyên môn và Chính phủ có ý kiến” - ông Thanh khẳng định.

Chủ đầu tư: chi phí rẻ và ít tác động đến dân

Theo lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành), ngoài phương án phát triển sân bay Long Thành, ACV đã giao JAC nghiên cứu thêm hai phương án mở rộng, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất và mở rộng, cải tạo căn cứ không quân Biên Hòa để xem xét, đánh giá. Qua đó cho thấy việc xây dựng mới sân bay tại Long Thành có chi phí rẻ và ít tác động tới người dân hơn hai phương án trên.

Cụ thể, qua tính toán, báo cáo đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành do JAC lập cho thấy chi phí xây dựng đầy đủ sân bay mới tại Long Thành vào khoảng 7,817 tỉ USD, trong đó đã chi phí thu hồi đất là 730 triệu USD (1.500 hộ dân tái định cư), ước tính riêng cho giai đoạn 1 là 5,6 tỉ USD.

Trong khi đó, nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên quy mô như Long Thành thì cần tới 9,15 tỉ USD chi phí xây dựng cùng 16,1 tỉ USD giải phóng mặt bằng và di dời một lượng dân cư lên tới 140.000 người thuộc phần đất 641ha cần thu hồi trong giai đoạn đầu, chủ yếu ở các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp. Cùng với đó là có trên 300.000 người chịu tiếng ồn máy bay nếu tính theo mật độ dân cư hiện nay. Hình dung một cách dễ hiểu là nếu mở rộng Tân Sơn Nhất đạt quy mô diện tích tương đương sân bay Long Thành (5.000ha) thì cần lấy thêm khoảng 4.200ha đất đô thị của ba quận nội thành có mật độ dân số rất lớn là Phú Nhuận, Tân Bình và Gò Vấp với tổng cộng 900.000 dân sẽ phải thực hiện tái định cư nếu tính đến giai đoạn 2.

Với việc cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa thành sân bay dân sự tương đương sân bay Long Thành, JAC cho biết chi phí xây dựng hơn 7,5 tỉ USD, có thể tương đương Long Thành nhưng chi phí giải phóng mặt bằng lên hơn 4,6 tỉ USD và phải bố trí thêm một căn cứ không quân thay thế. Vì vậy, JAC đánh giá phương án tối ưu là xây dựng sân bay Long Thành.

Ngoài ra, trong ba phương án được xem xét, sân bay Long Thành cũng có hệ thống giao thông tiếp cận thuận lợi hơn. Theo quy hoạch, trong giai đoạn 1 sân bay Long Thành sẽ được kết nối với ba đường cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu. Còn Tân Sơn Nhất chỉ kết nối với đường vành đai 1 và 2 cùng tuyến metro số 4, sân bay Biên Hòa kết nối với đường vành đai 3 và xa lộ Hà Nội.

So sánh các phương án phát triển cảng hàng không (giai đoạn 1)

Hạng mục<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Cảng Hàng Không Quốc Tế Long Thành

Cảng Hàng Không Quốc Tế Tân Sơn Nhất

Căn cứ không quânBiên Hòa

Diện tíchyêu cầu

1.688ha

641ha (bao gồm khu vực quân sự)

605ha (bao gồm khu vực quân sự nhưng không bao gồm diện tích khu vực đường CHC)

Chi phí thực hiện dự án

7.817,6 triệu USD (bao gồm chi phí thu hồi đất đến giai đoạn sau cùng)

9.152,1 triệu USD

7.512,1 triệu USD

Chi phí thu hồi đất đến giai đoạn sau cùng

730,5 triệu USD

16.170 triệu USD

4.665 triệu USD

Tái định cư

1.500

140.000

6.000

Số cư dân phải chịu đựng tiếng ồn máy bay

9.000

300.000

60.000

Tác động môi trường cụ thể

Không có

Không có

Nhiễm độc dioxin

Khoảng cách tính từ trung tâm thành phố

35km

7km

25km

Giao thôngtiếp cận

Ðường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu

Ðường vành đai số 1 và 2, tuyến metro số 4

Ðường vành đai số 3, xa lộ Hà Nội

Khác

Hạn chế giao thông/xe kích thước lớn không được phép đi qua các con đường xung quanh TSN vào ban ngày

Cần có căn cứ không quân thay thế

TUẤN PHÙNG - QUANG KHẢI

_________________________

Quy hoạch 21.000ha xung quanh sân bay

Tháng 8-2011, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch cảng sân bay quốc tế Long Thành ở tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành với tổng diện tích đất 5.000ha, nằm trên địa bàn các xã Long Phước, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu, Bàu Cạn và Cẩm Đường.

Quy hoạch khu bay được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (2011-2020) có tổng kinh phí hơn 6.740 triệu USD. Đây là giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thu xếp tài chính để sân bay được bắt đầu xây dựng từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành, đưa giai đoạn 1 vào khai thác trong năm 2020. Trong giai đoạn 2 (đến năm 2030) sân bay quốc tế Long Thành sẽ có ba đường cất - hạ cánh, hai nhà ga công suất 50 triệu khách/năm, ga hàng hóa 1,5 triệu tấn/năm. Giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ gồm bốn đường cất - hạ cánh song song và bốn nhà ga tổng công suất 100 triệu khách/năm, ga hàng hóa công suất 5 triệu tấn/năm.

Khi công bố quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải cho hay theo tính toán của một hãng tư vấn Úc, sân bay Long Thành sẽ đóng góp được 3-5% GDP cả nước. Khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ đảm nhiệm 80% tổng lượng khách quốc tế tính luôn cả khách quá cảnh trên các chuyến bay quốc tế và 20% khách quốc nội.

Sau khi có quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành, tháng 3-2013 UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch thêm 21.000ha xung quanh sân bay bao gồm: khu đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp... gắn với hoạt động hàng không.

Theo đề án này, đến năm 2025 ngoài diện tích 5.000ha sân bay quốc tế (đường băng, nhà ga, các cơ sở dịch vụ sân bay), khu vực thiết kế quy hoạch quanh sân bay rơi vào các huyện Long Thành (gồm các xã Bình Sơn, Bình An, Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Lộc An, Tân Hiệp) và huyện Cẩm Mỹ (xã Xuân Quế, Thừa Đức, Sông Nhạn). Trong đó, khu vực bắc sân bay (hướng kết nối với TP.HCM) chiếm diện tích trên 5.720ha để làm khu nhà ở cho nhân viên hàng không, khu tái định cư, khu dịch vụ và vùng cây xanh.

Còn ở phía nam sân bay quy hoạch diện tích 4.400ha sẽ có trung tâm dịch vụ trung chuyển quốc tế và công nghiệp, khu công nghiệp phụ trợ, công viên và vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả - là nơi kết nối khu vực xung quanh sân bay qua các tuyến đường nội khu với đường cao tốc Bến Lức - TPHCM - Long Thành và quốc lộ 51 (hướng về Bà Rịa - Vũng Tàu). Riêng ở hai đầu đông bắc và tây nam sân bay (nơi làm đường hạ cất cánh của máy bay), theo quy hoạch, có trên 11.000ha dành làm vùng đất nông nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư nông thôn và kho chứa hàng để phục vụ cảng hàng không quốc tế...

Theo phương án của tỉnh Đồng Nai, trong số trên 21.000ha được tính toán cho các dự án hạ tầng dự kiến đầu tư làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (2012-2020) tỉnh đã và đang triển khai các dự án khu dân cư Lộc An cùng các đường kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một phần trung tâm đào tạo quốc tế. Giai đoạn 2 (2020-2025) xây dựng thêm các khu đô thị nằm ở phía Đông, bệnh viện quốc tế, khu nghỉ dưỡng.... Riêng giai đoạn 3 (sau năm 2025 đến khi sân bay đạt công suất tối đa) sẽ xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục còn lại của đồ án, đồng thời hoàn thiện cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu vực phía nam.

Chiều 16-8, một người có trách nhiệm ở Đồng Nai cho hay đề án quy hoạch trên 21.000ha ở xung quanh sân bay Long Thành vẫn đang chờ thẩm định của các cơ quan chuyên môn.

H.MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên