Đề nghị truy tố bầu Kiên và nhiều nguyên lãnh đạo NH ACBKhởi tố bổ sung bầu Kiên trốn thuế 25 tỉ đồngCông ty của bầu Kiên nợ ACB 7.000 tỉ đồng
Phóng to |
Đó là thông tin từ kết luận điều tra vụ án “kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM vừa được công bố.
Các bị can bị đề nghị truy tố gồm ông Nguyễn Đức Kiên (49 tuổi, còn gọi là bầu Kiên, nguyên phó chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB), ông Trần Xuân Giá (74 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT ACB), ông Lê Vũ Kỳ (57 tuổi), ông Phạm Trung Cang (59 tuổi), ông Trịnh Kim Quang (59 tuổi) - đều là nguyên phó chủ tịch ACB, ông Lý Xuân Hải (48 tuổi, nguyên tổng giám đốc ACB), ông Trần Ngọc Thanh (61 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội), bà Nguyễn Thị Hải Yến (44 tuổi, kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội).
Sai phạm của HĐQT làm ACB lỗ cả ngàn tỉ đồng
Cơ quan điều tra xác định từ năm 2005-2011, ACB huy động được từ người dân lượng tiền gửi với lãi suất cao trong khi việc cho vay gặp khó khăn, việc gửi liên ngân hàng cũng không thực hiện được.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo thường trực HĐQT ACB ra chủ trương dùng tiền huy động của người gửi ủy thác cho các tổ chức, cá nhân gửi tiền VND và USD vào các tổ chức tín dụng.
Chủ trương này đã được nêu ra tại nhiều cuộc họp của thường trực HĐQT ACB và được cụ thể hóa bằng biên bản cuộc họp do các bị can trên ký.
Thực hiện chủ trương này, từ tháng 5-2010 đến tháng 9-2011, ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi hơn 130.000 tỉ đồng với lãi suất 8,5-27%/năm và trên 81 triệu USD với lãi suất 3-6%/năm vào 29 ngân hàng.
Việc gửi tiền này thu được 6.278 tỉ đồng và gần 1,9 triệu USD tiền lãi. Tổng số tiền lãi vượt trần thu được là hơn 258 tỉ đồng.
Hành vi này làm ảnh hưởng đến chủ trương điều hành thị trường tiền tệ, gây rối loạn thị trường tiền tệ, gây hậu quả phi vật chất đặc biệt lớn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.
Đáng chú ý, trong việc ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi gần 719 tỉ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM với lãi suất trong hợp đồng 14%/năm, lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm, số tiền gửi này đã bị bà Huỳnh Thị Huyền Như (bị can trong vụ án khác) - nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM - chiếm đoạt toàn bộ.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng xác định các bị can trên còn chỉ đạo Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBS) đầu tư cổ phiếu của ACB gây thiệt hại lên đến 688 tỉ đồng. Cụ thể, thời điểm cuối năm 2009, giá cổ phiếu của ACB bị giảm sút.
Trước sức ép của cổ đông và để nâng giá trị cổ phiếu, ngày 2-11-2009 thường trực HĐQT ACB họp bàn ra chủ trương dùng tiền của ngân hàng, thông qua ACBS là công ty do ACB sở hữu 100% vốn điều lệ để mua cổ phiếu ngân hàng này.
Thường trực HĐQT đã giao cho ông Nguyễn Đức Kiên trực tiếp chỉ đạo việc mua cổ phiếu. Trên thực tế, pháp luật không cho phép ACBS mua cổ phiếu của ACB vì đây là công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn điều lệ.
Kinh doanh vàng trái phép
Ngoài những thương vụ trên, cơ quan điều tra xác định ông Kiên đã đứng ra thành lập và là người đại diện theo pháp luật của năm công ty gồm Công ty cổ phần Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG), Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), ACI, ACI-HN, Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B (B&B).
Các công ty này không được Nhà nước cấp phép kinh doanh tài chính nhưng từ tháng 3-2008 đến tháng 11-2010, ông Kiên đã chỉ đạo năm công ty trên lập phương án phát hành trái phiếu, sau đó bán cho các ngân hàng.
Khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu bán cho ACB, Ngân hàng TMCP Phương Nam, Vietbank và tiền huy động, vốn điều lệ của các công ty trên được dùng mua cổ phiếu các ngân hàng thương mại gồm gần 670 tỉ đồng cổ phiếu của Techcombank, hơn 3.553 tỉ đồng cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi ACB, gần 392 tỉ đồng cổ phiếu Vietbank...
Số tiền còn lại trên 3.700 tỉ đồng được sử dụng góp vốn cho các công ty trong nhóm của ông Kiên và mua cổ phần các doanh nghiệp khác. Hành vi này thực chất là đầu tư kinh doanh tài chính, vi phạm nghị định 52 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bầu Kiên cũng đã thành lập Công ty cổ phần phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam. Mặc dù công ty trên không được Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng nhưng từ tháng 11-2009 đến tháng 7-2010, Nguyễn Đức Kiên đã đại diện cho công ty trực tiếp đặt lệnh giao dịch vàng trạng thái. Việc giao dịch vàng này khiến bầu Kiên lỗ hơn 433 tỉ đồng.
Lừa đảo, trốn thuế hàng trăm tỉ đồng
Lợi dụng nghị quyết của Quốc hội về việc miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2009, ông Nguyễn Đức Kiên đã nói vợ là bà Đặng Ngọc Lan - tổng giám đốc Công ty B&B - ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái là Nguyễn Thúy Hương với số vốn 600.000 lượng vàng SJC.
Theo hợp đồng, bà Hương được hưởng 99% tiền lãi, B&B chỉ được hưởng 1%. Trong thương vụ này, bầu Kiên thu lãi 100 tỉ đồng. Theo quy định của pháp luật, số tiền này là khoản doanh thu của B&B và công ty phải có trách nhiệm nộp thuế cho Nhà nước.
Tuy nhiên, B&B đã chuyển 99% số lãi sau khi trừ chi phí cho bà Hương và không kê khai nộp thuế khoản tiền này. Cơ quan điều tra xác định B&B trốn thuế 25 tỉ đồng.
Ngoài ra, ngày 11-5-2010, ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, giám đốc ACBI, thế chấp gần 22,5 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần thép Hòa Phát vào ACB để đảm bảo việc phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu.
Đến tháng 4-2012, ông Kiên trực tiếp đứng ra giao dịch với ông Trần Đình Long (chủ tịch HĐQT) và ông Trần Tuấn Dương (tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát) về việc bán 20 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần thép Hòa Phát do ACBI đang sở hữu với số tiền 264 tỉ đồng cho Tập đoàn Hòa Phát.
Mặc dù số cổ phiếu trên chưa được ACB và Công ty ACBS chấp thuận cho giải chấp nhưng ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo ông Thanh và bà Nguyễn Thị Hải Yến lập khống các biên bản để ký chủ trương bán 20 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Hòa Phát. Sau khi ký kết, phía Hòa Phát đã chuyển 164 tỉ đồng cho bầu Kiên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được 20 triệu cổ phiếu như thỏa thuận.
Gia đình ông Kiên nợ gần 7.400 tỉ đồng Đến thời điểm kết thúc vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên ba bất động sản do ông Kiên và vợ đứng tên tại TP.HCM. Đồng thời cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị ACB phong tỏa, quản lý toàn bộ số cổ phiếu, cổ phần do ông Nguyễn Đức Kiên và người thân sở hữu tại ngân hàng này. Tính đến ngày 30-4-2013, tổng dư nợ của sáu công ty và năm cá nhân gia đình ông Kiên tại ACB là trên 7.376 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản đảm bảo được Công ty cổ phần thẩm định giá ASEAN định giá là trên 6.432 tỉ đồng. Khoản chênh lệch 944 tỉ đồng chính là khoản thiệt hại của ACB. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận