Kỳ 2: Xa vời... chính sách ưu đãi
Phóng to |
Giáo sư Kenichi Ohno - Ảnh: V.V.T. |
Đây là một trong những nội dung quan trọng của “Chiến lược công nghiệp hóa của VN trong khuôn khổ hợp tác VN - Nhật Bản” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Kenichi Ohno - một trong những chuyên gia tham gia xây dựng chiến lược - cho biết: “VN và Nhật Bản đã có 18 cuộc gặp gỡ làm việc để đưa ra các tiêu chuẩn chọn ngành, từ 39 lĩnh vực tiềm năng đề xuất ban đầu đã chọn ra danh sách gồm sáu ngành như đã nêu. Tuy nhiên, đây chỉ mới là báo cáo tạm thời, vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm đưa ra kế hoạch hành động cụ thể cho mỗi ngành được chọn”.
* Ông từng cho rằng VN đã bỏ lỡ cơ hội hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ. Việc triển khai chiến lược sáu ngành liệu có giúp ngành hỗ trợ phát triển, thưa ông?
- Thật ra, sáng kiến Chiến lược công nghiệp hóa VN nhằm tạo ra những ngành công nghiệp then chốt cho tương lai VN. Còn cải thiện ngành công nghiệp hỗ trợ lại là một chương trình khác và có thể được xúc tiến đồng thời với sáng kiến này.
Cùng với Chiến lược công nghiệp hóa, Nhật Bản và Chính phủ VN sẽ giúp các ngành công nghiệp hỗ trợ của VN bằng cách hướng dẫn doanh nghiệp trong nước tổ chức đào tạo, nhân rộng mô hình giáo dục kỹ thuật...
Trên cơ sở đó, các ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành điện tử, máy móc nông nghiệp, ôtô, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng - chính là các ngành được sáng kiến Chiến lược công nghiệp hóa lựa chọn.
Phóng to |
Công ty cổ phần Ngô Han, Long Thành, Đồng Nai chuyên sản xuất dây điện từ bao gồm dây đồng trần, dây đồng và dây nhôm tráng men. Trong ảnh: công nhân vận hành kiểm tra dây đồng rod tại phân xưởng đúc đồng của công ty - Ảnh: THANH ĐẠM |
* Vì sao công nghiệp ôtô vẫn được đưa vào danh sách này?
- Lâu nay thị trường ôtô VN có quy mô nhỏ và chính sách không ổn định, đặc biệt là thuế, nên việc thúc đẩy ngành này phát triển trở nên vô cùng khó khăn.
Chúng tôi đã thống nhất chọn ngành này vì Chính phủ VN hiện đang sẵn sàng cải thiện chính sách. Đến năm 2018, VN sẽ phải xóa bỏ thuế ôtô giữa các thành viên Asean. Ngoài ra, còn nhiều trở ngại khác mà VN phải nỗ lực hơn để vượt qua. Trước hết là cải thiện chất lượng chính sách và thiết lập đối thoại hiệu quả giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Phải biết có lợi thế gì để thu hút nhà đầu tư Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế về cảng biển nên có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư vào các ngành sản xuất quy mô lớn, chẳng hạn như đóng tàu, trang thiết bị xây dựng, lốp cao su... hơn là các ngành hỗ trợ (điện tử và linh kiện). Các hãng lớn của Nhật đều đã ở Hải Phòng nhưng họ không hẳn đã là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Đối với Bà Rịa - Vũng Tàu, theo tôi, cũng có cơ hội thu hút nhà đầu tư Nhật nhưng phải chọn đúng ngành nghề. Một điểm then chốt khác là những chính sách khuyến khích đầu tư phải được áp dụng một cách công bằng và khoa học. Điều tôi không hiểu là vì sao VN dành những điều kiện ưu đãi tốt nhất về thuế cho Hải Phòng nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu lại không được. |
Bộ Công thương cần xây dựng một kế hoạch hành động khả thi và thực tế cho ngành ôtô, thiết lập mối quan hệ thường xuyên và mang tính xây dựng với các nhà sản xuất ôtô.
Về lâu dài, với dân số 100 triệu người và thu nhập tăng lên, nhu cầu ôtô của VN sẽ tăng đáng kể trong những năm 2020. Nếu các nhà sản xuất ôtô nội địa và nước ngoài sống sót được đến lúc đó, VN sẽ có cơ hội trở thành nhà sản xuất ôtô mới nổi ở Asean.
* VN cần làm gì để gia tăng thu hút FDI Nhật Bản nói riêng và FDI nói chung trong bối cảnh phải cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực?
- Ưu thế lao động cần cù, rẻ của VN đang bốc hơi nhanh chóng. Sau hai thập kỷ mở cửa, VN không thể tiếp tục dựa vào việc khâu may hay lắp đặt thủ công, dựa vào thâm dụng lao động.
Tôi nghĩ Chính phủ thừa hiểu điều đó. Thách thức ở đây là VN phải tạo ra được giá trị nội tại mà không dựa vào ODA, FDI, giao dịch bất động sản hay những ưu thế sẵn có khác. Giá trị ấy có thể được tạo ra bằng nhiều cách như cải thiện chất lượng của lực lượng lao động, quản lý kinh doanh, năng lực chính sách...
Tiếp thị FDI phải nhắm vào chất lượng chứ không phải số lượng, trong đó nên khuyến khích những hãng sản xuất nước ngoài nào sẵn sàng làm việc với các công ty đối tác VN, đào tạo kỹ sư và công nhân VN.
Theo các cuộc khảo sát, Thái Lan, Indonesia và VN là ba điểm đến hấp dẫn nhất với các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ của Nhật Bản vốn đang có nhu cầu tìm kiếm địa điểm để phân bố lại sản xuất. Nếu họ chọn VN, chắc chắn sẽ giúp cải thiện năng lực công nghiệp VN.
Tôi đang tham gia một dự án nhằm chuẩn bị các điều kiện cần có để VN tiếp nhận số lượng lớn các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ của Nhật Bản. Nếu VN cải thiện các dịch vụ phục vụ nhà đầu tư, hậu cần và kết nối, các khu công nghiệp và nhà xưởng cho thuê... thì dòng doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Nhật Bản chắc chắn sẽ tăng lên.
* Một số địa phương như Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu đang bắt đầu xây dựng các khu công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản. Liệu các địa phương này có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản như kỳ vọng, thưa ông?
- Đây là hai địa điểm do Thủ tướng Chính phủ VN yêu cầu nhằm thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, nhưng cũng còn các khu công nghiệp khác phù hợp với mục đích này.
Một địa phương hay một nhà đầu tư khu công nghiệp muốn ưu tiên thu hút FDI Nhật Bản trước hết phải hiểu rằng các nhà đầu tư Nhật Bản đòi hỏi kỹ thuật tiếp thị đặc biệt và tiêu chuẩn cao. Hãy thử liên hệ với các tổ chức như Jetro và JICA.
Cũng có thể thuê các nhà tư vấn công nghiệp dày dạn kinh nghiệm của Nhật Bản. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đã khởi động một chương trình nhằm giúp các địa phương VN cải thiện chất lượng chính sách.
Các nhà đầu tư Nhật Bản chậm đến các vùng đất mới nhưng khi đã ở đó thì họ ở lại rất lâu, họ đào tạo các công ty đối tác và kỹ sư địa phương vì niềm tin và mối quan hệ lâu bền rất quan trọng với mô hình kinh doanh kiểu Nhật. Tôi rất mừng là Chính phủ VN nhận rõ tầm quan trọng của việc thu hút các doanh nghiệp Nhật vào quá trình công nghiệp hóa của VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận