Chênh lệch vốn đầu tư thực hiện và vốn đăng ký thu hẹp đã cho thấy chất lượng dòng vốn đầu tư FDI đang được cải thiện.
Phóng to |
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài - Đồ họa: VĨ CƯỜNG - Ảnh: LÊ NAM |
Sau một thời gian khó khăn do suy giảm kinh tế chung, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu nhìn thấy cơ hội lạc quan về thị trường VN và cho rằng đây là thời điểm thích hợp tăng vốn, mở rộng đầu tư.
Đẩy nhanh tiến độ
Tín hiệu tốt Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, sự tăng trưởng vốn giải ngân FDI lần này là một tín hiệu tốt cho kinh tế. Ở đây nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội tại thị trường VN, đặc biệt khi VN đang đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội này và đẩy vốn, tăng đầu tư để “xí chỗ”. Ngoài ra, vốn giải ngân gia tăng chứng tỏ những cải thiện trong môi trường đầu tư mà VN đã làm được. Tuy nhiên, theo ông Doanh, để giải quyết được cạnh tranh trong thu hút FDI với các nước trong khu vực, VN cần phải tiếp tục cải thiện các chính sách thực thi pháp luật như thuế, hải quan...; hoàn chỉnh điều kiện về kết cấu hạ tầng và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. |
Với việc khởi công phần thân dự án chung cư cao cấp Sora Gardens I (dự án chung cư đầu tiên trong tổng thể dự án “Tokyu Bình Dương Gardens City” với tổng vốn đầu tư lên đến 1,2 tỉ USD) vào đầu tháng 7-2013 tại thành phố mới Bình Dương, chủ đầu tư là Công ty TNHH Becamex Tokyu khẳng định tiến độ giải ngân của dự án “tỉ đô” Tokyu đang được đẩy mạnh.
Ông Yasuyuki Nakata, tổng giám đốc Công ty Becamex Tokyu, cho hay: “Thị trường bất động sản VN đang có tín hiệu khả quan sau những chính sách điều tiết vĩ mô từ cơ quan quản lý. Mặt khác tỉnh Bình Dương sẽ dời khu hành chính trung tâm về thành phố mới trong năm 2014 nên việc đẩy mạnh xây dự án chung cư cao cấp này nhằm đón đầu những cơ hội trên”.
Cũng tại thời điểm này, bà Sherry Boger - tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products VN (IPV) - cho biết IPV đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất và tăng tỉ lệ nội địa hóa từ 10% lên 50% trong thời gian tới.
“Nhà máy của Intel tại VN đang triển khai rất thuận lợi và sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất. Hiện chúng tôi đã công bố kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào nhà máy lắp ráp và kiểm tra linh kiện bán dẫn đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Tính đến cuối năm 2012 giá trị xuất khẩu của nhà máy này là 1,6 tỉ USD/năm, nhưng khi nhà máy hoạt động hết công suất giá trị xuất khẩu sẽ tăng từ 5 tỉ USD lên 20 tỉ USD/năm. Ngoài ra, chúng tôi đang đẩy mạnh sang sản xuất những thiết bị công nghệ thông minh với kỹ thuật tinh xảo tại VN” - bà Sherry Boger nhấn mạnh.
Ông Jeffery Prunty - giám đốc mua sắm toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất của Tập đoàn Intel - cho biết môi trường đầu tư VN đang được cải thiện là cơ hội để các tập đoàn lớn như Intel đẩy mạnh đầu tư. Trong khi tâm lý nhà đầu tư mới còn e ngại vì tình hình kinh tế chung thì vốn FDI tăng chủ yếu do những dự án đầu tư mở rộng sản xuất có kế hoạch từ trước. Các doanh nghiệp này được hỗ trợ từ công ty mẹ và sản phẩm có khách hàng thường xuyên, ít bị tác động bởi sự suy giảm của thị trường. Họ nhìn thấy cơ hội và đẩy nhanh việc giải ngân để nắm bắt cơ hội thị trường.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), sáu tháng đầu năm đã có 217 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 4,66 tỉ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2012. Nói về lý do tăng vốn, nhiều doanh nghiệp cho biết họ tin tưởng vào môi trường đầu tư của VN. Quyết định tăng vốn đầu tư thêm 95 triệu USD, lãnh đạo Công ty Nidec Tosok VN (thuộc Tập đoàn Nidec Nhật Bản) cho biết hoạt động tăng vốn lần này nhằm trang bị máy móc mới để mở rộng quy mô sản xuất đón đầu cơ hội tăng trưởng của thị trường.
Cải thiện nhờ chắt lọc dự án
Ông Đặng Xuân Quang, cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, phân tích trong 5,7 tỉ USD vốn FDI giải ngân trong sáu tháng đầu năm, vốn rót nhiều nhất vẫn là vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là ngành đang thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, chiếm 88,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, những ngành khác chiếm tỉ lệ rất thấp. “Diễn biến này chung với tình hình của nền kinh tế khi mà các lĩnh vực dịch vụ, bất động sản còn gặp nhiều khó khăn” - ông Quang giải thích.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết trong năm 2012 khi tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài đối mặt với khó khăn, nhiều giải pháp đã được triển khai và đến nay bắt đầu phát huy tác dụng. Tại buổi trao đổi với các nhà đầu tư Singapore ở TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng VN đã qua thời kỳ phát triển nóng, thay vì kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, VN chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. “Lượng vốn đăng ký có thể không bằng giai đoạn đỉnh cao, nhưng lượng vốn thực hiện lại nhiều hơn, đem lại hiệu quả tốt hơn cho nền kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm với mức lương tốt hơn cho người lao động” - ông Vinh nói.
Theo ông Đặng Xuân Quang, kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2013 là 14 tỉ USD, nếu lạc quan có thể lên đến 16 tỉ USD. Với những động thái của dự án lớn đang thực hiện hiện nay thì việc con số giải ngân đạt khoảng 11 tỉ USD trong cuối năm nay là hoàn toàn khả thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận