15/06/2013 07:30 GMT+7

Đổ nợ vì máy gặt đập liên hợp Trung Quốc: Thua vì ngủ quên

T.V.NGHI - TR.MẠNH - TẤN ĐỨC ghi
T.V.NGHI - TR.MẠNH - TẤN ĐỨC ghi

TT - Vì sao một đất nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, nhưng máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp lại thua ngay trên sân nhà? Nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần nhìn thẳng vào thực tế yếu kém này để có chính sách phát triển phù hợp.

Đổ nợ vì máy gặt đập liên hợp Trung Quốc

tT8gVMyM.jpgPhóng to
Máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc hiện tràn ngập các tỉnh ĐBSCL - Ảnh: Đ.V.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn): Cần có cơ chế đặc biệt

Để tình trạng ngành cơ khí nông nghiệp kém phát triển như hiện tại là do trước kia chúng ta đã không quan tâm đúng vị trí của ngành này trong phát triển nông nghiệp. Trước đây nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ nên việc phát triển ngành cơ khí nông nghiệp còn yếu, Nhà nước đã giải thể nhiều công ty nghiên cứu chế tạo máy, trong đó có máy nông nghiệp. Nay nhu cầu của người dân có thì các nhà máy trong nước không đáp ứng được.

Một số cơ sở tư nhân trong nước cũng tham gia đầu tư sản xuất máy nông nghiệp, tuy nhiên với tiềm lực nhỏ về vốn, khoa học, công nghệ và đặc biệt là công nghiệp phụ trợ nên các cơ sở này chỉ chế tạo được những thiết bị đơn giản, còn lại vẫn phải nhập khẩu về tự chế, tự lắp.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất trước mắt, VN vẫn cần phải trông cậy vào các máy móc nhập khẩu. Tuy nhiên về lâu dài, chỉ người Việt mới am hiểu đồng ruộng và yêu cầu công việc hằng ngày nên cần có những nhà sản xuất máy móc nông nghiệp trong nước. Muốn như vậy phải có những chính sách đặc biệt về vốn, đầu tư, hỗ trợ, công nghiệp phụ trợ... cho các công ty trong nước.

Theo tôi, công nghệ chế tạo máy nông nghiệp nhiều nước đã làm từ lâu, VN không nên cứ làm lại từ đầu tốn thời gian mà nên tận dụng công nghệ của nước ngoài để phát triển. Đó là những chính sách để thu hút những công ty sản xuất cơ khí nông nghiệp nước ngoài vào VN. Đây sẽ là tiền đề để chuyển giao khoa học công nghệ và nhân lực để cung cấp cho các công ty nội địa.

Ông Nguyễn Đức Hiển (giám đốc kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam - Vinkyno&Vinappro): Chúng tôi chỉ làm được hạng mục “lẻ tẻ”

Trong năm 2012, Vikyno&Vinappro chỉ sản xuất 100 máy gặt đập liên hợp, 200 máy gặt lúa xếp dãy (chủ yếu xuất sang Campuchia) và 60.000 động cơ diesel. Năm 2013, số máy gặt đập liên hợp ước sản xuất chỉ còn

60-70 máy do kinh tế khó khăn. Thật sự mà nói, việc chúng tôi sản xuất máy gặt đặt liên hợp chủ yếu là để “có mặt, đặt giá” ở thị trường, chứ không phải là nơi cung cấp chính cho nông dân vì sản phẩm chính của Vikyno&Vinappro là động cơ diesel.

Gọi là hàng trong nước nhưng máy do Vikyno&Vinappro chỉ sản xuất được những hạng mục “lẻ tẻ” bên ngoài, với tỉ lệ nội địa hóa khoảng 20-30%, trong khi động cơ và hộp số - hai thiết bị quan trọng nhất trong chiếc máy gặt - đều phải nhập khẩu với thuế suất không dưới 20% do trong nước chưa sản xuất được, còn mức thuế nhập khẩu nguyên chiếc chỉ 5%.

Ông Bùi Hòa Bình (giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí An Giang): Chi phí đầu tư cao

Trước đây chúng tôi có tham gia thị trường máy gặt đặt liên hợp, nhưng hiện tại chỉ sản xuất cầm chừng do công nghệ chế tạo nhìn chung còn kém, trong khi chi phí đầu tư cho việc nhập trang thiết bị, máy móc tân tiến phục vụ sản xuất là rất cao và khó có khả năng thu hồi vốn. Bên cạnh đó, các chính sách về thuế, từ đầu vào (nhập các linh kiện, chi tiết để sản xuất) và đầu ra (bán sản phẩm hoàn chỉnh) chưa hợp lý khiến giá thành sản phẩm khó cạnh tranh. Một khía cạnh khác cũng cần nhắc tới là người dân mình chưa có niềm tin vào hàng nội. Hàng chúng tôi sản xuất bán ra nhiều nước, dân người ta rất chuộng, nhưng ở thị trường nội địa thì khó cạnh tranh.

T.V.NGHI - TR.MẠNH - TẤN ĐỨC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên