Phóng to |
Biểu đồ giá vàng đi xuống từ tháng 3-2013 đến ngày 7-6-2013 của Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust. |
Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 5 khả quan hơn dự kiến làm gia tăng kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm kết thúc chính sách nới lỏng định lượng - nguồn động lực để vàng tăng giá trong mấy năm qua.
Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đêm qua bán ròng 0,6 tấn vàng, nâng tổng số lượng vàng mà quỹ này bán ra trong cả tuần qua lên mức 6,1 tấn vàng. Giá vàng thế giới cũng chịu áp lực từ việc Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu vàng thêm 1/3 và tuyên bố có thể áp dụng thêm biện pháp nếu cần thiết nhằm hạn chế nhập khẩu vàng nhằm kiểm soát thâm hụt cán cân vãng lai.
Tuy nhiên giá vàng trong nước chỉ giảm 120.000 đồng/lượng, bán ra ở mức 40,77 triệu đồng/lượng. Xu hướng giảm chậm tăng nhanh của giá vàng trong nước càng rõ trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu mua vàng miếng để tất toán trạng thái của các ngân hàng vẫn còn. Đồng thời, vàng từ nguồn đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước cũng được các ngân hàng dùng để dự trữ chi trả cho người dân khi thời hạn 30-6 đến gần.
Trong tuần qua Ngân hàng Nhà nước tổ chức ba phiên đấu thầu vàng với khối lượng chào thầu 1 tấn mỗi phiên đều bán hết hoặc gần hết dù giá bán ngang ngửa với giá vàng đang giao dịch trên thị trường.
Trong khi đó giao dịch vàng miếng trên thị trường khá trầm lắng do chênh lệch giữa giá vàng trong nước – thế giới quá cao. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang cao hơn đến 5,67 triệu đồng/lượng.
* Ngân hàng Nhà nước đưa giá bán USD lên mức kịch trần
Sau động thái tăng giá USD lên mức kịch trần của các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra tại Sở giao dịch của Ngân hàng Nhà nước ngày 8-6 cũng được đẩy lên mức kịch trần: 21.036 đồng/USD. Đây là lần thứ 2 trong vòng một tháng Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD tại Sở giao dịch. Trước đó vào ngày 20-5, giá bán USD tại Sở giao dịch của Ngân hàng Nhà nước cũng tăng từ 20.950 đồng lên 21.005 đồng/USD.
Trong khi đó tại các ngân hàng thương mại, giá bán USD vẫn được duy trì ở mức kịch trần: 21.036 đồng/USD đồng thời giá mua USD chuyển khoản được đẩy lên mức 21.000 đồng/USD. Giá mua USD tiền mặt thấp hơn, ở mức 20.980 đồng/USD. Tại thị trường tự do, giá USD bán ra dao động quanh mức 21.300 đồng/USD.
Về việc giá USD đột ngột “cứng” lên trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng do hiện nay thanh khoản tiền đồng của các NH khá dồi dào, một số NH âm trạng thái ngoại tệ đã tranh thủ mua vào khiến giá tăng. Còn theo các NH, giá USD tăng nhưng thanh khoản trên thị trường ngoại tệ hiện nay rất tốt, mọi nhu cầu về ngoại tệ của người dân đều được đáp ứng bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận