06/06/2013 09:08 GMT+7

Thượng tôn pháp luật hay thu hút đầu tư?

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - “Nếu như tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật doanh nghiệp chỉ cung cấp cho đại biểu những điều tốt đẹp, những thông tin thuận lợi để thuyết phục Quốc hội thông qua, khi áp dụng lại không phù hợp thì lỗi tại ai? Phải chăng là lỗi của Quốc hội?”

Câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Hòa Bình) cũng là mối băn khoăn chung của đa số đại biểu tại buổi thảo luận ở hội trường chiều 5-6.

rlTdZnDE.jpgPhóng to
Vũ Mão - (nguyên ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Trong tờ trình dự án sửa đổi điều 170 Luật doanh nghiệp, Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2 điều 170 Luật doanh nghiệp theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp không đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1-7-2006, đã hết thời hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư sau ngày 1-7-2006 và chưa thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp được thực hiện thủ tục đăng ký lại để tiếp tục hoạt động. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật các vấn đề phát sinh kể từ ngày hết hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư cho đến thời điểm đăng ký lại doanh nghiệp.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tính đến ngày 1-7-2011 là thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì còn khoảng 3.000 doanh nghiệp không đăng ký lại. Các doanh nghiệp này có tổng số vốn đăng ký là 18,5 tỉ USD, số lao động sử dụng là 446.000 người. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói: “Gần 3.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đăng ký lại là chuyện không ai mong muốn và cũng không muốn lặp lại. Nhưng tờ trình của Chính phủ chỉ nêu ba nguyên nhân chung chung, không biết lỗi tại ai, do cơ quan nào, do cơ chế nào?

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) phân tích: “Sửa luật nhiều lần làm chính sách thiếu ổn định, vừa khiến doanh nghiệp bị động vừa ảnh hưởng đến tôn nghiêm pháp luật. Chưa kể việc này còn tạo tiền lệ xấu, gây nên tình trạng bất bình đẳng với những doanh nghiệp đã chấp hành tốt. Nếu không chấn chỉnh, không ít doanh nghiệp sẽ bất chấp pháp luật, dùng sức ép về thu hút đầu tư, về tạo công ăn việc làm để bắt Nhà nước phải chiều theo ý mình”.

“Dự thảo mang tính đối phó, thử sức đại biểu Quốc hội: từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, hồ sơ đăng ký... có đến 24 điều, trong khi dự thảo luật chỉ sửa một khoản” - đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói. Đại biểu Hoàng Thanh Tùng cho rằng nhất thiết phải “tránh tâm lý cực đoan, chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, từ chỗ quy định rất chặt chẽ lại quay ra tháo khoán bỏ hết các quy định về đăng ký lại”. Còn đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) nhận định: Quốc hội đã bị đẩy vào tình huống khó khăn. Nếu vì sự tôn nghiêm của pháp luật thì gần 3.000 doanh nghiệp không thể hoạt động. Nếu sửa luật vì kinh tế đang khó khăn thì ảnh hưởng tới tinh thần thượng tôn pháp luật!

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận: “Đây là một vấn đề mà nếu không cho phép thì gây tổn hại lớn, vì nếu doanh nghiệp đóng cửa thì gây hậu quả rất lớn. Còn nếu cho làm thì pháp luật không nghiêm. Bộ Kế hoạch - đầu tư xin nhận trách nhiệm của mình”. Bộ trưởng giải thích: “Về nguyên nhân, thực tế có những cái khó. Điều 170 Luật doanh nghiệp quy định doanh nghiệp có quyền đăng ký lại hoặc không - chuyện này rất khó quản lý. Tôi thẳng thắn thừa nhận như vậy. Quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm của địa phương. Nhưng thật ra địa phương cũng rất khó quản là ông nào muốn đăng ký lại, ông nào không. Đây là chuyện ta phải rút kinh nghiệm”.

____________________

Quan sát nghị trường

Đừng để nước đến chân mới nhảy

Thời gian qua chúng ta đã có những tiến bộ trong công tác lập pháp, nhưng có thể nói chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Trong khi đó để xây dựng nhà nước pháp quyền thì rõ ràng hệ thống pháp luật phải rất đầy đủ. Qua nghiên cứu cho thấy ở các nước trung bình có 2.000-3.000 luật, có nước còn nhiều hơn, chúng ta phấn đấu trong nhiều năm thì mới có khoảng 200 luật. Đây là con số khá khiêm tốn, mới chỉ bằng 1/10 về số lượng đạo luật so với nhiều nước. Rõ ràng đây là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nhưng thực tế cho thấy Quốc hội mỗi năm họp có chừng đó thời gian, và với cách thức làm luật như hiện nay thì khả năng làm luật (về số lượng) được như vậy thôi. Bài toán đặt ra là chúng ta xuất phát từ khả năng làm luật của Quốc hội hay xuất phát từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền. Rõ ràng cần phải xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền.

Trước đây trung bình mỗi năm chúng ta thông qua được khoảng 10 luật, rồi nâng lên mỗi năm thông qua được 20 luật, có thời điểm cao là thông qua 25-27 luật. Hiện nay con số cũng chỉ khoảng như vậy. Chúng ta cần có tư duy mới về cách làm mới đẩy nhanh tiến độ được. Đơn cử theo quy định thì đại biểu Quốc hội có quyền sáng kiến lập pháp, nhưng lâu nay hầu như chưa có đại biểu nào đưa ra sáng kiến pháp luật. Đây không hẳn do đại biểu mà vì chúng ta chưa có một cơ chế, một văn bản quy định tạo điều kiện cho đại biểu đưa ra sáng kiến pháp luật.

Chúng ta thường nói phải biết dựa vào dân, rõ ràng trong công tác xây dựng pháp luật này phải biết huy động khả năng của từng đại biểu và của cả xã hội. Năng lực làm luật của các tổ chức nghiên cứu bên ngoài xã hội rất phong phú, nếu chúng ta biết khơi dậy thì sẽ có thêm một kênh quan trọng để đóng góp vào công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội. Phấn đấu làm sao mỗi năm không chỉ thông qua 30 luật mà tiến tới 50 luật, 100 luật. Cũng đừng quá thiên về xây dựng các luật dày dặn, nhiều điều khoản, mà có thể chia nhỏ thành các luật chỉ cần vài điều khoản nhưng đi được vào cuộc sống ngay. Rồi từ đó những lĩnh vực lớn thì có thể xây dựng các bộ luật.

Hiện nay cùng với việc sửa đổi Hiến pháp, lẽ ra việc chuẩn bị những luật về tổ chức bộ máy nhà nước cần phải sẵn sàng từ bây giờ, ví dụ luật về tổ chức chính quyền địa phương. Nếu bây giờ đã chuẩn bị được các phương án về luật chính quyền địa phương để làm cơ sở cho việc thảo luận chương chính quyền địa phương thì tốt biết bao nhiêu. Tình trạng nước đến chân mới nhảy còn khá phổ biến. Phải có tư duy ở tầm chiến lược để chuẩn bị cho các vấn đề dài hạn.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên