01/06/2013 12:14 GMT+7

Vụ án "tiền ảo LR": Sẽ điều tra dấu hiệu rửa tiền

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Liên quan đến việc điều tra hành vi kinh doanh trái phép tiền ảo Liberty Reserve (LR) xảy ra tại Công ty cổ phần Thịnh Vũ (trụ sở tại Hải Phòng), cơ quan điều tra vừa cho biết đã tách hành vi “rửa tiền” để xem xét, điều tra khi có thông tin từ cơ quan điều tra nước ngoài cung cấp.

Truy tố 7 bị can vụ rửa tiền lớn nhất lịch sử MỹMỹ truy tố vụ rửa tiền lớn nhất lịch sử

AD9Jw960.jpgPhóng to
Website privatechange.com hiện không còn truy cập được - Ảnh: T.T.D.

Thượng tá Hồ Sỹ Niêm - trưởng phòng 9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an - cho biết vụ án này xuất phát từ việc cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ và FBI (Mỹ) có thông tin về tình hình tội phạm thông qua hệ thống chuyển tiền Western Union đến VN và chuyển cho văn phòng Interpol VN.

Vụ việc được lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm giao cho C45 xác minh. Sau thời gian điều tra, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố bị can Vũ Văn Lăng (30 tuổi, trú tại Hải Phòng, giám đốc Công ty cổ phần Thịnh Vũ) về hành vi “kinh doanh trái phép”. Bị can Lăng đã lập Công ty Instant Exchange Limited (trụ sở ở Hong Kong), lập website www.privatechange.com để giao dịch, quảng cáo việc mua bán tiền ảo LR.

Theo cơ quan điều tra, bị can Lăng đã thu mua LR từ nước ngoài và trong nước, sau đó bán cho người nước ngoài để thu lợi. Cụ thể, Lăng đã mua tiền LR trị giá trên hơn 186 tỉ đồng và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Ngoài ra có một số giao dịch chuyển qua hệ thống cửa hàng vàng bạc trên cả nước.

Khách hàng nước ngoài muốn mua LR của Lăng phải đăng ký thành viên trên trang web, chuyển tiền cho Lăng trước, sau đó mới nhận được LR. Việc giao dịch này của Lăng lên đến hơn 24,5 triệu USD (gần 405 tỉ đồng).

Cơ quan điều tra xác định hành vi kinh doanh này bản chất là kinh doanh ngoại tệ do Lăng đã mua LR trong nước và bán ra nước ngoài, nhận lãi là tiền USD. Khi Western Union VN đơn phương chấm dứt hợp đồng, Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hải Phòng tước giấy phép kinh doanh nhưng Lăng vẫn tiếp tục phối hợp với một số đối tượng khác thực hiện việc mua bán LR, thu lợi bất chính 5 tỉ đồng.

Liệu hoạt động kinh doanh tiền ảo của bị can Vũ Văn Lăng có dấu hiệu rửa tiền hay không? Thượng tá Niêm cho biết hiện hành vi này đã được tách ra để tiếp tục điều tra xử lý. Cơ quan điều tra đang chờ cảnh sát Mỹ, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ án này như thế nào và cung cấp tài liệu mới có thể điều tra làm rõ.

Cho đến khi kết thúc vụ án, C45 chưa thấy Vũ Văn Lăng biết về nguồn gốc số tiền mua bán LR nên chưa chứng minh được có hành vi rửa riền. Trong trường hợp cơ quan điều tra các nước xác định Vũ Văn Lăng biết những đồng tiền này là tiền do các đối tượng ở nước ngoài phạm tội mà có (ví dụ như chiếm đoạt tài sản, cá độ bóng đá, làm giả thẻ tín dụng...) mà vẫn nhận và chuyển thành tiền sạch thì phải xử lý về tội “rửa tiền”.

Thượng tá Niêm đánh giá đây là một lỗ hổng vì LR hiện nay không có cơ quan nào quản lý, kể cả ngân hàng, vì tiền này là tiền phi chính phủ, không có nước nào chấp nhận đồng tiền này mà chỉ là quy ước giữa các cá nhân với nhau. Bản chất tiền ảo LR không phải là tiền chính thống để giao dịch. Vừa qua đã có 17 quốc gia xem xét vấn đề kinh doanh LR và đình chỉ tất cả các cá nhân, đơn vị có giao dịch. Đối với các trang web và cá nhân đang thực hiện giao dịch LR, cơ quan điều tra chưa xử lý vì hiện tại chỉ điều tra hành vi kinh doanh trái phép của Vũ Văn Lăng.

Liên quan đến việc kinh doanh tiền ảo LR có dấu hiệu rửa tiền, Cục Phòng chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước cho biết tiền ảo LR không được phép giao dịch tại VN. Các cơ quan chức năng đã đối chiếu với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối thì LR không phải ngoại tệ mà có thể chỉ là đồng tiền quy ước và không nằm trong hệ thống quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đánh giá của cán bộ Cục Phòng chống rửa tiền thì đương nhiên trong việc kinh doanh tiền LR sẽ có người bị thiệt hại. Ví dụ như trường hợp khi mua xong chưa bán được, chưa đổi được ra tiền Việt thì trung gian bị sập và mất tiền. Cục Phòng chống rửa tiền cũng đặt vấn đề đây có thể là một kênh rửa tiền vì nó có chuyện đổi tiền, có thanh toán (do khi chuyển LR được thanh toán). Tuy nhiên có phải rửa tiền hay không phụ thuộc vào việc kết luận người bỏ tiền mua LR đó là hợp pháp hay bất hợp pháp. Nếu tiền mua LR là bất hợp pháp thì đương nhiên là hoạt động này bị lợi dụng để rửa tiền.

Các ngân hàng phủ nhận quan hệ với LR

Chiều 31-5, các ngân hàng (NH) danh sách liên quan đến mạng lưới rửa tiền toàn cầu đã lên tiếng phủ nhận. NH Đông Á cho biết đã rà soát kiểm tra hệ thống và khẳng định Đông Á không có quan hệ hợp tác với LR.

Thông cáo phát đi đầu giờ chiều ngày 31-5 khẳng định hiện NH Đông Á có quan hệ hợp tác với nhiều đối tác chuyển tiền và NH đại lý có uy tín trên thế giới. Các hợp tác này đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống rửa tiền quốc tế.

Ông Đào Minh Tuấn, phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết NH không có quan hệ trực tiếp nào với LR.

Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc NH ACB, cho biết vừa qua NH đã được cơ quan điều tra thông báo tài khoản của khách hàng mở tại ACB chi nhánh Hải Dương có liên quan đến LR. “Tài khoản mở tại ACB chi nhánh Hải Dương nhưng khả năng họ có giao dịch tại nhiều chi nhánh khác nhau” - ông Toại nói. Tuy nhiên ông Toại từ chối cung cấp số lượng tài khoản mà cơ quan điều tra xác định có liên quan đến LR, số tiền chuyển khoản... vì liên quan đến bí mật khách hàng.

A.H.

Xài tiền ảo, mất tiền thật

Sau khi trang web Liberty Reserve đóng cửa, trên cộng đồng mạng, khá nhiều cá nhân đã lên tiếng, than thở bị mất tiền.

D., một người tự cho là đã mất 1.000 LR (1 LR tương đương với 1 USD), ước tính LR chiếm 30-40% thị phần kiếm tiền trên mạng MMO (make money online) nên sẽ có không ít người mất tiền vì LR. Tham gia mạng lưới này, người sử dụng sẽ chuyển tiền vào hệ thống của LR và quy đổi sang đơn vị tiền ảo, sau đó có thể bán lại các đồng tiền LR hoặc chuyển đổi về tiền thật, hoặc chuyển vào ngân hàng để sử dụng.

Theo D., từ khi vào VN khoảng cuối năm 2012, LR trở thành sự lựa chọn của các MMO trên mạng do những ràng buộc về thông tin cá nhân không cao, không có giới hạn như Paypal, lại có thể đổi tiền với các exchanger (dịch vụ trung gian chuyển tiền) tỉ giá tương đối cao. Ngoài việc sử dụng LR như tiền đồng để thanh toán trong các giao dịch như một đồng tiền ảo, MMO còn dùng LR để kinh doanh mua bán như một loại hình ngoại tệ chuyển đổi thông qua các exchanger. Ngay khi thông tin LR ở nước ngoài bị đánh sập, D. đã cố gắng liên hệ với số điện thoại tư vấn trên website libertyreserve.com.vn tại VN nhưng người này cũng nói không thể làm gì.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, với loại hình dịch vụ liên quan đến tiền tệ nhưng lại giao dịch qua mạng, để đảm bảo sự an tâm cho người sử dụng, nhà kinh doanh phải liên kết với một ngân hàng.

Người sử dụng khi tham gia dịch vụ sẽ có tài khoản ảo và một tài khoản khác song song tại ngân hàng này, nghĩa là một đồng trên tài khoản mạng tương ứng một đồng có tại ngân hàng. Điều này vừa đảm bảo đồng tiền trên mạng là đồng tiền thật, có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời tránh được rủi ro khi các giao dịch online bị sập.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên