31/05/2013 14:17 GMT+7

Mỹ giành vị trí nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Mỹ đánh bật Hong Kong để giành lại vị trí số một trong bảng xếp hạng thường niên 60 nền kinh tế cạnh tranh nhất năm 2013 do Viện Quản lý phát triển (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố.

Nd3Gx3bC.jpgPhóng to
Bảng hiệu Phố Wall treo trước sàn giao dịch chứng khoán New York trong bức ảnh chụp ngày 8-5-2013 - Nguồn: Reuters

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự hồi phục hệ thống tài chính, không ngừng đổi mới công nghệ và kết quả kinh doanh thành công của nhiều doanh nghiệp đã giúp Mỹ lấy lại vị trí độc tôn năm nay.

Trong khi đó, chủ nhân của vị trí số một năm ngoái là Hong Kong rớt xuống thứ ba sau Thụy Sĩ. Lý giải sự sa sút này, ông KC Chan, cục trưởng Tài chính và ngân khố Hong Kong, cho rằng tăng trưởng kinh tế chậm trong năm qua là nguyên nhân chính khiến Hong Kong đánh mất vị trí dẫn đầu.

Tuy nhiên, ông Chan nói thêm Hong Kong vẫn làm tốt khi duy trì sự cạnh tranh trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư toàn cầu.

Khi được hỏi tiêu chí chính để chọn ra các nền kinh tế cạnh tranh là gì, ông Stephane Garelli, trưởng Trung tâm cạnh tranh toàn cầu thuộc Viện IMD, trả lời AFP bảng xếp hạng năm nay dựa trên 333 tiêu chí, trong đó hai phần ba là các số liệu và một phần ba lấy từ các cuộc thăm dò dư luận.

“Những quy tắc vàng của cạnh tranh rất đơn giản bao gồm: sản xuất, đa dạng chủng loại hàng hóa, xuất khẩu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện quy tắc tài chính và quan trọng nhất là duy trì sự phát triển hài hòa trong xã hội” - ông Stephane Garelli nói.

“Để trở thành một nền kinh tế cạnh tranh, cải cách kinh tế là điều không thể tránh khỏi, nhưng sự tăng trưởng mới là điều tiên quyết. Ngoài ra, sự hà khắc của chính sách thắt lưng buộc bụng thường xuyên gây tác dụng ngược đối với người dân. Cuối cùng, các quốc gia cần phải duy trì sự phát triển hài hòa trong xã hội để đem lại sự thịnh vượng cho đất nước” - ông giải thích thêm.

Trong top 30 các nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu có 10 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, Thụy Điển xếp thứ 4 (tăng một hạng), Đức và Anh giữ nguyên thứ hạng lần lượt là 9 và 18. Trong khi đó Ireland tăng ba hạng lên vị trí 17, Pháp tăng 1 hạng lên 28.

Ở Châu Á, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới Nhật Bản xếp hạng 24 (tăng ba hạng), có lẽ do các chính sách kích thích tài chính và tiền tệ của Thủ tướng Abe bắt đầu phát huy tác dụng.

Trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Nga và Trung Quốc tăng hạng trong khi Ấn Độ, Brazil và Nam Phi thụt lùi. Cụ thể, Trung Quốc tăng hai hạng lên vị trí 21, Nga tăng 6 hạng lên 42, Ấn Độ và Brazil tụt 5 hạng lần lượt xuống vị trí 40 và 51. Trong khi đó Nam Phi tụt 3 hạng xuống vị trí 53.

Đông Nam Á cũng góp nhiều đại diện trong bảng danh sách năm nay. Singapore và Malaysia đều tụt một hạng xuống vị trí 5 và 15, trong khi các đại diện còn lại đều tăng như Thái Lan tăng ba hạng lên vị trí 27, Philippines tăng năm hạng lên 38, Indonesia tăng ba hạng lên 39. Năm nay Việt Nam không có tên trong danh sách.

Nền kinh tế ít cạnh tranh nhất năm nay là Venezuela, quốc gia vừa mới trải qua một cuộc bầu cử tổng thống căng thẳng sau khi cựu lãnh đạo nước này Hugo Chavez qua đời vì bệnh ung thư.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên