Phóng to |
Ông Vũ Tiến Lộc (giữa), chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, trao đổi với các chuyên gia nước ngoài bên lề buổi lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tham nhũng vặt giảm, tham nhũng lớn tăngPhải chi hoa hồng mới có hợp đồngXáo trộn bất ngờ
Nhiều tỉnh thành từng nằm ở vị trí cao trong bảng xếp hạng như Đà Nẵng năm nay đã bị tụt xuống vị trí thứ 12, Bà Rịa - Vũng Tàu tụt xuống vị trí thứ 21 so với hạng 6 trước đó. Đặc biệt, Hà Nội giảm tới 15 bậc, xuống vị trí 51.
41% doanh nghiệp trả hoa hồng để giành hợp đồng
Đứng đầu bảng xếp hạng PCI năm nay là Đồng Tháp, tiếp theo là An Giang, Lào Cai, Bình Định, Vĩnh Long, Kiên Giang... Tuy nhiên, chỉ có 41% doanh nghiệp tin rằng thủ tục hành chính đã được giảm bớt so với mức 49% năm 2009. Chưa hết, năm 2011 có sáu địa phương còn được đánh giá có chất lượng điều hành “rất tốt” với số điểm trên 65 thì năm 2012 không tỉnh nào được đánh giá ở mức “rất tốt”, ngay cả Đồng Tháp đứng đầu bảng xếp hạng cũng chỉ được 63,7 điểm. |
Ông Đậu Anh Tuấn, phó ban pháp chế VCCI - thành viên nhóm nghiên cứu PCI, cho rằng trong năm 2012, dù kinh tế khó khăn nhưng đã không có cải cách nào thật sự đột phá, trong khi nhiều tiêu chí khác còn tụt giảm. Theo ông Tuấn, các địa phương chỉ tập trung cải thiện những điều dễ, còn những điểm khó như tính minh bạch, chi phí không chính thức... thì cải cách chậm. “Tính minh bạch đã được nói đến rất nhiều như Lào Cai năm 2012 đứng đầu về tính minh bạch, nay cũng đã giảm điểm so với năm trước” - ông Tuấn nói.
Một điểm đặc biệt trong báo cáo PCI năm 2012 là chỉ tiêu “chi phí không chính thức” đã thay đổi. Cụ thể, nếu năm 2007 các khoản lót tay trong đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục hành chính được 70% doanh nghiệp khẳng định là “một phần không thể thiếu” thì năm 2012 đã giảm. Chỉ 53% doanh nghiệp nói chi phí lót tay trên là phổ biến và chỉ còn chiếm 6,5% doanh thu. Tuy nhiên, có tới 41% doanh nghiệp thừa nhận họ đã phải trả hoa hồng cho cơ quan nhà nước để giành được hợp đồng (so với 23% năm 2011).
Theo TS Edmund Malesky (Đại học Duke, Mỹ) - trưởng nhóm nghiên cứu PCI, hiện tượng này là dấu hiệu tham nhũng nhỏ giảm, tham nhũng lớn tăng. Với phương pháp thống kê mới, nhóm nghiên cứu PCI đã tính toán được ngành xây dựng cơ bản có tỉ lệ doanh nghiệp phải trả hoa hồng để có hợp đồng cao nhất, tới 42,5%, tăng khoảng 12% so với năm 2011.
Ngành dịch vụ/thương mại có tới 35,4% doanh nghiệp phải trả hoa hồng để có hợp đồng năm 2012 - tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Thấp nhất là ngành sản xuất, vẫn có 34% doanh nghiệp phải trả hoa hồng, cũng tăng gần 4% so với năm 2011. Báo cáo PCI cũng khẳng định các doanh nghiệp có liên quan đến các cơ quan chính phủ lại thường có hành vi chi trả hoa hồng cao hơn.
Năm 2012, nhóm nghiên cứu PCI cũng đi tìm câu trả lời cho vấn đề: có hay không ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kết quả, có tới gần 1/3 doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp nhà nước đang được ưu đãi nhiều và điều này tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của họ. Trong khi đó, có 31% doanh nghiệp cũng cho rằng các doanh nghiệp FDI được chính quyền dành cho nhiều lợi thế đặc biệt.
55% doanh nghiệp FDI tham gia các hoạt động trả “chi phí không chính thức”
Ngoài 8.053 doanh nghiệp trong nước, nhóm nghiên cứu còn khảo sát trên 1.500 doanh nghiệp FDI để tổng kết đánh giá của doanh nghiệp về rủi ro kinh tế tại VN. Kết quả, có tới 36% doanh nghiệp FDI khẳng định bất ổn vĩ mô là rủi ro lớn nhất họ gặp ở VN, tiếp theo là rủi ro hợp đồng, rủi ro chính sách và rủi ro lao động...
Các biện pháp đối phó rủi ro của doanh nghiệp là: liên doanh với doanh nghiệp địa phương, liên kết để vận động chính sách; tác động chính quyền địa phương để thay đổi cách thực hiện, thậm chí chỉ giải ngân một phần vốn, chờ đến khi thật sự tin tưởng mới làm tiếp; sản xuất bộ phận chính sản phẩm ở nước ngoài...
Báo cáo PCI cũng cho biết có 55% doanh nghiệp FDI tham gia các hoạt động trả “chi phí không chính thức”. Ông Edmund Malesky nêu “quy luật”: doanh nghiệp trong nước hoạt động càng về sau càng bớt phải lót tay nhưng với doanh nghiệp FDI, càng hoạt động lâu càng tăng hối lộ... Theo ông Edmund Malesky, các doanh nghiệp FDI hay phải hối lộ nhất các đối tượng hoạt động trong các dự án nhóm A, trong nhóm hạn chế đầu tư, hay đầu tư có điều kiện, đòi hỏi phải cấp phép đặc biệt.
Do có rào cản gia nhập thị trường cao, nhưng lĩnh vực này thường có lợi nhuận cao hơn nên doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng hối lộ cao hơn. Qua kết quả điều tra doanh nghiệp FDI, “Thông điệp quan trọng là hiệu quả hoạt động và niềm tin của doanh nghiệp FDI đang thấp nhất kể từ khi bắt đầu điều tra PCI. Doanh nghiệp nước ngoài lo ngại tăng thêm quy định hạn chế đầu tư, tạo điều kiện tham nhũng. Cần đảm bảo khuôn khổ pháp lý không tạo điều kiện cho tham nhũng” - TS Edmund Malesky nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận