Theo PGS.TS Edmund Malesky - trưởng nhóm nghiên cứu chỉ số PCI, năm nay khi thu thập các chỉ số PCI nhóm nghiên cứu nhận thấy tham nhũng vặt ở VN đã giảm xuống. Tuy nhiên, tham nhũng lớn tại các dự án đầu tư lại có xu hướng tăng.
Phóng to |
Tiến sĩ Edmund Malesky - giáo sư Đại học Duke, trưởng nhóm nghiên cứu PCI - trả lời trong buổi họp báo sau khi buổi lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 kết thúc - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Phóng to |
Ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN - trao đổi với các chuyên gia nước ngoài bên lề buổi lễ - Ảnh: N.Khánh |
Phóng to |
Bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 - Ảnh: N.Khánh |
Theo báo cáo chi tiết về chỉ số này, với khảo sát 8.053 doanh nghiệp thuộc các thành phần trên cả 63 tỉnh thành, kết quả Đồng Tháp đã vươn lên vị trí đầu bảng với điểm số được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất.
Tiếp theo là An Giang, Lào Cai, Bình Định, Vĩnh Long, Kiên Giang... Đứng cuối bảng năm nay là Điện Biên.
Đáng lưu ý, trong bảng PCI năm nay cho thấy sự xuống hạng của nhiều địa phương đã từng đạt thứ hạng cao. Như Đà Nẵng từng là số 1 từ năm 2008-2010 thì năm 2012 đã tụt xuống vị trí thứ 12, trong khi Bình Dương từng đứng đầu vào năm 2007 giờ đây đã tụt xuống thứ 19. Hà Nội cũng tụt xuống thứ 51 so với thứ 36 đạt được trong năm 2011, Hải Phòng từ 45 xuống 50.
Đáng mừng là đầu tàu kinh tế cả nước - TP.HCM - đã tăng được 7 bậc, từ 20 lên 13 trong bảng xếp hạng.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - phó ban pháp chế VCCI, năm nay điều đáng buồn là nhiều tỉnh đạt thứ hạng cao trong PCI 2012 được chấm điểm thấp hơn so với điểm của chính họ những năm trước.
Tính trung bình, bảng điểm của các tỉnh đều giảm, chỉ còn 56,2 điểm so với 59,1 điểm trong năm 2011. Đặc biệt, không có tỉnh nào vượt ngưỡng điểm rất tốt với 65 điểm - mức điểm mà một số tỉnh đã đạt được trong năm 2011.
Đáng lưu ý, theo PGS.TS Edmund Malesky - trưởng nhóm nghiên cứu chỉ số PCI, năm nay khi thu thập các chỉ số PCI nhóm nghiên cứu nhận thấy tham nhũng vặt ở VN đã giảm xuống.
Tuy nhiên, tham nhũng lớn tại các dự án đầu tư lại có xu hướng tăng. Thậm chí có tới 20% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công nhận họ phải chi tiêu cực phí và điều giới doanh nghiệp rất lo là bị chính sách đưa thêm giấy phép con.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả PCI năm nay cho thấy tâm lý bi quan về triển vọng tăng trưởng những năm tiếp theo khi số doanh nghiệp lạc quan đã giảm xuống mức thấp nhất, chỉ còn 33%, thấp hơn nhiều so với mức 76% khi VN chưa vào WTO.
Ông Edmund Malesky cho rằng chỉ số PCI năm nay cho thấy doanh nghiệp đã đánh giá sự cải cách của một số địa phương chậm lại. Chỉ một số chỉ tiêu như thời gian gia nhập thị trường các tỉnh đều có sự cải thiện, còn những chỉ tiêu khó thực hiện cải cách hơn như minh bạch thì nhiều năm không thay đổi. Đây cũng là chỉ dẫn cho thấy chính quyền trung ương và địa phương cần phối hợp tốt hơn để thúc đẩy cải cách.
Chỉ số PCI do VCCI phối hợp với dự án Sáng kiến cạnh tranh VN (VNCI) cùng đứng ra thực hiện. Chỉ số này được xây dựng từ việc lấy ý kiến đánh giá của các doanh nghiệp tại từng địa phương với các tiêu chí rất cụ thể như: chi phí gia nhập thị trường, sự dễ dàng trong tiếp cận đất đai, môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai, chi phí không chính thức, thời gian kiểm tra, thanh tra và thực hiện các thủ tục hành chính, độ năng động của lãnh đạo địa phương, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thủ tục giải quyết tranh chấp…
Đây là năm thứ 8 chỉ số PCI được công bố và đây được coi là chỉ số quan trọng đánh giá năng lực điều hành và môi trường kinh doanh của các tỉnh, thành trên cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận