09/03/2013 03:23 GMT+7

Xem lại cơ chế giám sát

 BẠCH HOÀN - NHƯ BÌNH
 BẠCH HOÀN - NHƯ BÌNH

TT - Theo các chuyên gia kinh tế, để hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu khi thành lập, cần xem lại cơ chế giám sát SCIC. Đặc biệt, cần phải kiểm toán hằng năm và minh bạch thông tin tại đơn vị này để xã hội có thể giám sát.

SCIC đem cả chục ngàn tỉ gửi ngân hàng lấy lãi

1BIa1N4h.jpgPhóng to
Theo chuyên gia, cần có cơ chế giám sát và công khai hoạt động của SCIC - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

* TS Nguyễn Đình Cung(phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Phải công khai thông tin

Việc gửi hàng chục ngàn tỉ đồng vào ngân hàng để lấy lãi tiết kiệm của SCIC quá đơn giản, một người dân bình thường cũng có thể làm được, không cần phải đến một tổng công ty lớn như SCIC. Rõ ràng điều này thể hiện khiếm khuyết của SCIC hơn là cho thấy hiệu quả đầu tư của họ. Từ đó cũng cho thấy SCIC cần đặt ra những tiêu chí, đòi hỏi cao hơn đối với một công ty kinh doanh và quản lý vốn nhà nước.

Để hoạt động của SCIC đạt được mục tiêu ban đầu khi thành lập, cần phải xem lại cơ chế giám sát SCIC. Nếu họ thực công khai thông tin trên website của công ty, của Bộ Tài chính, thì sẽ có nhiều người vào xem, đưa ra các nhìn nhận đánh giá, từ đó tạo áp lực khiến SCIC phải thực hiện tốt hơn nghiệp vụ đầu tư vốn nhà nước, mang lại hiệu quả hơn, lợi nhuận cao hơn.

Chế độ công khai thông tin của SCIC phải được cải thiện. Không phải chỉ cần đăng lên website của họ một bản báo cáo kết quả kinh doanh, mà phải công bố thông tin một cách đầy đủ, thường xuyên, có hệ thống. Trong đó bắt buộc phải công bố chiến lược của công ty, kế hoạch kinh doanh, báo cáo tài chính đã được kiểm toán. SCIC phải công bố toàn văn các báo cáo, chứ không phải báo cáo tóm tắt. Đồng thời, phải có người chịu trách nhiệm công bố thông tin, thực hiện đầy đủ, kịp thời, có báo cáo hằng năm, hằng quý... Qua việc báo cáo, người ta sẽ thấy được tỉ suất lợi nhuận của SCIC có bền vững không, SCIC có đạt được mục tiêu không. So sánh với các quỹ đầu tư khác, kết quả của SCIC đang đứng ở mức nào, có thật sự hiệu quả không... Đó là cách tạo ra áp lực để SCIC thực hiện đúng chức năng đầu tư và mang lại hiệu quả cao nhất.

* Ông Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế):

Cần kiểm toán SCIC

Trên website của SCIC, họ nêu rõ mục tiêu trở thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ thông qua việc đem lại giá trị tối đa và sự tăng trưởng bền vững cho các khoản đầu tư. Sứ mệnh mà SCIC theo đuổi được họ công bố là trở thành cổ đông năng động của doanh nghiệp, là nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ và nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp, với các giá trị theo đuổi là năng động - hiệu quả và bền vững. Nghe có vẻ rất chuyên nghiệp nhưng việc đem hàng chục ngàn tỉ đồng gửi ngân hàng lấy lãi tiết kiệm lại không chuyên nghiệp chút nào. Đó là điều bất bình thường ở một công ty quản lý tài sản và đầu tư vốn của Nhà nước. Người ta mong đợi SCIC có những hoạt động đầu tư thật sự chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả cao và bền vững, chứ không phải là việc ngồi nhà chờ nhận tiền lãi tiết kiệm ngân hàng.

Việc gửi tiền lấy lãi tiết kiệm ở các ngân hàng của SCIC càng không chấp nhận được trong bối cảnh hàng ngàn doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp nhà nước rơi vào tình cảnh thiếu vốn, phải vay vốn lãi suất cao phục vụ cho việc đầu tư, kinh doanh. SCIC đang thu lại lợi nhuận thông qua kênh ngân hàng cũng có nghĩa thu lợi nhuận vào những doanh nghiệp nhỏ và vừa vay lại vốn của ngân hàng. Đó là những doanh nghiệp qua kinh doanh đem lại nguồn lợi nhuận đích thực của nền kinh tế. Nếu sử dụng vào đầu tư, đây sẽ là một nguồn lực cực lớn.

SCIC cần giải trình và trả lời trước công chúng về vấn đề này. Đồng thời, ngay cả hiện tượng doanh nghiệp phản ứng về vai trò quản trị của SCIC trong các doanh nghiệp do SCIC làm đại diện vốn nhà nước, SCIC cũng cần xem lại. SCIC không nên nhầm lẫn vai trò cổ đông và vai trò quản lý nhà nước. Ngoài ra cần phải thực hiện công khai, minh bạch thông tin ở SCIC, hằng năm phải thực hiện kiểm toán và công bố kết quả ở SCIC.

* Ông Nguyễn Xuân Thành (giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):

SCIC đầu tư quá thụ động

SCIC đã gửi hàng chục ngàn tỉ đồng vào ngân hàng để lấy lãi tiết kiệm trong nhiều năm, điều đó chứng tỏ có sự thận trọng và quá thụ động trong việc quản lý vốn nhà nước và lợi nhuận sinh ra từ vốn nhà nước của SCIC.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhà nước khác đầu tư, làm ăn thua lỗ, SCIC chọn một con đường an toàn, chỉ cần những khoản đầu tư sinh lời nhưng không cần lời nhiều, miễn không gây thất thoát. Rõ ràng hiện nay chúng ta đang thiếu cơ chế giám sát khách quan để có sức ép, tạo động lực cho SCIC làm tốt nhất với những đồng vốn của Nhà nước.

Temasek thành công nhờ minh bạch

Đi theo cách thức tập đoàn kinh doanh vốn đầu tư nhà nước, SCIC được ra đời dựa trên nghiên cứu học tập mô hình Temasek Holdings, công ty quản lý vốn quốc gia của Singapore, đang hoạt động khá hiệu quả.

Ra đời cách nay gần 39 năm, Temasek Holdings thuộc bộ phận đầu tư của Chính phủ Singapore và thuộc sở hữu của Bộ Tài chính, có nhiệm vụ giúp Chính phủ Singapore kiểm soát tốt hơn các nguồn lực đầu tư ra nước ngoài, đồng thời phải đảm bảo tính hiệu quả về mặt kinh tế.

Tuy toàn bộ vốn của tập đoàn đều do Bộ Tài chính Singapore cấp và quản lý nhưng hoạt động của Temasek lại đi theo đường hướng như một công ty tư nhân. Cổ phần và danh mục đầu tư năng động của tập đoàn này chủ yếu trong những lĩnh vực chủ chốt, có tính chất quyết định đến nền kinh tế quốc gia như: tài chính ngân hàng, bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, vận tải giao nhận, truyền thông - thông tin... Trong chương trình đầu tư của mình, với vai trò cổ đông Temasek xác định chỉ “thúc đẩy quản trị doanh nghiệp trong các công ty mình đầu tư, không can thiệp sâu vào các khoản đầu tư cũng như tổ chức”.

Về cơ cấu tổ chức, cả Temasek và SCIC đều có những nét tương đồng trong thành phần tổ chức, ban quản lý. Chính phủ có sự kiểm soát nhất định đối với các hoạt động của công ty thông qua quyền cổ đông. Tuy nhiên, điều Temasek có là một bộ máy quản lý hiệu quả.

Theo ông Manu Bhaskaran - giảng viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách Singapore, chuyên nghiên cứu về kinh tế tập đoàn, ngoài mô hình đầu tư năng động, yếu tố giúp Temasek thành công, tạo được niềm tin với các nhà đầu tư là sự minh bạch. Hằng năm Temasek đều công bố báo cáo, cung cấp khá đầy đủ những thông tin tài chính và cả những thông tin về tổng tài sản nắm giữ, các danh mục tài sản theo khu vực và quốc gia. Trong đó, có nhiều thông tin về hiệu quả kinh doanh.

Trong điều hành quản trị, Temasek cũng công khai chi tiết thông tin ban quản trị, ban điều hành. Những thành viên trong ban quản trị đều có danh tiếng đảm bảo việc điều hành một cách chuyên nghiệp và có uy tín. Temasek được quản lý bởi một hội đồng độc lập được lựa chọn từ những thành viên có uy tín với công chúng trong lĩnh vực. Ban quản trị được bổ sung thường xuyên, vì vậy luôn có thành viên mới thay thế những người làm việc lâu năm nhưng không còn hiệu quả.

 BẠCH HOÀN - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên