20/02/2013 09:21 GMT+7

Tin vào cơ hội đầu tư mới

NH.BÌNH - H.ĐĂNG - B.HOÀN ghi
NH.BÌNH - H.ĐĂNG - B.HOÀN ghi

TT - Dù nhận định còn nhiều khó khăn chờ đợi trong năm 2013, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn có không ít cơ hội đầu tư mới dành cho những doanh nghiệp, nhà đầu tư có kế hoạch tài chính dài hạn, chấp nhận rủi ro...

Tập trung vào nghề “tay phải”Tìm cơ hội làm ăn năm 2013

h2fLAs3h.jpgPhóng to
Với thị trường bán lẻ được xem là “béo bở”, phân khúc trung tâm thương mại sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường bất động sản trong năm 2013 - Ảnh: T.T.D.

Không chỉ ngành hàng tiêu dùng mà đầu tư tài chính, sản xuất sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao... tiếp tục nằm trong danh mục ưu tiên của nhà đầu tư nước ngoài.

* Ông DON LAM (tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital):

Lĩnh vực tiêu dùng vẫn còn nhiều tiềm năng

Trong năm 2013, theo đánh giá của chúng tôi, khi lãi suất cho vay giảm xuống, chi phí hoạt động của các công ty sẽ giảm xuống đáng kể và hiệu quả kinh tế sẽ tốt dần hơn lên. Thời gian qua, nhiều công ty đã rất cố gắng vượt khó, cải thiện kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp... để đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Cơ hội đầu tư vào các công ty này là rất khả quan, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, dịch vụ y tế, giáo dục...

Môi trường đầu tư VN có rất nhiều thuận lợi như lực lượng lao động trẻ, có trình độ kiến thức cao, ham hiểu biết và cầu tiến. Tuy nhiên, để cải thiện niềm tin của nhà đầu tư cần phải chú ý tới những yếu tố thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế VN về mặt vĩ mô, trong đó có vài yếu tố nổi trội như việc giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, tăng hiệu quả đầu tư tại khu vực kinh tế quốc doanh và các khu vực kinh tế khác. Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cũng là yếu tố quan trọng để tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp VN, thu hút dòng vốn đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm.

* Ông HERB COCHRAN (giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ - AmCham tại TP.HCM):

Đón đầu làn sóng đầu tư từ Mỹ

Năm 2013 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, điều quan trọng doanh nghiệp VN cần có một tư tưởng mới đón nhận các làn sóng đầu tư từ Mỹ: bán hàng cho công ty Mỹ chứ không cần bán hàng qua Mỹ. Theo tôi biết, đầu tư FDI của Mỹ vào VN hiện nay nhận được nhiều quan tâm vẫn là ngành dệt may. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ đến VN xây dựng nhà máy hay dần chuyển khâu sản xuất từ nước khác qua VN, ví dụ như thương hiệu Nike, 41% sản phẩm của công ty này sản xuất tại VN, cao hơn cả Indonesia. Tôi nghĩ ngay cả khi Trung Quốc và Ấn Độ tham gia vào thị trường may mặc thì cũng sẽ chọn VN để xây dựng nhà máy vì rõ ràng những lợi thế ở đây hơn hẳn các nước khác.

Dự kiến Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ kết thúc các vòng đàm phán trong năm 2013. Một khi được thực thi, hiệp định sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp của những nước tham gia, trong đó có Mỹ và VN.

* Ông TAKASHI FUJII (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi VN):

VN vẫn là một điểm đến hấp dẫn

Theo tôi, VN vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư Nhật Bản. Mặc dù năm qua kinh tế VN bị ảnh hưởng chung do suy thoái kinh tế thế giới, nhưng tôi tin trong năm 2013 kinh tế VN sẽ dần được khôi phục và đi vào ổn định. Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài vào VN, tôi nghĩ rằng một trong những việc cần làm là hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo hiểm cần phải hoàn thiện khung pháp lý xử lý các vi phạm trục lợi bảo hiểm hiện đang là vấn đề nóng của các doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ nhân công lành nghề cần được đặt trọng tâm để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến VN.

* Ông SỬ NGỌC KHƯƠNG (giám đốc bộ phận đầu tư Công ty Savills VN):

Trung tâm thương mại sẽ hút nhà đầu tư

Một trong những điểm sáng của thị trường bất động sản VN trong năm 2013, theo tôi, là phân khúc trung tâm thương mại bán lẻ sẽ tiếp tục thu hút hơn nữa sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian qua, dù nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng riêng trung tâm thương mại vẫn có chiều hướng phát triển và mở rộng.

Có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường này, đó là GDP đầu người tại VN liên tục tăng trong các năm qua, xu hướng mua sắm nhiều thay vì tiết kiệm nhiều như trước, đặc biệt độ tuổi mua sắm (25-35 tuổi) chiếm đến 60% tổng dân số VN... Có thể nói trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài, VN là thị trường bán lẻ rất béo bở. Hàng loạt thương hiệu lớn nước ngoài đã nhảy vào thị trường VN thời gian gần đây là một ví dụ.

Phân khúc bất động sản du lịch, chủ yếu khách sạn, cũng là một điểm sáng trong năm nay. Dù kinh tế khó khăn nhưng người dân có xu hướng du lịch ngày càng nhiều, chưa kể khách nước ngoài đến VN liên tục tăng trong những năm gần đây. Hai phân khúc còn lại là văn phòng cho thuê và nhà ở, theo tôi, vẫn còn nhiều khó khăn trong năm nay, ít nhất là trong nửa đầu năm 2013. Trong khi giá cho thuê văn phòng liên tục giảm thì các chính sách hỗ trợ người mua nhà giá thấp mà Chính phủ đang triển khai vẫn chưa có nhiều tác động tích cực đến phân khúc nhà ở.

Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp này lại là cơ hội của những doanh nghiệp khác. Đối với các doanh nghiệp trong nước có kế hoạch tài chính dài hạn và những nhà đầu tư nước ngoài, thời điểm này được xem là cơ hội không thể tốt hơn để mua lại các dự án với giá tốt nhất. Từ cuối năm 2012, nhiều doanh nghiệp VN đã bắt đầu mua lại các dự án bất động sản, riêng Công ty Savills cũng tiếp khá nhiều nhà đầu tư từ Hong Kong, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

* Chuyên gia tài chính BÙI KIẾN THÀNH:

Mua bán, sáp nhập sẽ sôi động

Với giá nhiều loại cổ phiếu đang bị ép xuống mức bất hợp lý, dưới giá trị thực, bất chấp doanh nghiệp làm ăn tốt thì đây là cơ hội cho các nhà đầu tư lớn là các doanh nghiệp, tổ chức tài chính tham gia hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có đủ khả năng mua cổ phần, thậm chí mua đứt các công ty ăn nên làm ra. Lĩnh vực ngân hàng sẽ được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, chú ý.

Bên cạnh đó, các đầu tư có khả năng sẽ nhắm đến những doanh nghiệp làm hàng tiêu dùng, có thị trường tiêu thụ nội địa tốt, đã xây dựng được thương hiệu như ngành sữa, bia, nước giải khát.... Hoạt động mua bán cổ phần cũng có khả năng sôi động ở nhóm các công ty xuất khẩu tốt, nhiều tiềm năng phát triển ở các ngành thủy sản, cà phê, tiêu... Đây là những doanh nghiệp hoạt động tốt, thị trường xuất khẩu rộng lớn nhưng gặp khó khăn về vốn.

NH.BÌNH - H.ĐĂNG - B.HOÀN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên