30/01/2013 07:01 GMT+7

Tết Việt - hàng Việt: Tìm đầu ra cho sản phẩm địa phương

DŨNG TUẤN - HÀ ĐỒNG
DŨNG TUẤN - HÀ ĐỒNG

TT - Sáng 29-1, tại TP Thanh Hóa, hơn 20 doanh nghiệp địa phương đã cùng với báo Tuổi Trẻ, Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao và hệ thống Co.op Mart thực hiện buổi tọa đàm “Hàng Việt vào kênh phân phối hiện đại”.

7eWpXlNo.jpgPhóng to
Nhiều sản phẩm của Thanh Hóa lần đầu tiên có mặt ở siêu thị, sau khi Co.op Mart mở chi nhánh tại địa phương này - Ảnh: H.Đồng

Nhân sự kiện Co.op Mart khai trương siêu thị thứ 61 tại TP Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp địa phương đã rất sôi nổi muốn tìm hiểu về cách thức cũng như điều kiện để hàng hóa địa phương có mặt tại siêu thị.

Chật vật phân phối

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Phạm Đức Hải, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng hiện nay hàng hóa trong nước phục vụ người dân không thiếu. Nhưng trăn trở lớn nhất vẫn là làm sao để các doanh nghiệp địa phương kết nối được với các kênh phân phối hiện đại. “Hiện đại có nghĩa là làm sao tốt, nhanh và hàng hóa phải có chất lượng. Mỗi chúng ta ngồi đây hôm nay hãy cùng đề xuất với các nhà quản lý siêu thị, cơ quan chức năng để giải quyết được bài toán đó” - ông Hải nói.

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, xác định phân phối hàng hóa là khâu chính yếu và mang tính quyết định trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đều rất chật vật trong việc tổ chức phân phối hàng hóa. Bên cạnh đó, hàng hóa của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, thua thiệt như chi phí đầu vào, chi phí sản xuất... thường cao hơn hàng hóa các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, vì vậy hàng hóa trong nước đang rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Với những khó khăn đó, việc Co.op Mart có mặt tại Thanh Hóa là đòn bẩy tăng cường phát triển công nghiệp địa phương. Bà Hạnh hi vọng sẽ sớm có cuộc trao đổi thực chất giữa doanh nghiệp địa phương và Co.op Mart để đưa được hàng hóa vào siêu thị. Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao sẵn sàng nhận trách nhiệm hỗ trợ tổ chức các phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp địa phương để nhiều người tiêu dùng biết đến hơn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa, khẳng định nhu cầu của người tiêu dùng với mặt hàng thiết yếu là rất lớn, tuy nhiên điều kiện của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân. Sở đã tham mưu UBND tỉnh để quy hoạch phát triển hệ thống chợ nhằm nâng cao độ phủ của hàng hóa tới được mọi nơi.

Hiện sở rất trăn trở việc phát triển hệ thống phân phối hiện đại làm sao để bình ổn được thị trường. Với sự xuất hiện thêm nhà phân phối Co.op Mart, ông Hùng hi vọng đơn vị này sẽ cung cấp cho người dân những sản phẩm đảm bảo, có chất lượng nhưng phải có giá rẻ phù hợp với người tiêu dùng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, khẳng định luôn sẵn sàng đồng hành cùng sản phẩm truyền thống, làng nghề, sản phẩm của doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn phải đáp ứng đủ những yêu cầu bắt buộc như gửi mẫu sản phẩm, các loại chứng từ có liên quan, bảng giá sản phẩm khi chào hàng... Hệ thống Co.op Mart sẽ lựa chọn dựa trên tiêu chí quan trọng nhất vẫn là chất lượng, tiếp đến là giá cả hợp lý, vừa phải với người tiêu dùng và năng lực của nhà cung cấp. “Nhiều doanh nghiệp khi phân phối cho một siêu thị thì đủ khả năng nhưng khi mở rộng ra phạm vi vùng lại không đủ khả năng và gặp khó khăn trong việc cung ứng” - ông Nhân nhấn mạnh.

Vào siêu thị không quá khó

Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp địa phương có hàng hóa có mặt ở nhiều hệ thống chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng vào siêu thị, đồng thời khẳng định dù phải đáp ứng được các tiêu chí khắt khe nhưng cũng không quá khó.

Bà Lê Thị Minh, giám đốc Công ty sản xuất và cung ứng rau an toàn VRAT, chia sẻ các doanh nghiệp muốn đưa hàng hóa vào siêu thị Co.op Mart trước hết phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề, có các loại hóa đơn, chứng từ liên quan, quan trọng nhất là chứng nhận của các cơ quan chức năng về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm mình muốn đưa vào phải đảm bảo. Siêu thị cũng trực tiếp thực hiện phương pháp thử sản phẩm trước thu hoạch có đạt tiêu chuẩn hay không. Ví dụ, đối với mặt hàng cải xanh, trước thu hoạch một ngày sẽ sử dụng phép thử an toàn xem có đạt tiêu chuẩn quy định hay không. Sau đó mới xem xét đến giá cả của sản phẩm để đi đến ký kết hợp đồng cung ứng.

Mặt hàng bánh bao đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị miền Bắc như Hapro, Metro, Big C, Co.op Mart... ông Trần Huy Liệu - giám đốc điều hành Công ty Phú Mỹ - cho hay để có mặt tại các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp này đã phải chứng minh các loại giấy tờ về vệ sinh an toàn thực phẩm, năng lực của nhà sản xuất... Các loại mẫu sản phẩm đều phải thông qua Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra, kết luận, căn cứ vào đó để chấp thuận hợp tác. Khi đưa vào hệ thống siêu thị rồi, các siêu thị vẫn có thể thực hiện khảo sát lại hàng hóa có đúng như công bố hay không. “Tóm lại, quy trình đưa sản phẩm vào siêu thị rất khắt khe, nhưng nếu làm tốt thì cũng không quá khó khăn” - ông Liệu đánh giá.

Bà Trịnh Thị Phương Loan - chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty CP Dạ Lan - cho biết sản phẩm truyền thống rượu nếp cái hoa vàng Hương Quê của công ty là một trong những sản phẩm đầu tiên của địa phương liên kết được với siêu thị Co.op Mart. Dù là sản phẩm truyền thống, được sản xuất theo các phương pháp đặc trưng nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chọn gạo nếp của bà con miền núi huyện Thạch Thành đến khâu lên men, nấu rượu đều được giám sát, kiểm tra kỹ lưỡng. “Không chỉ có rượu nếp cái hoa vàng, chúng tôi hi vọng sẽ có thật nhiều sản phẩm của doanh nghiệp địa phương, sản phẩm truyền thống có mặt tại kênh phân phối hiện đại” - bà Loan nói.

Người tiêu dùng đã sử dụng hàng Việt nhiều hơn

Ngày 29-1, tại buổi sơ kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Hồng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định chương trình đã từng bước thay đổi được nhận thức của người tiêu dùng và tạo ra sức mạnh lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Đặc biệt, chương trình bình ổn bốn nhóm mặt hàng cũng đã tiếp sức tiêu thụ hàng Việt với gần 5.000 điểm bán hàng bình ổn giá của 49 doanh nghiệp.

Dịp này, ban chỉ đạo trao giải cho 77 tập thể và 31 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó báo Tuổi Trẻ được trao giải tập thể và cá nhân xuất sắc ba năm liền.

DŨNG TUẤN - HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên