Phóng to |
Trao đổi với Tuổi Trẻ nhân dịp đầu xuân, ông Vũ Tiến Lộc nói:
- Mặc dù từ năm 2011 đến nay đã có gần 100.000 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, nhưng len lỏi trong cơn bão ấy mỗi tháng vẫn có trên 5.000 doanh nghiệp thành lập. Riêng tháng 11-2012, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn trên 5.700, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2012 lên 62.794. Tôi cho rằng đây là vốn quý của VN. Nhiều doanh nhân dù khó, khổ vẫn duy trì sản xuất, giữ công nhân, cố gắng vươn lên.
Người mới khởi sự kinh doanh dù biết nếu gia nhập thị trường lúc này sẽ rất khó nhưng họ vẫn nuôi khát vọng làm giàu, năng động, tìm mọi cách vượt khó... Tôi cho rằng đây là những phẩm giá mới của người VN trong thời bình. Nếu biết khơi dậy và tiếp sức dòng chảy trên thì sang năm mới 2013, tin rằng nền kinh tế VN sẽ dần khởi sắc.
"Người Việt Nam vốn lạc quan, khát vọng xóa đói nghèo và tinh thần làm giàu rất mãnh liệt, chỉ cần được đào tạo tốt hơn, có môi trường làm ăn tốt hơn thì những phẩm chất đó sẽ được phát huy" |
* Thưa ông, qua khó khăn mới thấy doanh nhân VN giỏi xoay xở. Nếu không phải tinh thần chịu khó, chịu khổ đó thì có thể con số giải thể, phá sản còn lớn hơn?
- Nếu nói phá sản là sự tàn phá sáng tạo thì đây là khoảng thời gian “tàn phá” cũng như “sáng tạo” nhất từ trước đến nay của nền kinh tế VN. Chúng tôi đồng hành với doanh nghiệp, đã chứng kiến ý chí vượt khó, sáng tạo bất ngờ của doanh nhân. Có người không đủ tiền thuê cửa hàng thì rút vào bán hàng qua mạng.
Có công ty chứng khoán để không sa thải nhân viên đã tận dụng mặt bằng gần khu văn phòng bán đồ ăn nhanh, cà phê để lấy ngắn nuôi dài… Có doanh nghiệp chuyển sản xuất về nông thôn để giảm chi phí, có lãnh đạo công ty ăn mì gói cầm hơi nhưng xuất ngoại để tìm kiếm thị trường. Thậm chí có người chấp nhận vào làm nhân viên công ty khác, tối đi bán thêm quần áo để giữ doanh nghiệp…
Đáng lưu ý là có doanh nghiệp đã nắm được sự khó khăn chung, tự nghiên cứu thị trường và đưa ra mặt hàng mới đánh vào phân khúc giá rẻ nên xuất khẩu được số lượng lớn. Khi các công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài đều cần cắt giảm chi phí, có doanh nghiệp phần mềm nhỏ của VN đã đón đầu, chào những giải pháp sáng tạo giúp tiết kiệm chi tiêu và họ đã trúng những hợp đồng lớn…
Phóng to |
Ông Vũ Tiến Lộc |
* Khó khăn năm 2012 đã cho thấy dù năng động, chịu khó, quyết tâm nhưng doanh nhân khó có thể phát triển nhanh nếu cứ làm theo cách cũ?
- Tôi cho rằng khó khăn kinh tế, đỉnh điểm là 2011-2012, đang buộc doanh nhân phải thay đổi, từ đó sẽ hình thành một thế hệ doanh nhân kinh doanh bài bản hơn. Những năm trước, chúng ta chứng kiến hình ảnh các doanh nhân làm giàu nhờ tài năng thiên bẩm và may mắn trời cho. Họ kinh doanh như đi ra trận, chấp nhận rủi ro, chịu khó, chớp mọi cơ hội để vươn lên.
Một số tận dụng cơ chế xin cho, bắt đầu là xin quota, sau đó xin dự án… Và họ đã trưởng thành cơ bản giống nhau: tích góp, giàu lên từ quyền kinh doanh, từ đất đai, tài nguyên, làm rất nhiều dự án, vay rất nhiều vốn… Phần nhiều trong số họ không chú ý đổi mới quản trị và công nghệ mà nặng về phát triển mối quan hệ. Kết quả, doanh nghiệp của họ có to ra nhưng chưa thật lớn lên. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp kiểu này đều gặp khó khăn.
Nhưng chính trong đợt khó khăn này, chúng ta đang chứng kiến một thế hệ doanh nhân mới, những người chủ yếu vẫn ở quy mô vừa và nhỏ nhưng chú trọng vào tính sáng tạo, sự chuyên nghiệp để khởi nghiệp kinh doanh. Họ âm thầm tránh những cuộc tiếp xúc cửa sau. Họ áp dụng quản trị và công nghệ hiện đại, có chiến lược, tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, cố gắng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… để phát triển.
Phần lớn họ là doanh nhân trẻ, từng du học, làm việc cho công ty xuyên quốc gia hay đã được đào tạo bài bản trong nước, tự tin giao tiếp tiếng Anh với nước ngoài... Họ đang trực tiếp cạnh tranh với thế giới và đang chứng tỏ mình.
* Ý ông muốn đặt vấn đề là ủng hộ cho một thế hệ doanh nhân mới, làm ăn bài bản, chứ không phải tận dụng mọi cơ hội để làm giàu?
- Bắt đầu đổi mới, nền kinh tế phải có người tận dụng tài nguyên, tận dụng mọi mặt bằng để kinh doanh, phát triển theo chiều rộng, chớp lấy mọi cơ hội ngắn hạn. Thế hệ này đã góp phần đưa VN thành nước có thu nhập trung bình.
Đúng ra, giai đoạn phát triển theo chiều rộng, dựa chủ yếu vào gia công lắp ráp, khai thác tài nguyên và nguồn lao động rẻ chỉ nên kéo dài khoảng mươi, mười lăm năm, sau đó chính sách cần đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đi vào chiều sâu, đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn lên các công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng phải nói thật cơ chế của chúng ta những năm qua chưa làm được điều này. Có doanh nhân lúc đầu có chiến lược rất rõ, căn cơ đầu tư vào sản xuất, môi trường kinh doanh lại khiến họ chuyển hướng.
Ví dụ như chúng ta đã khuyến khích phát triển công nghệ thông tin, nhưng cơ chế khuyến khích chưa đủ mạnh khiến một số doanh nghiệp hàng đầu, “bộ não” của ngành công nghệ phần mềm của VN giờ lại đi phân phối, kinh doanh máy tính, điện thoại cho nước ngoài… Và tiền khắp nơi được đổ vào vàng, chứng khoán, bất động sản… bởi lĩnh vực này luôn nóng hầm hập.
Cũng giống như những năm 1980, điều an ủi lớn nhất của giai đoạn hiện nay là tình thế khó khăn đã buộc doanh nhân phải bừng tỉnh và ngộ ra nhiều điều mà trong hoàn cảnh thuận chiều họ không thấy được. Lần này, chúng ta mong khó khăn sẽ là bước ngoặt để VN có một thế hệ doanh nhân mới mạnh hơn, làm ăn bài bản hơn.
* Theo ông, cần làm gì để phát triển thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân mới?
- Thể chế nào thì doanh nhân ấy. Thử hỏi đến nay VN đã có bao nhiêu doanh nghiệp áp dụng công nghệ hàng đầu để có thể cạnh tranh ngang ngửa trên thế giới. Giờ là lúc chính sách phải định hướng và hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng quản trị và công nghệ hiện đại, tăng tích lũy, bỏ xin cho… VN đang đặt nhiệm vụ cải cách doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng tôi mong việc thực hiện sẽ nhất quán để chúng ta có một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, đoạn tuyệt xin cho, thủ tục hành chính rườm rà...
Sức sáng tạo của doanh nhân VN không thua kém các nước xung quanh, vấn đề là môi trường. Khi môi trường kinh doanh trong sáng, những tố chất doanh nhân này sẽ bùng nổ. Người VN vốn lạc quan, khát vọng xóa đói nghèo và tinh thần làm giàu rất mãnh liệt, chỉ cần được đào tạo tốt hơn, có môi trường làm ăn tốt hơn thì những phẩm chất đó sẽ được phát huy. Tôi nghĩ rằng việc có hình thành được một đội ngũ doanh nhân mới hay không sẽ quyết định sự phát triển, hưng thịnh của đất nước.
* Nhân dịp năm mới, ông có mong muốn gì?
- Mong cho khó khăn sẽ sớm qua đi. Chúng ta đang ở thời khắc quyết định sự thịnh vượng sắp tới. VN đã có lớp doanh nhân bật lên từ những năm đầu đổi mới. Dù bắt nguồn từ sự lựa chọn tự nguyện, từ khát vọng kinh doanh của mình hay là từ hoàn cảnh bất đắc dĩ - trở thành doanh nhân để tự cứu mình khi khu vực nhà nước thu hẹp lại - thì thế hệ doanh nhân đó đã hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần hình thành những nền tảng đầu tiên của nền công nghiệp và dịch vụ nước nhà. Họ là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta.
Hiện nay, phần lớn trong số họ đang âm thầm tự đổi mới, “lột xác” để trở thành nhà kinh doanh mới, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, có sức cạnh tranh bền vững hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất vui mừng trước sự gia nhập thị trường của đông đảo những doanh nhân còn rất trẻ, có lý tưởng, khát vọng cao, sẵn sàng hội nhập thế giới với tinh thần cùng thắng “win win”, chú trọng tính sáng tạo và công nghệ… thay vì lựa chiều theo các quan hệ...
Hãy tin và cổ vũ cho họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận