Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo phải có những bước đi thận trọng và cần được giám sát chặt.
Phóng to |
Các nhà đầu tư đến giao dịch tại sàn chứng khoán SSI, TP.HCM sáng 10-1 - Ảnh: T.T.D. |
Một số chuyên gia cho rằng nhiều công ty đại chúng hiện nay vẫn còn tỉ lệ room trống dành cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) khá lớn, chỉ một số ít doanh nghiệp hết room nhưng đều rơi vào các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế như ngân hàng, thực phẩm, rượu bia, nước giải khát...
* Ông Nguyễn Hoàng Hải (tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN - VAFI):
Sẽ hấp dẫn nhà đầu tư
Theo tôi, việc cho phép tham gia sâu vào doanh nghiệp hơn nữa chắc chắn sẽ hấp dẫn các NĐTNN.Trong thực tế, đã có nhiều thương vụ NĐTNN đổ hàng ngàn tỉ đồng vào các doanh nghiệp (không niêm yết) có tiềm năng, ngay cả khi doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ hoặc nằm trong lĩnh vực được xem là khó khăn nhất hiện nay như vật liệu xây dựng. Trường hợp nhà đầu tư Indonesia đầu tư 230 triệu USD (khoảng 4.700 tỉ đồng) để mua 70% cổ phần của Công ty Ximăng Thăng Long và một tập đoàn đầu tư Thái Lan rót 5.000 tỉ đồng mua lại 85% vốn của Công ty CP Prime Group (Vĩnh Phúc) vào cuối năm 2012 là những ví dụ. Ai cũng biết ngành ximăng hiện nay đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp ximăng (trong đó có ximăng Thăng Long) làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất nhưng NĐTNN vẫn rót vốn vào.
Do đó, tôi tin rằng một khi chúng ta nới room, không chỉ những doanh nghiệp làm ăn tốt mà cả những doanh nghiệp làm ăn kém ở những lĩnh vực tiềm năng cũng có thể thu hút thêm vốn nước ngoài.
* Ông Hoàng Thạch Lân (giám đốc môi giới Công ty chứng khoán MHBS):
Phụ thuộc vào chất lượng “hàng hóa”
Đối với các doanh nghiệp niêm yết đã hết room cho khối ngoại, việc nới room chắc chắn sẽ thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài đổ vào. Một phần do hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp này khá tốt, nhưng mặt khác là các khoản đầu tư trước đây vào những doanh nghiệp này hiện đang bị thua lỗ vì giá cổ phiếu giảm, họ đổ vốn vào để bình quân giá cổ phiếu. Do đó, về lý thuyết mà nói, nới room sẽ không chỉ tốt cho bản thân các doanh nghiệp, cho thị trường chứng khoán mà tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, tôi không kỳ vọng việc nới room sẽ thu hút mạnh dòng vốn nước ngoài. Bởi thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp niêm yết hầu như không được NĐTNN quan tâm. Trong đó, không ít ngân hàng niêm yết đến nay vẫn chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài, thậm chí tỉ lệ room tại một ngân hàng hiện nay chỉ có... 0,1%.
* Ông Lê Đạt Chí (trưởng bộ môn tài chính doanh nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM):
Họ chỉ lo bán... nước mắm kiếm lời
Tôi cho rằng việc mở của cho NĐTNN tham gia sâu hơn vào các doanh nghiệp VN chưa hẳn là hoàn toàn tốt. Trong thực tế, hầu hết doanh nghiệp được khối ngoại quan tâm và đổ vốn vào nhiều hiện nay đều thuộc các lĩnh vực thực phẩm, rượu bia, nước giải khát...Mà đây là những lĩnh vực chủ yếu khai thác nguồn lực trong nước.
Như vậy, NĐTNN vào VN chủ yếu là khai thác việc bán... nước mắm, sữa và bia rượu ở VN để thu lợi nhuận rồi chuyển ra nước ngoài. Trong khi cái chúng ta cần là giúp các doanh nghiệp VN cải thiện hơn nữa năng lực quản trị, xa hơn nữa là đem nguồn lực ra bán ở nước ngoài để thu ngoại tệ về thì tôi chưa thấy. Nếu bây giờ chúng ta tiếp tục nới room, tôi e rằng nhiều lĩnh vực cốt yếu của nền kinh tế VN sẽ rơi vào tay nước ngoài, thua thiệt vẫn là chúng ta.
* Chuyên gia Đinh Thế Hiển:
Không hẳn tốt cho chứng khoán
Việc nâng tỉ lệ sở hữu của NĐTNN vào các công ty niêm yết, ngân hàng thương mại là điều phải làm khi hội nhập. Nhưng trong quá trình đó, tỉ lệ sở hữu bao nhiêu lại phải thực hiện từng bước một. Trong giai đoạn các doanh nghiệp VN chưa đủ năng lực để hội nhập hoàn toàn thì việc mở room ra nhiều chưa chắc đã tốt. Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, khi các NĐTNN vô nhiều, họ hoàn toàn có thể thực hiện các bước thao túng, kiểm soát doanh nghiệp. Khi đó chúng ta sẽ mất nhiều công ty, kể cả những công ty nhà nước đã cổ phần hóa.
Nhưng ở góc độ của nhà đầu tư chứng khoán, họ lại muốn NĐTNN vào nhiều để có thêm một nguồn tiền mua cổ phiếu, từ đó tăng cầu, giúp tăng giá chứng khoán. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn vốn vào chứng khoán nhiều hay ít lại không quá phụ thuộc vào room cho NĐTNN, mà còn có nhiều nguồn vốn khác có thể hướng vào thị trường chứng khoán.
* Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành:
Phải quản lý chặt chẽ
Việc nới room cho NĐTNN tham gia thêm vào các ngân hàng, công ty niêm yết đã được tính đến từ khá lâu, nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn đang bàn. Hiện có nhiều ngân hàng thương mại yếu kém. Ở những ngân hàng “sắp chết” thì chúng ta giới hạn để làm gì? Cứ để cho NĐTNN vào mua, có vốn để khôi phục, phát triển lên.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải thận trọng, quản lý thật chặt chẽ nếu nới room cho NĐTNN. Liệu pháp nới room này nên xét hiệu quả về lâu dài. Đừng mong nó sẽ cứu được thị trường chứng khoán. Giá chứng khoán có lên hay không phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế. Kinh tế cứ lình xình, doanh nghiệp đình đốn như hiện nay thì không có cách nào khôi phục được sức khỏe của thị trường chứng khoán cả. Vì thế, quan trọng là làm sao để doanh nghiệp có vốn, điều kiện sản xuất, kinh doanh tốt.
* Ông Huỳnh Anh Tuấn (tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán SJCS):
Sẽ có thêm nguồn lực giải quyết nợ xấu
Hiện nay doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư 100% ở nhiều lĩnh vực, chứng khoán cũng có doanh nghiệp niêm yết 100% vốn nước ngoài. Do đó, việc giữ room chỉ có ý nghĩa với một số lĩnh vực. Trong khi đó, điều quan trọng nhất hiện nay là chúng ta đang cần tiền để giải quyết nợ xấu. Việc mở room sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn nước ngoài vào VN nhiều hơn, không những góp phần giải nợ xấu, mà còn giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để đầu tư, thanh khoản chứng khoán cũng sẽ tốt hơn.
Nhưng việc nới room cho NĐTNN chỉ mới là điều kiện cần để hỗ trợ chứng khoán, chất lượng “hàng hóa” mới là điều quan trọng. Có nhiều NĐTNN đang chờ đợi mua cổ phiếu của một số doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận