04/01/2013 03:02 GMT+7

Mệt mỏi với sức mua

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TT - Kết thúc Giáng sinh và Tết dương lịch, bà Q.T. - giám đốc một thương hiệu thời trang có tiếng của TP.HCM - không giấu được nỗi buồn khi năm cửa hàng tại thành phố chỉ bán được vỏn vẹn khoảng 1.200 sản phẩm, trị giá chưa tới 50 triệu đồng.

dlAcRtHd.jpgPhóng to

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sức mua dịp Tết Nguyên đán sẽ cải thiện - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

“Đây là năm đầu tiên doanh số sụt giảm thảm hại, chỉ bằng 1/10 so với cách đây hai năm dù chúng tôi đã chủ động giảm 50% nguồn hàng so với năm ngoái” - bà Q.T. nói. Với doanh số chưa tới 50 triệu đồng của năm cửa hàng, chi phí thu được suốt một tháng bán hàng chẳng bù cho kinh phí trang trải mỗi ngày ở từng cửa tiệm. Ế ẩm ngay trong mùa mua sắm không phải là chuyện riêng trong hệ thống của bà Q.T.. Hàng loạt mặt hàng thời trang khác như giày dép, giỏ xách, mỹ phẩm cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi người đi ngắm lướt qua một vòng xong đi... ra là chủ yếu!

Trong ba thời điểm bán hàng lớn nhất trong năm là Giáng sinh, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán thì có hai cơ hội đã trôi qua. Các doanh nghiệp đã kỳ vọng theo từng mùa vụ bán hàng, từ dịp lễ 30-4 kéo dài đến nay, nhưng thất vọng chỉ toàn thất vọng. Sức mua quá kém, bất chấp họ đã nỗ lực làm đủ mọi cách, từ khuyến mãi giảm giá, tăng chiết khấu cho đại lý nhượng quyền, chăm sóc khách mua hàng tận tình sau bán hàng, bài trí cửa hàng sinh động, bắt mắt hơn... nhưng chỉ toàn thấy người đi ngắm, chứ ít người hào hứng mở hầu bao chi tiêu rộng tay như các năm trước đây.

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, nói chưa bao giờ sự hoang mang của các doanh nghiệp trong mùa vụ bán hàng năm nay lại nhiều như vậy. “Họ gặp chúng tôi và ngần ngại cho các kế hoạch triển khai bán hàng của mình. Ngay cả sự chuẩn bị hàng hóa đâu đó cũng có tâm lý lo sợ, sợ lại tiếp tục ôm hàng tồn kho, trong khi hàng tồn vẫn chưa giải quyết xong...” - bà Hạnh chia sẻ. Ngay cả doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu hằng ngày, từ nhu yếu phẩm đến các mặt hàng tiêu dùng nhanh, cũng thừa nhận sức mua như đang “thử thách” sức chịu đựng của doanh nghiệp trong thời gian rất dài vừa qua.

Nhưng nói gì thì nói, doanh nghiệp không thể đóng cửa hàng, ngưng sản xuất khi hấp lực thị trường, nhu cầu tiêu dùng của người dân dù có ở mức thấp như thế nào thì cũng phải chi tiêu cho những khoản không thể không dùng tới.

Vấn đề là các sản phẩm của doanh nghiệp đưa ra thị trường có đủ hấp dẫn, đủ sức thuyết phục các bà nội trợ, người tiêu dùng trẻ về chất lượng sản phẩm, độ an toàn sử dụng, khi các yêu cầu về những chuẩn mực chất lượng đối với sản phẩm ngày một nâng cao và khó tính hơn?

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên