08/11/2012 06:05 GMT+7

Chống "bắt nạt" nông dân

TRẦN NGUYÊN (Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao)
TRẦN NGUYÊN (Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao)

TT - “Bắt hết!” - đó là câu trả lời của tiến sĩ Aryuwath Pratumsa, giám đốc dự án đào tạo nông nghiệp xuyên quốc gia của Học viện Mekong MI (Thái Lan), khi trả lời câu hỏi của doanh nghiệp VN trong đợt trao đổi kinh nghiệm tại Thái: “Làm thế nào để đối phó với các thương lái vãng lai, đặc biệt là thương lái Trung Quốc, thu mua nông sản theo kiểu bắt nạt người nông dân?”.

Thoạt nghe thì thấy kỳ lạ, nhưng thực tế nền nông nghiệp của Thái Lan chứng minh họ đã làm đúng, làm hiệu quả và làm một cách đơn giản vô cùng tận trong việc bảo vệ nông dân và nền nông nghiệp của mình.

Chuyện thương lái Trung Quốc đổ sang thu mua nông sản giá cao làm các doanh nghiệp trong nước bị thiếu hụt nguồn hàng để sản xuất, khiến nông dân ồ ạt tranh bán, tranh nhau trồng các loại nông sản theo yêu cầu của thương lái xứ người rồi sau đó lâm vào cảnh người mua chẳng thấy đâu, còn hàng hóa chất đống, giá cả rớt thê thảm... Vậy mà cứ vài ngày lại có tin thương lái Trung Quốc tranh mua món này, món kia, neo đậu ghe tàu chật cả các nhánh sông. Lâu lâu báo chí lại đăng cảnh nông dân khổ sở vì dừa không ai mua, khoai không ai thèm ngó. Những lời hứa ngọt ngào của thương lái Trung Quốc cũng biến mất theo hành tung bí ẩn của họ...

Chúng tôi mang theo nỗi trăn trở của rất nhiều người dân, nhiều cơ quan quản lý nhà nước vốn vẫn lúng túng khi cho rằng: “Thị trường tự do, lại nằm trong khuôn khổ WTO nên mình không thể cấm đoán việc buôn bán được”. Nhưng với lý luận của người Thái thì đơn giản lắm: ai làm ăn phải đăng ký kinh doanh và phải đóng thuế đàng hoàng. Vì vậy cứ hễ có thương lái nhập cảnh bằng đường du lịch mà đi mua nông sản không có giấy phép đăng ký thì là phạm luật và sẽ bị “mời lên trụ sở dùng trà” và bị trục xuất ngay khỏi quốc gia này.

Còn nếu họ muốn lách luật bằng cách nhờ người địa phương đứng tên làm bình phong thì cơ quan quản lý địa phương sẽ đi tiếp nước cờ thứ hai: kiểm soát thuế. Thuế kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân, và một đống hồ sơ giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ, kiểm định chất lượng... cần có nếu muốn xuất ra nước ngoài. “Đâu có vấn đề gì với WTO hay tự do thương mại, đây là những yếu tố pháp luật cơ bản nhất thôi mà, quan trọng là mình có quản lý nghiêm hay không” - ông Aryuwath Pratumsa vừa giải thích vừa kéo một anh nông dân có trang trại trồng chuối đến làm minh chứng.

Anh Arkhom Kongkarean, chuyên trồng chuối xuất đi Nhật Bản ở vùng Thayang, cho biết: “Cũng có thương lái tới mua nhưng chúng tôi không bán dù giá cao vì đã có hợp đồng bao tiêu ổn định. Chúng tôi còn báo cáo lên hợp tác xã để phối hợp với chính quyền địa phương xử lý mấy người này, không cho họ phá hoại nền nông nghiệp của chúng tôi”.

Hóa ra lời giải của bài toán này thật đơn giản, và người Thái nhìn nó cũng giản đơn không kém. Ở xứ mình đâu phải không có hành lang pháp lý này, đâu phải thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, từ chính quyền xã đến công an huyện, đến quản lý thị trường tỉnh, đâu đâu cũng có người của bộ máy công quyền, chỉ là mọi người bị lúng túng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Nói vậy, tự dưng dấy lên một âu lo là cứ có vấn đề gì liên quan đến thương lái nước ngoài là chúng ta rơi vào một sự lúng túng, hay một nỗi sợ hãi mơ hồ: liệu có vi phạm gì đó WTO hay không? Và những người gánh chịu hậu quả của sự lúng túng do chưa được trang bị đầy đủ kiến thức này chính là nông dân. Nó còn làm giật mình hơn khi nghĩ đến việc thị trường chung Đông Nam Á - Trung Quốc theo hiệp định ACFTA đang dần cán mốc thực thi, tức là cái ngày mà cánh cửa buôn bán lại càng rộng mở hơn giữa những quốc gia trong vùng.

TRẦN NGUYÊN (Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên