Hội thảo Phan Bội Châu, Asaba Sakitaro tại Nhật Bản:
Hội thảo do báo Mainichi phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và thành phố Fukuroi (tỉnh Shiziuka) tổ chức.
Hơn 200 đại biểu là các nhà sử học, nhà chính trị, nhà báo và doanh nhân Nhật Bản tham dự.
Phóng to |
Quang cảnh hội thảo Phan Bội Châu ngày 5-11 tại ĐH Waseda - Ảnh: V.TR. |
Theo ông Harada Hideyuki (thị trưởng Fukuroi), Phan Bội Châu sớm nghĩ muốn xây dựng đất nước và chống lại đế quốc Pháp thì phải có tri thức nên đã đưa gần 200 trí thức yêu nước sang Nhật học tập về khoa học tự nhiên lẫn kỹ thuật quân sự từ năm 1905. Tại đây, Phan Bội Châu và du học sinh Việt Nam đã được bác sĩ Asaba Sakitaro giúp đỡ rất nhiều bởi ông cảm kích việc làm vì đất nước, vì dân Việt Nam.
Ông Asaba Sakitaro đã dành số tiền khá lớn lúc bấy giờ là 1.700 yen (lương công chức lúc này chỉ có 10 yen/tháng) để hỗ trợ các du học sinh. Sau đó, từ áp lực của Pháp, năm 1908 Phan Bội Châu và nhiều du học sinh đã về nước rồi sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động cách mạng. Một số người ở lại cũng được ông Asaba Sakitaro giúp đỡ. Đến năm 1910 ông bị bệnh mất. Hai người mất liên lạc nhau từ đó.
Mãi đến năm 1925, Phan Bội Châu mới có dịp trở lại Nhật và tìm đến tận làng quê ông Asaba Sakitaro sinh sống (Fukuroi hiện nay) để viếng thăm và lập bia tưởng niệm bày tỏ lòng biết ơn. Nhiều người dân Fukuroi cũng đã góp tiền cùng Phan Bội Châu xây dựng bia. Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro chính là những người đặt nền móng cho quan hệ Nhật Bản - Việt Nam sau này. Những năm qua người dân thành phố này tiếp tục giúp đỡ và cho du học sinh Việt Nam ở nhà họ để nghiên cứu, học tập. Riêng năm 2012 có 21 người Việt Nam đến đây ở.
Ông Ohtake Kenichiro (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nhật Bản) nói Việt Nam là quê hương thứ hai của ông. “Ai chưa đến Việt Nam thì tôi khuyên nên đi. Việt Nam là một điểm sáng mà người Nhật luôn ấn tượng” - ông Ohtake Kenichiro nói.
Còn ông Asahina Yutaka, tổng giám đốc báo Mainichi, nói Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ lâu đời, từ thế kỷ 16-17. Mối quan hệ đó giờ đã được nâng lên tầm cao mới, thân thiết hơn. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu để đầu tư vào Việt Nam. “Đã có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư ở đó và rất thành công. Với các doanh nhân ngồi ở đây, các bạn đừng để lỡ chuyến xe”.
Phát biểu tại hội thảo, đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng nói năm 2013 hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng thực tế mối quan hệ đó đã có từ 400 năm trước, đặc biệt từ năm 1905 với nền móng quan hệ giữa Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro. Hiện Nhật Bản giữ vị trí số 1 trong những nước cung cấp vốn ODA song phương cho Việt Nam, cũng là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.
"Khó có một nước nào có mối quan hệ, hợp tác với Việt Nam vừa thân thiết, hữu nghị, hiệu quả và đối tác chiến lược thật sự của nhau như Nhật Bản", đại sứ Đoàn Xuân Hưng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận