06/09/2012 04:06 GMT+7

Gỡ khó cho nền kinh tế: 5 giảm, 2 tăng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Tại buổi tọa đàm về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp và xây dựng năm 2012 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 5-9, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có những giải pháp đột phá mới.

NchVts4F.jpgPhóng to
Lãi suất cao, hàng tồn kho tăng đang là gánh nặng với nhiều doanh nghiệp - Ảnh: Đình Dân

Dẫn số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Phạm Ngọc Lâm - phó vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng Quốc hội) - cho biết trong sáu tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hơn 14%, số doanh nghiệp giải thể và phá sản gần 11%, hơn 15% số doanh nghiệp không tìm thấy địa chỉ hoặc mất tích, 18% doanh nghiệp giảm quy mô kinh doanh... Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng cho biết đang có khoảng 86.000 doanh nghiệp không còn hoạt động dù chưa làm thủ tục phá sản, giải thể. Tồn kho của doanh nghiệp nhỏ và vừa lên tới 48,5%.

“Cả nước có hơn 600.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ gần 400.000 nộp thuế, khai báo thuế, như vậy hơn 200.000 doanh nghiệp kia ở đâu? Ai cũng bảo Tập đoàn Dầu khí rất mạnh, nhưng kiểm toán xong thì đứng đầu bảng nợ với trên 70.000 tỉ đồng. Có những doanh nghiệp nhà nước nợ gấp hơn mười lần vốn chủ sở hữu” - TS Mai Xuân Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nói.

“Tình hình rất khó khăn. Mọi người đặt câu hỏi là đã xuống đáy chưa? Tôi thì đặt câu hỏi là xuống đáy rồi thì có đi lên được không, hay cứ nằm ở đấy? Cá nhân tôi cho rằng chưa có dấu hiệu đi lên” - TS Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, bình luận. TS Mai Xuân Hùng thì cho rằng nền kinh tế VN hiện nay vẫn chưa xuống đáy.

Ông Cung cho rằng khẩu hiệu cần đưa ra là “Không phải là cứu doanh nghiệp mà là cứu nền kinh tế”. Theo ông Cung, phải đổi mới triệt để thể chế kinh tế hiện nay thì mới giải quyết được vấn đề. “Phải loại bỏ được kinh tế thu tô (chạy theo và lợi dụng các mối quan hệ thân thuộc, xin - cho để trục lợi, độc quyền, lạm quyền, lợi ích nhóm...)” - ông Cung nói. Theo ông, cần giảm thuế, giảm phí chứ không thể tăng lên; giảm can thiệp hành chính; giảm độc quyền, giảm và bỏ các ưu tiên, ưu đãi hay quyền đặc biệt đối với tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước; tăng minh bạch và tăng giám sát.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên