29/08/2012 08:01 GMT+7

Lúa giống Trung Quốc chỉ để làm... bánh

VÂN TRƯỜNG thực hiện
VÂN TRƯỜNG thực hiện

TT - Xung quanh việc các tỉnh phía Bắc phụ thuộc khá nhiều lúa giống của Trung Quốc, Tuổi Trẻ đã trao đổi với tiến sĩ Phạm Văn Dư - cục phó Cục Trồng trọt.

woigBQQP.jpgPhóng to
Nông dân huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) gieo sạ vụ thu đông 2012 bằng giống thuần Việt - Ảnh: Tr.Giang

Ông Dư nói: Trước đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng có chủ trương trồng thử lúa lai vì giống này có năng suất cao hơn lúa thuần trung bình 1 tấn/ha. Giống lúa lai Trung Quốc được chọn trồng vì phù hợp điều kiện khí hậu ở đây. Sau một thời gian, người dân thấy năng suất cao nên cũng thích trồng lúa lai Trung Quốc.

* Vì sao Bộ NN&PTNT không đẩy mạnh nghiên cứu để có giống lúa lai VN cung cấp cho dân mà phụ thuộc Trung Quốc?

- Ở các tỉnh phía Bắc có vài trung tâm nghiên cứu nhưng đây là công việc khó, đòi hỏi cần thêm sự đầu tư và thời gian mới có được giống lúa lai ưng ý.

* Thay vì trồng lúa lai Trung Quốc, vì sao không khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng lúa thuần Việt?

- Có chứ. Giống lúa thuần Việt có rất nhiều ưu điểm, được sản xuất khá nhiều. Trong khi đó lúa lai có nhiều nhược điểm như: khí hậu phía Nam bán nhiệt đới không phù hợp, nếu có chỉ có thể là lúa lai của Ấn Độ. Tuy nhiên Cục Trồng trọt có định hướng đặt hàng nghiên cứu tìm giống lúa lai phù hợp với điều kiện khí hậu miền Nam và phải cải thiện chất lượng để sản xuất, cao nhất chỉ 100.000-150.000 ha.

* Cục có khuyến khích nông dân trồng lúa lai không?

- Cục đã nói rõ với doanh nghiệp cung cấp giống lúa lai muốn trồng thử ở phía Nam phải đảm bảo các tiêu chuẩn như đã nêu. Việc này do nông dân tự chọn, quyết định. Nếu có hợp đồng bao tiêu thì trồng được vì giống lúa lai cho năng suất cao.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh (viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long):

Lúa lai Trung Quốc dở hơn cả IR50404

- Cần phải nói rõ lúa lai Trung Quốc chủ yếu trồng ở một số địa phương phía Bắc có điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đây là giống thế hệ F1 sản xuất chỉ để ăn chứ không thể làm giống gieo sạ tiếp được. Nếu nông dân không biết mà đem gieo sạ thì lúa sẽ không có hạt, cũng giống như tình trạng bắp không hạt. Giống lúa ưu thế lai trước đây có thử nghiệm vài nơi ở vùng nước mặn, sản xuất theo mô hình tôm - lúa ĐBSCL nhưng không phù hợp nên đã chết yểu hết.

Giống lúa lai Trung Quốc có chất lượng rất kém, chủ yếu để giải quyết vấn đề thiếu ăn ở một vài nơi. Chất lượng gạo này thua xa giống lúa kém nhất ĐBSCL là IR50404, nên chắc chắn người dân ở đây sẽ không bao giờ ăn mà chỉ làm bánh hoặc thức ăn chăn nuôi.

Vựa lúa ĐBSCL hiện nay có hơn 1,6 triệu hecta sản xuất 3 vụ/năm, cung cấp tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm và hoàn toàn không có hạt lúa lai Trung Quốc nào. Vùng này chỉ sản xuất lúa giống thuần, tức là sau khi thu hoạch có thể lấy lúa làm giống cho vụ sau nữa vẫn được. Nói một cách thẳng thắn, giống lúa ưu thế lai Trung Quốc không có chỗ ở vựa lúa ĐBSCL.

VÂN TRƯỜNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên