19/06/2012 05:14 GMT+7

Khi chế biến dừa độc một món

VÂN TRƯỜNG - THÚY HẰNG
VÂN TRƯỜNG - THÚY HẰNG

TT - Từ đầu năm đến nay giá dừa liên tục giảm và đến giữa tháng 6 này chỉ còn khoảng 800 đồng/trái dừa khô nhưng bán cũng không có người mua.

“Chúng tôi như tát nước giữa biển”Nông dân Bến Tre ồ ạt chặt dừa

yPexA9hg.jpgPhóng to

Vựa dừa của bà Trần Thị Chức ở xã Phú Vang, huyện Bình Đại (Bến Tre) tồn đọng hơn 120.000 trái dừa - Ảnh: NGỌC TÀI

Hàng trăm ngàn hộ dân trồng dừa ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long đang “chết đứng” vì không có thu nhập để lo cho con cái đi học và lo cái ăn cái mặc hằng ngày. Vấn đề cần đặt ra là vì sao họ bị đẩy vào hoàn cảnh bi đát này?

Chế biến kiểu “độc canh”

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 17 doanh nghiệp (DN) chế biến cơm dừa nạo sấy. Trong đó có một DN chế biến sữa dừa và hai DN chế biến bột sữa dừa. Ông Nguyễn Trúc Sơn, giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre, nói: “Cả tỉnh không có DN nào sản xuất dầu dừa tinh (VCO). Việc “độc canh” sản xuất cơm dừa nạo sấy dễ làm DN bị tổn thất khi Indonesia, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc tăng sản lượng và cạnh tranh về giá”.

Ông Sơn đưa ra số liệu cho thấy Philippines xuất khẩu dầu dừa chiếm đến 76% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Đây là sản phẩm có giá trị lớn nhưng VN lại không đầu tư sản xuất mặt hàng này. Trong khi đó cơm dừa nạo sấy là mặt hàng quá phổ biến, sức cạnh tranh không lớn, giá trị xuất khẩu cũng thấp. Philippines xuất khẩu cơm dừa nạo sấy chỉ đạt 18,7% kim ngạch xuất khẩu, thua xa dầu dừa. Còn nước láng giềng Thái Lan đã chế biến mấy trăm sản phẩm từ dừa, trong đó có những sản phẩm giá trị cao như: sữa dừa, bột sữa dừa, nước dừa đóng lon, thực phẩm ăn liền có thành phần cốt dừa... Họ sản xuất các sản phẩm này trong cùng một nhà máy nên trường hợp sản phẩm này thị trường tiêu thụ “có vấn đề” thì cũng còn những sản phẩm khác bù lại.

Quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre, ngành sản xuất, chế biến dừa ở Bến Tre thời gian qua quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nhưng chỉ xuất khẩu sản phẩm thô. Năm 2011 thương lái Trung Quốc đến Bến Tre mua tới 100 triệu trái dừa (chiếm khoảng 25% sản lượng dừa toàn tỉnh), nhưng hiện nay họ chỉ mua khoảng 20% so với năm 2011 và chỉ mua dừa loại 1 nên nông dân gặp khó ngay.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay Sri Lanka chào giá cơm dừa nạo sấy xuất khẩu rất thấp, chỉ có 1.000 USD/tấn trong khi năm 2011 trên 2.000 USD/tấn. Do các DN ở VN không có các mặt hàng độc đáo khác bù đắp cho cơm dừa nạo sấy nên bị tổn thất rất lớn khi các nước khác cạnh tranh quyết liệt. Hiện tại giá cơm dừa nạo sấy của Philippines vẫn ở mức 2.200 USD/tấn, dù cạnh tranh khó nhưng họ không lo vì đã có dầu dừa và các mặt hàng cao cấp khác bù đắp.

Ông Trần Văn Huyền, giám đốc Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu BTCO (Bến Tre), cho biết công ty này chỉ sản xuất một mặt hàng cơm dừa nạo sấy, công suất 4.500 tấn thành phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 6 triệu USD. Dây chuyền sản xuất được lắp đặt từ năm 2005 và được cải tiến nhiều lần nhưng cũng không có gì mới mẻ. “Đầu ra đầu vào đều bấp bênh, chưa có kênh để học hỏi, làm chủ công nghệ mới nên DN không mạnh dạn đầu tư công nghệ để sản xuất nhiều mặt hàng mới” - ông Huyền nói.

Và ngại đầu tư

Ông Hồ Vĩnh Sang, chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, khẳng định trong câu chuyện DN chế biến dừa còn yếu kém không phải do ngân hàng không cho vay vốn để đầu tư mà là do nội lực của DN còn yếu. Ông Sang dẫn chứng: “Dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại có giá khoảng 200 triệu USD, nhưng DN không với tới mà chỉ nhắm tới công nghệ chừng 50-100 triệu USD. Vì vậy sản phẩm làm ra chưa đạt đỉnh cao, dù cạnh tranh được nhưng giá bán thấp hơn người ta”.

Ông Trần Văn Đức, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre, xác nhận ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay vốn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhưng thời gian qua các DN không đầu tư nên không vay vốn. Đến nay, các ngân hàng cho vay mua dừa 197 tỉ đồng, vay chế biến dừa 79 tỉ đồng và xuất khẩu dừa 131 tỉ đồng. Tổng cộng dư nợ trên lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu dừa đạt 407 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tài, phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Bến Tre, cho biết đến thời điểm này dư nợ cho nông dân vay phát triển vườn dừa là 787 tỉ đồng, trong đó vay ngắn hạn 721 tỉ đồng, còn lại là trung và dài hạn. Có hơn 31.600 hộ nông dân được vay vốn đầu tư trồng và chăm sóc hơn 21.500ha dừa, chiếm khoảng 40% diện tích dừa toàn tỉnh Bến Tre.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt là Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bến Tre, thực hiện các giải pháp giúp nông dân có vốn đầu tư, sản xuất. Cụ thể là kéo dài thời hạn cho vay đối với những hộ sắp đến hạn trả nợ để họ an tâm đầu tư trồng xen ca cao, bưởi hay chăn nuôi trong vườn dừa để tăng thu nhập.

Theo ông Hồ Vĩnh Sang, ngành dừa VN đi sau các nước khác hàng chục năm nên trình độ về công nghệ chế biến, kỹ thuật trồng dừa, trình độ quản lý... đều thua kém họ. Để đưa ngành sản xuất, chế biến dừa Bến Tre và VN bằng với các nước trong khu vực đòi hỏi phải mất rất nhiều năm nữa. Tuy nhiên, Hiệp hội Dừa cũng đang xúc tiến xây dựng đề án đẩy nhanh tiến độ đầu tư công nghệ sản xuất được nhiều mặt hàng cao cấp hơn để tăng sức cạnh tranh.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre cho biết hiện đang làm việc với các DN từ Nhật và Hà Lan đặt hàng nghiên cứu sản xuất mặt hàng dầu dừa cao cấp. Các nhà máy hiện có trong các khu công nghiệp cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sản xuất các sản phẩm mới. Chẳng hạn, Công ty Định Phú Mỹ đầu tư dây chuyền sản xuất bột sữa dừa, Công ty Việt World đầu tư chế biến nước dừa đóng lon và hộp giấy. Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm từ dừa sang Tây Âu và Mỹ vì đây là thị trường rất ổn định.

VÂN TRƯỜNG - THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên