30/05/2012 06:49 GMT+7

Thiếu linh hoạt, khó vào chợ

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ngày 29-5, tại buổi Tiếp sức hàng Việt - đồng hành cùng các hộ kinh doanh chợ truyền thống diễn ra ở Hà Nội, nhiều hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đã sôi nổi bàn cách đưa hàng Việt vào phân phối...

9nn4GyxV.jpgPhóng to
Hàng Việt bày bán tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đây là chương trình do Hội Hàng VN chất lượng cao, báo Tuổi Trẻ, Công ty Vinamilk tổ chức, thu hút gần 200 tiểu thương đến tham dự.

Muốn vào chợ phải theo phong cách chợ

Ông Trương Hữu Phúc, chủ hộ kinh doanh giày dép ở chợ Đồng Xuân, cho rằng chợ này là điểm trung chuyển hàng hóa đi cả nước, vì vậy Tiếp sức hàng Việt đặt chân vào chợ này là đúng hướng. Nhưng theo ông Phúc, các doanh nghiệp muốn bước chân được vào hệ thống phân phối ở chợ Đồng Xuân, hay chợ truyền thống nói chung thì cần kinh doanh theo cách của chợ.

Chẳng hạn, mua rồi yêu cầu đổi hàng cũng phải chấp nhận. “Chúng tôi gọi điện thoại cũng đặt hàng được, nhận hàng thì ghi giấy nhanh gọn, nếu cứ bắt phải đợi thủ tục rất khó”. Tiểu thương Nguyễn Thị Dung cho rằng nhiều doanh nghiệp VN không thể tiếp cận được kênh phân phối tại các chợ là do “gọi nửa ngày, có khi cả ngày không thấy hàng, trong khi lẽ ra chúng tôi gọi 5 phút thì phải có hàng ngay”.

Phải tin tiểu thương

Là người VN, không lý gì đi buôn hàng nước ngoài. Nhưng hiện nay vẫn phải bán hàng Trung Quốc vì họ có đường dây đưa hàng hóa đến tận bản làng xa xôi. Trên đất nước mình mà họ đưa được như vậy, các doanh nghiệp Việt nên học hỏi. Bán hàng cho các tỉnh chúng tôi cho nợ triền miên, điều này chỉ chợ Đồng Xuân làm được. Nhưng các doanh nghiệp cứ đòi một tháng phải trả tiền thì không được. Chợ đầu mối như chợ Đồng Xuân có uy tín từ lâu với tiểu thương cả nước nhưng các công ty thì chưa thực tin bà con. Các ngành hàng cần tiếp cận bà con, đề nghị làm đại lý, đề nghị làm cam kết không bán hàng giả. Như thế công ty yên tâm, bà con buôn bán cũng yên tâm. Nên tập trung một số ngành hàng tại chợ để bắt đầu.

Hà Thị Ngọc (chủ hộ bán hàng vải, chợ Đồng Xuân)

Chủ cửa hàng giày dép Đào Văn Phú (chợ Đồng Xuân) khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần cạnh tranh trên cả ba mặt: giá cả, mẫu mã, chất lượng chứ không thể chỉ 1 trong 3. Nêu thực tế hàng Trung Quốc thâm nhập nhiều, ông Phú đề nghị doanh nghiệp VN nên cử cán bộ đi thị sát, xem họ làm thế nào. Theo ông Phú, chỉ một mặt hàng của một hãng sẽ rất khó bán nên phải lấy đa dạng hàng từ nhiều nguồn.

Ông Nguyễn Khắc Ngọc, chủ hộ kinh doanh giày dép, cho biết việc hợp tác bán hàng Việt có bốn nhược điểm: hợp đồng ban đầu rất phức tạp; nguồn hàng cung cấp không đầy đủ, đến mùa cần giày thì không có; hàng hóa theo phẩm cấp, giá cả không đa dạng.

Đặc biệt, theo ông Ngọc, hộ kinh doanh luôn gặp vấn đề về vốn: “Chúng tôi không cần doanh nghiệp hỗ trợ vốn nhưng cần vốn lưu động, sáng trao hàng, chiều đòi thu tiền ngay là không được”. Ngoài ra, hàng Việt còn gặp nhiều phức tạp trong phân phối như đưa hàng từ tỉnh về vẫn hay bị công an, quản lý thị trường phạt...

Tâm lý tiêu dùng đang thay đổi

Tại buổi tiếp xúc, rất nhiều chủ hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân và các đại lý hàng hóa ở Hà Nội đều tỏ rõ tinh thần thiết tha với hàng Việt. Ông Nguyễn Khắc Ngọc cho biết đã kinh doanh ngành hàng giày dép trên 20 năm ở chợ Đồng Xuân, nhưng đến nay mới được tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp ngành da giày.

Ông Ngọc đặt câu hỏi: “Tại sao bây giờ mới đến gặp chúng tôi trong khi khách hàng của các hộ kinh doanh ở Đồng Xuân có cả trong Nam ngoài Bắc?”. Theo ông Ngọc, tâm lý người tiêu dùng VN đã thay đổi: “Khách hàng từ Cao Bằng đến Móng Cái nhiều nơi hỏi có giày VN không”. Trong khi đó, các hộ kinh doanh ở chợ Đồng Xuân ít được cung cấp thông tin, chất lượng giá cả hàng Việt.

Chị Thu Nga, chủ sạp hàng vali - đồ du lịch ở tầng 1 chợ Đồng Xuân, khẳng định tại quầy của chị đã có 70% mặt hàng là hàng Việt, tăng nhiều so với trước kia. Nếu trước đây chợ Đồng Xuân được coi “là nơi bán hàng Trung Quốc” thì theo chị Nga, đến nay hàng Việt tại các quầy đều chiếm tỉ lệ áp đảo.

Gần đây, người mua đặt yêu cầu chất lượng cao hơn nên hàng Việt đã trội hơn. “Ngay khách du lịch nước ngoài cũng thích mua hàng Việt vì nhiều sản phẩm Việt đẹp và bền, nhiều mẫu mã hơn” - chị Nga nói. Để hàng Việt “bám rễ” tốt hơn, theo chị Nga, các doanh nghiệp cần sâu sát, đầu tư thời gian hơn cho các đầu mối trung chuyển tại chợ đầu mối. Điều này sẽ giúp tăng hiệu quả bán hàng cũng như giảm được chi phí tạo hệ thống phân phối.

Ông Nguyễn Mạnh Truyền, trưởng phòng kinh doanh Hãng Sunhouse, cho rằng đặc thù ở chợ là tiểu thương gọi phải có hàng ngay. Vì vậy, Sunhouse phải duy trì đội quân riêng luôn sẵn sàng cung ứng hàng và cũng phải chấp nhận ghi tay, trên hệ thống phần mềm chưa hiện xuất hàng ngay cho tiểu thương khi có nhu cầu. “Họ có thể lấy thêm rất nhiều loại hàng trong cùng một đơn hàng cũng phải chấp nhận” - ông Truyền nói.

Ông Hoàng Anh Tuấn, giám đốc kinh doanh chi nhánh Hà Nội của Vinamilk, chia sẻ khó khăn của các nhà phân phối như doanh số không tăng nhưng các chi phí đều tăng. Để hỗ trợ tiểu thương, ông Tuấn cho biết Vinamilk sẽ tăng quảng cáo bề mặt chợ để thu hút người tiêu dùng vào chợ...

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên