Tổng giá trị lên đến 29.000 tỉ đồng.
25.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp
Phóng to |
Cao ốc 203 Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM được một công ty bất động sản thuê mười năm. Nhưng tới năm 2012 do làm ăn khó khăn, công ty này đã trả lại và chấp nhận mất ba tháng tiền đặt cọc hơn 300 triệu đồng (ảnh chụp tối 4-5) - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Hỗ trợ toàn diện
Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 4-5, theo ông Vũ Đức Đam - bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã kết luận tháng này Chính phủ sẽ ban hành tới hai nghị quyết, trong đó có một nghị quyết riêng về hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Ông Đam cho biết qua khảo sát của Bộ Kế hoạch - đầu tư và Phòng Thương mại và công nghiệp VN, lần đầu tiên đã có bức tranh toàn cảnh, chi tiết về thực trạng DN.
Về giải pháp, bà Vũ Thị Mai - thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Chính phủ sẽ cho giãn thuế VAT sáu tháng đối với thuế của tháng 4, tháng 5, tháng 6. Tổng số tiền các DN được giãn lên đến 12.300 tỉ đồng. Thuế thu nhập DN cũng được đề nghị giãn với tổng số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng. Như vậy, các giải pháp giãn thuế sẽ giúp DN tạm thời giảm đóng góp khoảng 16.000 tỉ đồng, riêng thuế thu nhập DN Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho giảm 30%. Với giải pháp giảm chi phí, Chính phủ cũng định hướng miễn thuế với hộ kinh doanh thuế khoán, các hộ cho sinh viên công nhân thuê nhà, kinh doanh suất ăn ca, trông giữ trẻ...
Trên 17.000 doanh nghiệp dừng hoạt động Theo báo cáo tình hình doanh nghiệp bốn tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch - đầu tư, bốn tháng qua đã có 17.735 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, TP.HCM nhiều nhất với trên 5.800 doanh nghiệp, Hà Nội trên 3.500 doanh nghiệp. Lĩnh vực doanh nghiệp giải thể nhiều có xây dựng trên 3.100 doanh nghiệp, chế biến chế tạo trên 2.900 doanh nghiệp, bất động sản 247 doanh nghiệp... Tuy nhiên, trong bốn tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập chỉ khoảng 24.000, giảm trên 10% về số lượng so với cùng kỳ và giảm 14% về vốn đăng ký. Ông Vũ Đức Đam bình luận nhiều ngành giảm số lượng doanh nghiệp đúng vào ngành VN không khuyến khích như: khai khoáng thô, sản xuất thép công nghệ cũ... |
Giảm thu ngân sách khoảng 9.000 tỉ đồng
Tại buổi họp báo, đại diện các bộ đã trả lời những vấn đề liên quan tới gói giải pháp hỗ trợ DN.
* Nhiều ý kiến cho rằng việc giãn giảm thuế thu nhập DN chỉ giúp DN giàu, còn DN lỗ không được hưởng?
- Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Thủ tướng đã kết luận việc hỗ trợ DN phải dựa trên năm nguyên tắc: Thứ nhất phải đảm bảo ổn định vĩ mô, không để lạm phát quay lại, tạo điều kiện sản xuất, mở rộng thị trường. Thứ hai, phải hỗ trợ đúng đối tượng, đúng DN khó khăn. Thứ ba, hỗ trợ nhưng có tính đến khả năng cân đối ngân sách. Thứ tư, hỗ trợ phải phối hợp tốt với điều hành tiền tệ, từng bước giảm lãi suất. Và nguyên tắc rất quan trọng nữa là hỗ trợ phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu DN.
Chúng tôi đánh giá DN khó khăn chủ yếu là DN nhỏ và vừa, DN sản xuất, gia công trong các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, dệt may, da giày, xây dựng hạ tầng, bất động sản... Gói hỗ trợ cũng tập trung vào đối tượng này với đề nghị giãn, giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2012 đối với DN vừa và nhỏ, trừ ngành kinh doanh tài chính, bảo hiểm, xổ số, thu nhập từ sản xuất các mặt hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt... Giãn thuế VAT là cho tất cả DN, chứ không chỉ DN có lãi.
Trước đây ta đã quy định giảm 50% tiền thuê đất với DN sản xuất rồi, nay mở rộng giảm 50% cho DN thương mại và dịch vụ nữa, như thế là tất cả. Chính phủ cũng đã thông qua việc bổ sung 1.000 tỉ đồng giúp đầu tư kiên cố hóa kênh mương, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, giao thông nông thôn... Như thế là gói giải pháp không chỉ hỗ trợ với DN có lãi mà còn tháo gỡ cho nhiều DN, ngành.
* Gói hỗ trợ sẽ ảnh hưởng thu ngân sách thế nào?
- Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Tổng gói hỗ trợ này tác động đến thu ngân sách, sơ bộ khoảng 9.000 tỉ đồng. Vì nhiều biện pháp giãn, giảm thuế nhưng DN vẫn có khoản phải nộp thuế trong năm 2012. Dự kiến chúng tôi sẽ bù đắp khoản hụt 9.000 tỉ đồng bằng các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế... Một phần nữa có thể bù đắp là tăng giá dầu thô.
* Nhiều ý kiến cho rằng cần giảm thuế thu nhập cá nhân nữa để tăng sức mua...
- Ông Vũ Đức Đam: Nếu nhìn vào số liệu do các bộ cung cấp, hàng tồn kho nhiều nhất là ximăng, sắt thép... Một số lĩnh vực khác có tồn kho như quần áo, may mặc... sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phóng to |
Sản xuất tại Công ty quạt điện Asia (TP.HCM). Các doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ để duy trì và phát triển sản xuất - Ảnh: Minh Đức |
Xem lại đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân
* Chính phủ đã quyết lùi thời hạn thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ. Còn các phí hạn chế phương tiện giao thông, phí vào nội ô thì thế nào?
- Ông Vũ Đức Đam: Phí cho quỹ bảo trì đường bộ đã được quy định trong Luật đường bộ, đúng ra phải thực hiện từ trước. Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ phương án thu nhưng xét thấy liên quan đến nhiều người dân, trong khi thời hạn đề nghị thực hiện từ ngày 1-6, rất gấp nên Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện lại, thu từ ngày 1-1-2013.
Với hai loại phí hạn chế phương tiện giao thông, hạn chế ôtô vào nội ô, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có báo cáo thường trực Chính phủ. Thủ tướng đã chủ trì nghe, phân tích. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ hình thành lại đề án, trình lại. Nếu đạt, thường trực Chính phủ mới trình ra Chính phủ. Chính phủ đồng tình mới trình ra Quốc hội và việc thu phí chỉ thực hiện khi Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
* Ngân hàng Nhà nước vừa ra quy định giới hạn trần lãi suất cho vay ở mức 15%/năm. Áp trần cứng liệu Ngân hàng Nhà nước có đảm bảo không tái diễn chuyện lách trần lãi suất?
- Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến: Đưa ra biện pháp như trần lãi suất cho vay là biện pháp hành chính có tính tạm thời. Chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn phải áp dụng và quyết định này cũng phù hợp với tinh thần Chính phủ, giúp giảm khó khăn cho DN. Chúng tôi chỉ quy định mức trần lãi suất, tính ra khoảng 15% cho bốn lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.
Các dự án được vay vốn theo trần trên cũng phải hiệu quả, đảm bảo hoàn trả. Còn khả năng các ngân hàng vi phạm, trên thực tế có thể khó tránh khỏi. Nhưng đây là quy định, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Cơ quan giám sát của chúng tôi sẽ giám sát và sẽ cố ngăn chặn.
* Ông Võ Quốc Thắng (phó chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN): Giúp chưa tới Việc giảm 30% thuế thu nhập DN đối với DN vừa và nhỏ không có tác dụng gì bởi họ có lãi đâu mà nộp. Chưa kể, đây cũng không phải là giải pháp mà DN cần. Cái họ cần là làm sao tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng, đừng để ngân hàng tìm lý do từ chối không cho DN vay. * Ông Huỳnh Văn Minh (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM): Giải pháp còn phân tán Tôi thấy việc giảm 50% tiền thuê đất đối với các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, thương mại và gia hạn thuế VAT có vẻ thiết thực hơn việc giảm 30% thuế thu nhập DN hay giải pháp gia hạn thuế thu nhập DN tối đa hai tháng cho DN khó khăn về tài chính. Nếu được thì tập trung hẳn vào các giải pháp có tính khả thi cao, thay vì cứ dàn trải các giải pháp theo kiểu “cái gì cũng có”, làm mất đi sức mạnh tổng lực. Tuy nhiên, việc giảm 50% tiền thuê đất cũng chưa nói rõ thời hạn giảm là bao nhiêu. Còn gia hạn thuế VAT, tôi nghĩ hay hơn cả là miễn hoặc giảm. Chứ gia hạn thì cũng chỉ là một hình thức để DN chậm trả mà thôi. * Ông Đặng Quốc Hùng (phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM): Bỏ quên doanh nghiệp xuất khẩu Trong các giải pháp của Chính phủ đưa ra tôi thấy chỉ tập trung cho các DN sản xuất trong nước, trong khi các DN xuất khẩu vẫn chưa tìm thấy được sự hỗ trợ cần thiết. Dù biết DN nào được hỗ trợ cũng tốt, nhưng sự thiếu vắng các DN xuất khẩu trong gói giải pháp cũng là một thiếu sót và gây thiệt thòi không ít cho họ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận