Phóng to |
Sản phẩm nhãn riêng được bày bán tại siêu thị Big C, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Các doanh nghiệp cho rằng họ đang bị đẩy vào thế kẹt để buộc chuyển sang làm nhãn hàng riêng cho siêu thị.
Lợi nhuận tiến về không
Mới đây hệ thống Metro Cash & Carry gửi đến một số nhà cung cấp về việc thay đổi thời gian điều chỉnh giá bán. Theo thông báo này, nhà cung cấp muốn điều chỉnh giá bán mới cho siêu thị phải thông báo trước 30 ngày, sau 90 ngày kế tiếp kể từ ngày siêu thị đồng ý thì mức giá mới sẽ được áp dụng. Ông T., giám đốc Công ty thực phẩm S, cho biết quy định này cũng đồng nghĩa với việc từ khi doanh nghiệp chịu biến động giá cả đầu vào của thị trường đến khi được điều chỉnh tăng giá mất ít nhất 120 ngày.
Gần 20 doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ nội địa - Vasep cho biết nếu không đồng ý với điều kiện này có thể họ phải rút hàng ra khỏi siêu thị, hoặc chuyển sang làm gia công nhãn hàng riêng cho nhà bán lẻ. Câu chuyện trên chỉ là giọt nước tràn ly vì thời gian qua doanh nghiệp đã chấp nhận nhiều đòi hỏi của nhà bán lẻ để có thể trụ lại trên kệ hàng.
Nhãn hàng riêng là xu thế tất yếu Ông Pascal Billaud - tổng giám đốc Big C VN - cho rằng nhãn hàng riêng là xu thế tất yếu đối với sự phát triển của kênh bán lẻ hiện đại. Với những thế mạnh và đặc thù riêng, nhãn hàng riêng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các nhà phân phối bán lẻ. Tại nhiều nước, độ phủ nhãn hàng riêng trong siêu thị chiếm đến 80-90% lượng hàng. |
“Năm ngoái chiết khấu sản phẩm 10% thì năm nay tăng 20%, đó là chưa tính các chương trình khuyến mãi giá sốc mà siêu thị thực hiện, mức chiết khấu này phải tăng lên 25%” - ông này nói. Hiện siêu thị còn “phát minh” nhiều loại phí hỗ trợ mới để thực hiện các hoạt động bán hàng hay những khoản thu nhập mà siêu thị có được từ việc cho thuê quầy kệ.
“Nhà bán lẻ cũng có một khoản thu nhập khổng lồ từ việc cho thuê quầy kệ từ 50-60 triệu đồng/đầu kệ, thậm chí hàng kệ để trưng bày trước đây dành cho một số sản phẩm của doanh nghiệp bây giờ cũng phải thuê. Vấn đề là doanh nghiệp buộc phải đưa toàn bộ chi phí này vào giá bán” - giám đốc một công ty hóa mỹ phẩm cho biết.
Cũng chật vật đưa hàng vào bám trụ ở siêu thị, ông Thái Quốc Huy, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thảo Hương chuyên sản xuất đường thốt nốt, cho biết bán hàng ở siêu thị lợi nhuận gần như không có nhưng phải chịu, vì với những thương hiệu mới đứng trên kệ hàng siêu thị là sự đảm bảo cho chất lượng sản phẩm.
Phụ thuộc vào siêu thị
Nhiều doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn nhất khi làm việc với siêu thị chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống phân phối riêng chưa phát triển mạnh nên thường mất thế chủ động trong đàm phán. Ông Châu, phó tổng giám đốc HancoFood, cho rằng một cái khó nữa là thị trường hiện nay có quá nhiều nhà sản xuất trong khi số bán lẻ uy tín lại ít. Điều này dẫn đến doanh nghiệp bị phụ thuộc đầu ra vào một số “đại gia” bán lẻ.
Bà H., phó tổng giám đốc Công ty thực phẩm S, cho rằng nếu đồng ý với thời gian điều chỉnh giá 120 ngày của hệ thống Metro, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện mỗi hệ thống siêu thị có thời gian điều chỉnh giá khác nhau, thông thường 30 ngày, nhưng cũng có siêu thị chỉ cần 10 ngày là có thể áp giá mới. Nếu thời gian điều chỉnh giá giữa các hệ thống quá chênh lệch sẽ làm khó doanh nghiệp. Người tiêu dùng sẽ chạy về siêu thị chưa tăng giá để mua hàng, nhà cung cấp cũng mất uy tín với nhà bán lẻ khác.
“Nếu làm gia công nhãn hàng riêng cho siêu thị, doanh nghiệp không phải trả các chi phí liên quan đến bán hàng như làm catalogue khuyến mãi hay chiết khấu... Nói cách khác, siêu thị đang muốn ép doanh nghiệp làm nhãn hàng riêng cho họ” - bà H. cho biết. Tuy nhiên ông Lương Vạn Vinh, giám đốc Công ty Mỹ Hảo, cho biết nếu gia công nhãn hàng riêng cho doanh nghiệp quá nhiều đồng nghĩa với việc đẩy hàng của chính công ty mình ra khỏi kệ siêu thị.
Đang gia công cho ba siêu thị mặt hàng trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện, giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết khi làm nhãn hàng riêng cho siêu thị công ty chấp nhận mất bớt thị phần, hình ảnh thương hiệu cũng ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng nếu không làm thì doanh nghiệp khác sẽ làm.
Thông tin từ Saigon Co.op cho biết trong năm 2011, hệ thống này đã có thêm 42 mặt hàng nhãn riêng đưa vào kinh doanh, tỉ trọng đạt 3% trong doanh số chung, những sản phẩm có thương hiệu như Co.op Mart, SGC, Lucky... Dự kiến trong năm 2012 Co.op - Mart phát triển thêm khoảng 30 dòng sản phẩm mới, nâng doanh số lên 800 tỉ đồng, chiếm 4% tổng doanh thu của siêu thị. Hệ thống Big C với ba nhãn hàng riêng hướng đến phân khúc giá rẻ, trung bình khá và thu nhập khá tương ứng với nhãn Wow, Big C và Casino, dự kiến doanh thu nhãn hàng riêng chiếm 4-5%/tổng doanh thu so với mức 2-3% như năm rồi. Không chỉ dừng lại nhóm thực phẩm chế biến và hóa mỹ phẩm, chủng loại nhãn hàng riêng mở rộng với tốc độ chóng mặt từ hóa phẩm, mỹ phẩm, nước uống, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận