29/03/2012 08:01 GMT+7

Nên giảm, giãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp

Trần Mạnh
Trần Mạnh

TT - Đó là quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, khi đề cập hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp co cụm, phá sản hiện nay.

Kỳ 1: Nợ dây chuyềnKỳ 2:Dân nhà đất đi bán phở, bán biaKỳ 3: Đồ gỗ, mỹ nghệ... thoi thóp

H9S22mj2.jpgPhóng to
Ông Vũ Tiến Lộc - Ảnh: C.V.K.

- Doanh nghiệp VN hiện nay sức cạnh tranh giảm một phần vì thương hiệu chưa mạnh, năng lực quản trị chưa cao nhưng chủ yếu là do chi phí đầu vào, lãi suất cao, thị trường đầu ra khó khăn... Phải khẳng định rằng nhiều doanh nghiệp có chiến lược, ý tưởng kinh doanh tốt... Nếu có cơ chế hỗ trợ hiệu quả, những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể phát triển lớn hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Giảm thuế cho doanh nghiệp sản xuất

Sắp tới, chúng ta cần có chính sách hướng doanh nghiệp vào phát triển sản xuất. Cụ thể là phát triển công nghiệp hỗ trợ, trở thành một mắt xích trong sản xuất của các tập đoàn lớn. Cần có cơ chế ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất ở lĩnh vực chúng ta ưu tiên chứ không nên đánh đồng hạng. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo lộ trình của Bộ Tài chính có thể tính toán áp dụng sớm hơn theo nguyên tắc trên để khuyến khích sự phát triển.

* Các biện pháp gỡ cho doanh nghiệp thời gian qua còn khá chung chung. Thưa ông, cần những giải pháp cụ thể nào để tăng hiệu quả?

- Các giải pháp tháo gỡ cần tập trung vào những cái khó nhất của doanh nghiệp, đó là thanh khoản và thiếu vốn. Với lãi suất cho vay hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn doanh nghiệp đều cho rằng quá sức của họ. Có hiện tượng doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng thừa tiền nhưng không cho vay được.

Lý do một phần vì doanh nghiệp rất khó chứng minh tính hiệu quả của dự án trong điều kiện thị trường khó khăn như hiện nay. Chính quyền các cấp cần vào cuộc mạnh mẽ, năng động hơn. Tôi thấy cách làm của Đà Nẵng khá hay, đó là chính quyền tổ chức gặp gỡ, đánh giá các dự án lớn xem dự án nào hiệu quả, cần thiết cho sự phát triển kinh tế địa phương, từ đó giới thiệu cho các ngân hàng, giãn một số nghĩa vụ... giúp doanh nghiệp tiếp tục thực hiện được dự án, không lâm vào khó khăn.

* Bên cạnh đó cần có cơ chế yêu cầu các ngân hàng tập trung cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn, chứ hiện nay nói ưu tiên nhưng thực chất ngân hàng chỉ thích cho vay dự án lớn?

- Từ lâu ta đã yêu cầu cần ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng một số ngân hàng vẫn thích cho vay dự án lớn hơn vì sẽ giảm chi phí thẩm định dự án. Theo tôi, chúng ta cũng cần giám sát, theo dõi chặt về số lượng doanh nghiệp được tiếp cận vốn của ngân hàng. Có như thế các doanh nghiệp vừa và nhỏ với sự năng động và hiệu quả sử dụng vốn cao mới có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn và tăng sự sinh động, tạo động lực cho nền kinh tế.

Ngoài ra, hiện nay một số ngân hàng như Ngân hàng Phát triển VN đã có cơ chế bảo lãnh vay vốn, một số quỹ bảo lãnh tín dụng cũng đã hình thành. Khi có bảo lãnh, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong vay vốn các ngân hàng thương mại. Việc này đã làm một thời gian nhưng không phát triển được bởi quy mô của bảo lãnh so với nhu cầu còn quá nhỏ bé. Tôi nghĩ cơ chế này cần nghiên cứu, hoàn thiện để phát triển hơn trong thời gian tới.

* Hiện nay, có nhiều biện pháp hỗ trợ đã được đưa ra như giãn thuế, giảm lãi suất... nhưng mức hỗ trợ phải thật sự ý nghĩa hơn?

- Trong tình hình lạm phát cao hiện nay, bên cạnh giảm lãi suất, tôi cho rằng Chính phủ cần ưu tiên các giải pháp về giãn, giảm thuế, phí, các khoản đóng góp khác cho ngân sách... Tiềm năng, dư địa cho giãn, giảm thuế vẫn còn và nên tính toán tiếp tục ưu tiên thực hiện biện pháp này. Bởi theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách năm 2011 của ta vẫn vượt kế hoạch khá lớn. Nếu Nhà nước giảm thu, doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì sau này nguồn thu sẽ được củng cố, tăng cường, giúp thu được nhiều hơn trong tương lai.

* Ngoài việc giãn, giảm thuế, doanh nghiệp còn cần nhiều hơn sự chia sẻ từ Nhà nước để vượt qua khó khăn?

- Tôi cho rằng chính quyền địa phương có thể tính toán để giãn một số nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp. Ví dụ giãn nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, các khoản tiền phải thực hiện khi tham gia các dự án, giảm thời gian chờ đợi hoàn thuế cho doanh nghiệp... Nhà nước cũng nên cố gắng không tăng thêm các loại phí, tránh tiếp tục tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tăng tính thanh khoản, giảm vay ngân hàng, nhờ đó bớt khó khăn...

Ngoài ra, cần tăng cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng các quy định tăng khả năng tiếp cận, thực hiện các dự án dùng ngân sách nhà nước. Khu vực tư nhân có hiệu quả sử dụng vốn cao, theo tôi, cũng nên tạo cơ hội để họ tiếp cận các nguồn vốn ODA có lãi suất ưu đãi chứ không nên hạn chế như hiện nay...

* Điều không thể không làm và có thể làm ngay là cần giảm các chi phí hành chính, chi phí không tên cho doanh nghiệp?

- Thủ tục hành chính vẫn là khâu chúng ta có thể làm tốt hơn, giảm được nhiều chi phí hơn cho doanh nghiệp. Nếu cần, nên khảo sát xem doanh nghiệp đang khó ở thủ tục nào, hay gặp chi phí không tên, chi phí cao bất hợp lý ở khâu nào... để gỡ đúng chỗ. Và không chỉ Chính phủ, theo tôi, Quốc hội cũng nên vào cuộc mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

* Ông Nguyễn Thái Học (chủ tịch Hiệp hội Điều - Vinacas): Không mua được hạt điều

Đang vào cao điểm thu mua của vụ điều mới, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến điều không mua được do không có tiền. Đến nay vẫn còn 40% doanh nghiệp điều chưa vay được vốn ngân hàng. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì hệ lụy sẽ rất lớn. Phần lớn hàng tồn kho là mua từ năm ngoái với giá cao, nếu không được vay vốn để mua điều hiện nay với giá rẻ để trộn với hàng tồn kho thì doanh nghiệp không thể đứng vững được.

Nhưng ngay cả khi tiếp cận được vốn ngân hàng thì lãi vay quá cao cũng là một vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp lớn, kinh doanh đa ngành nghề còn chịu đựng được, chứ những doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên kinh doanh điều thì đã rơi vào thế quá khó. Về lâu dài mức lãi suất năm nay đưa về 12%/năm thì doanh nghiệp chịu đựng được, chứ cao hơn thì không doanh nghiệp nào dám mua dự trữ nguyên liệu.

* Ông Phạm Đức Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN): Doanh nghiệp giảm chi phí

Lãi suất cao ảnh hưởng chung đến các doanh nghiệp nhưng tình cảnh của nhiều doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi hiện nay lại do bản thân các doanh nghiệp nhiều hơn. Những năm trước khi thị trường thuận lợi, lợi nhuận cao, các doanh nghiệp đầu tư không tập trung kiểu “cứ có tiền là làm bậy”, thay vì mua nguyên liệu dự trữ giá rẻ thì đầu tư mua xe đẹp, xây văn phòng lớn... dẫn đến không thể quản trị được dòng tiền của mình. Do vậy, bên cạnh việc đợi chờ lãi suất giảm, các doanh nghiệp phải giải quyết khó khăn của mình bằng nội lực, tức là cơ cấu lại đầu tư, chi phí... Để giảm gánh nặng lãi suất, doanh nghiệp nên giảm thời gian tạm trữ từ ba tháng xuống còn một tháng, thậm chí một tuần để quay nhanh vòng tiền. Giảm chi phí bằng cách cắt giảm chi tiêu từ trên xuống dưới chứ không chỉ cắt giảm nhân công hay thu nhập của người lao động.

Trần Mạnh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên