26/03/2012 04:15 GMT+7

Kỳ 1: Nợ dây chuyền

ĐỨC VỊNH - TRẦN MẠNH
ĐỨC VỊNH - TRẦN MẠNH

TT - Nợ đang trở thành một chuỗi dây chuyền trong ngành chế biến và nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là mặt hàng cá tra. Doanh nghiệp nợ dân, dân nợ doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi...

Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu vốn, áp lực nợ và lãi suất ngân hàng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như: thủy sản, vật liệu xây dựng, đồ gỗ... khốn đốn, nhiều nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, ngắc ngoải...

Chuỗi dây chuyền này có nguy cơ đổ vỡ bất kỳ lúc nào.

pvIHxd0v.jpgPhóng to
Nhà máy chế biến cá tra Đại Tây Dương, Cụm công nghiệp Thốt Nốt (Cần Thơ) đã ngưng hoạt động từ năm 2011 đến nay - Ảnh: Đức Vịnh

Thốt Nốt (Cần Thơ) vốn nổi danh là vùng nuôi của những tỉ phú cá tra, thế nhưng giờ đây nhiều trang trại bỏ hoang, hàng loạt ao nuôi đã được san lấp lại, người dân kêu bán đất, bỏ đi tứ xứ mưu sinh.

Bên hai cái ao vừa bỏ trống, ông Hồ Văn Nghĩa (Thới An, An Thuận) kể tháng 7-2011 ông bán 260 tấn cá với giá 23.500 đồng/kg cho Công ty xuất nhập khẩu Việt Ngư (TP Long Xuyên, An Giang) trị giá hơn 6 tỉ đồng. Hợp đồng thanh toán dứt điểm trong 30 ngày, nhưng sau đó doanh nghiệp cứ lần lữa mãi, đến cuối năm rồi chỉ trả được 1,6 tỉ đồng buộc ông khởi kiện ra tòa. Ngày 7-2-2012 bên thi hành án đã có quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng tới nay vẫn chưa thể nào lấy được 4,7 tỉ đồng còn lại.

“Nợ ngân hàng quá hạn, nợ mua thức ăn tổng cộng hơn 3 tỉ đồng, chỉ còn nước bán đất, bán nhà trả nợ. Hàng chục hộ ở các tỉnh bị doanh nghiệp này neo tiền bán cá như vậy” - ông Nghĩa bức xúc.

Công nhân thành thợ gặt

"Lãi suất ngân hàng cao đã là gánh nặng, gần đây lại phát sinh nhiều chi phí trong sản xuất, các khoản phí như cấp phép, kiểm tra chất lượng... Giá điện nước, xăng dầu, bọc nhựa, nilông... tăng đẩy giá thành tăng, càng làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm cá tra"

Mai Thị Ánh Tuyết (giám đốc Sở Công thương An Giang)

Tại Công ty XNK Việt Ngư, những ngày giữa tháng 3 này không còn cảnh công nhân vào ca, tan ca như trước. Trong tuần thỉnh thoảng mới có vài công nhân vào làm. Một số công nhân cho biết nhà máy đã cho phần lớn người lao động nghỉ việc, ngày nào công ty mua được cá mới kêu vài chục người vô làm công nhật, theo kiểu làm ngày nào trả tiền ngày đó.

“Nguyên liệu không có thường xuyên nên thỉnh thoảng mới kêu làm, mà thường chỉ nửa buổi” - một công nhân nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ của công ty thừa nhận trước kia nhà máy sử dụng 600 lao động, hiện nay chỉ còn chừng 100 người. Ngày nào mua được cá cũng chỉ chừng 30 tấn và công ty thuê 30 -40 công nhân đến làm công nhật. “Không chỉ chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp khác đều như vậy. Tình hình khó khăn chung của ngành chế biến xuất khẩu cá tra hiện nay mà” - ông phân trần.

An Giang có 17 doanh nghiệp với 21 nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra, hiện nhiều nhà máy đều giảm bớt công nhân, một số nhà máy hầu như... án binh bất động. Tại cụm công nghiệp Mỹ Quý, các bến cảng không còn cảnh ghe tàu neo đậu lên cá tấp nập như trước. Hằng ngày công nhân thường tan ca sớm, những tốp nam nữ tụ lại đánh bài và lai rai ở quán cóc sát vách nhà máy suốt buổi.

Chị Phạm Thị Cẩm Hà, Công ty Ntaco, cho hay từ sau tết tới nay nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. “Tuần qua vô làm hai buổi rồi nghỉ luôn tới giờ, chưa biết chừng nào mới làm lại. Tháng 3 này chỉ làm được chục ngày, nhiều hôm vào làm 4-5 giờ, thu nhập chỉ còn chừng ngoài triệu đồng, làm sao đủ sống đây!” - Hà than thở.

Anh Trần Văn Tuấn, một tổ phó sản xuất của Công ty Ntaco, cho biết trước kia đơn vị này sử dụng 600 lao động, hiện còn chừng 300 người. Tuy vậy gần đây việc làm của công nhân vẫn không ổn định. “Thu nhập giảm sút không đủ đắp đổi nên công nhân các công ty đang có xu hướng bỏ việc hẳn. Nhiều người vừa về quê gặt lúa mướn” - chỉ dãy phòng trọ vắng tanh, anh Tuấn nói.

Anh Trần Công Công, tổ trưởng tổ phi lê ở Công ty TNHH An Xuyên, cho biết từ tết tới giờ nhà máy không làm cá tra mà chỉ làm cá rô phi. Cả nhà máy giờ chỉ còn ngoài 100 công nhân, riêng tổ của anh còn chưa tới 30 người và đều là lao động công nhật.

Tại Cần Thơ, tình cảnh của nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng tương tự. Trên địa bàn quận Thốt Nốt có gần chục nhà máy, sử dụng hơn 6.000 lao động, nhưng giờ đây những dãy nhà trọ đều vắng hoe. “Cứ phải nghỉ việc liên tục, thu nhập không đủ sống, phần lớn công nhân đã bỏ về quê, đi nơi khác tìm việc” - một bà chủ nhà trọ ở Thốt Nốt cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thanh, ở Khu công nghiệp Trà Nóc, kể trước đây là công nhân của Công ty An Khang, sau khi doanh nghiệp bị vỡ nợ chị cùng bạn bè xin chuyển qua làm ở vài công ty khác nhưng các đơn vị này cũng chỉ hoạt động cầm chừng. “Thiếu cá chế biến nhà máy phải nghỉ liên tục, hôm nào có đi làm cũng không hết ca. Thu nhập của tụi tôi hưởng theo sản phẩm, không có cá làm nên lương không đủ sống” - chị Thanh nói.

80% giảm công suất

Ông Dương Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - cho biết hiện đến 80% doanh nghiệp cá tra giảm công suất chế biến, trong đó nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Riêng Cần Thơ, công suất của 12 nhà máy chế biến cá tra tối thiểu là 1.200 tấn/ngày nhưng hiện sản xuất chưa được 300 tấn/ngày. Cùng với sự đóng cửa của các nhà máy chế biến cá thì các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản cũng đóng cửa hàng loạt.

“Hiện có đến 70% nhà máy chế biến thức ăn cho cá gặp khó khăn, trong đó trên 40% là đóng cửa” - ông Minh nói.

Theo Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, người nuôi bỏ nghề hàng loạt làm nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt, còn doanh nghiệp đang rất “đói” vốn để mua cá. Trước đó, gặp tình trạng một số doanh nghiệp nợ kéo dài, thậm chí không trả nên gần đây nông dân đòi thanh toán tiền mặt ngay mới chịu bán, khiến các nhà máy đều thiếu cá để chế biến, phải hoạt động cầm chừng.

Mặt khác, ông Lê Chí Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi & chế biến thủy sản An Giang - cho biết trước đó nhiều doanh nghiệp lao vào đầu tư vùng nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu, tuy nhiên do thiếu vốn nên không thể triển khai, một số lại xây dựng vùng nuôi quy mô quá lớn, chủ yếu bằng đi vay. “Đã vay ngân hàng rồi nay không thể vay thêm được nữa dẫn tới thiếu vốn lưu động mua cá” - ông Bình giải thích.

Ông Dương Ngọc Minh cũng thừa nhận có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của ngành cá tra hiện nay, đó là mua cao bán thấp trong năm 2011 và ngân hàng siết chặt tín dụng đầu năm 2012.

Ông Minh giải thích năm 2011 các doanh nghiệp VN khi ký hợp đồng xong thì vướng vào giai đoạn nguyên liệu thiếu hụt, giá mua nguyên liệu cao hơn giá xuất khẩu. Hiện nay, giá thành ngoài dân nuôi lên đến 23.000-24.000 đồng/kg. Do đó, giá mua của doanh nghiệp về đến nhà máy ở mức 27.000-28.000 đồng/kg.

“Các doanh nghiệp “chết” ở điểm này” - ông Minh khẳng định. Nếu tính định mức chế biến cá tra vào Mỹ là 2,5-2,6kg nguyên liệu ra 1kg thành phẩm, cộng chi phí chế biến, nhân công, bao bì thêm 12.000 đồng/kg nên giá thành 1kg thành phẩm là 82.200 đồng, tương đương 3,8-3,9 USD, trong khi giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ lúc tốt nhất chỉ 3,4 USD/kg (FOB).

“Chỉ những công ty đầu tư khép kín từ vùng nuôi đến xuất khẩu mới có lời” - ông Minh nói.

Lo ngại dây chuyền

Các chuyên gia thủy sản phân tích điều nguy hiểm nhất đối với ngành cá tra hiện nay là khả năng đổ vỡ dây chuyền nếu như ngân hàng tiếp tục siết vốn vay đối với các doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp thì nợ dân, dân nợ nhà máy thức ăn chăn nuôi..., nợ đang trở thành một chuỗi dây chuyền nhưng không được giải quyết.

Trong khi đó, các ngân hàng thận trọng và đang có xu hướng siết vốn của các doanh nghiệp. Không có vốn vay, các doanh nghiệp sẽ không có tiền trả tiền mua cá cho người dân, người dân không có tiền trả cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và tiền tái đầu tư cho vụ mới.

Theo ông Minh, trước đây khi doanh nghiệp có hợp đồng mua cá và nhập kho là ngân hàng cho vay, nhưng nay ngân hàng không cho vay nữa. Nhiều doanh nghiệp đến hạn thanh toán nhưng không có tiền phải đàm phán với người dân sẽ trả theo lãi ngân hàng trong những ngày trả chậm.

“Theo thống kê của chúng tôi, đến thời điểm này chưa đến 5-10% doanh nghiệp thanh toán đúng hạn cho nông dân” - ông Minh cho biết.

VASEP cho hay trường hợp xấu nhất là ngân hàng không cho vay thì doanh nghiệp sẽ kéo dài thời gian chậm trả tiền cá cho người dân. Do đó, người dân sẽ không có tiền nuôi cá vụ mới và không có cá cho chế biến từ cuối năm nay. Điều này đang xảy ra khi giá cá tra giống đã giảm từ 36.000 đồng/kg xuống 28.000 đồng/kg. Một nghịch lý đang xảy ra là giống thiếu (cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu với mục tiêu 2 tỉ USD) nhưng giá lại xuống (vì người dân không có tiền đầu tư).

Về thị trường xuất khẩu, theo Vasep, hiện đang tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, đặc biệt là châu Âu vốn tiêu thụ tới 40% sản phẩm cá tra lại hạn chế nhập; đồng thời một số nước đặt ra rào cản kỹ thuật, tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt.

Các doanh nghiệp đang thiếu vốn sản xuất kinh doanh bởi chính sách thắt chặt tín dụng, đã vậy nhà nhập khẩu đòi bán trả chậm nên khó bán được hàng.

(Còn tiếp)

Chủ yếu dựa vào vốn vay

Một lãnh đạo ngân hàng cho rằng phần lớn doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL năng lực tài chính thấp, vốn kinh doanh chủ yếu bằng vốn vay nhưng sử dụng vốn chưa hiệu quả. Nhiều đơn vị đầu tư tràn lan, sử dụng vốn lưu động đầu tư nuôi cá, đầu tư bất động sản, chứng khoán... nên thiếu vốn sản xuất kinh doanh.

“Để có 30.000 tấn cá nguyên liệu cần đầu tư vùng nuôi 100ha thì cần ít nhất 450 tỉ đồng, với lãi suất 17% thì mỗi năm đóng lãi đã là 76,5 tỉ đồng. Đấy là chưa kể sử dụng vốn vay để đầu tư lĩnh vực khác...” - ông nói.

Để gỡ khó cho ngành cá tra, VASEP đang tiến hành lập danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn gửi Bộ NN&PTNT đề nghị ngân hàng hỗ trợ. Nguồn vốn này sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tối thiểu là 20 triệu USD năm 2011, ưu tiên cho những doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu nhưng không có vốn mua.

Sẽ tiễn đưa nhiều doanh nghiệp

Ngay trong buổi lễ mừng ngành thủy sản đạt mốc 6,1 tỉ USD hồi đầu năm nay, ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng), đã giội một gáo nước lạnh vào không khí hân hoan của nhiều người khi đăng đàn phát biểu: “Trong thời điểm chúng ta đang ăn mừng con số 6,1 tỉ USD này thì cũng có nhiều doanh nghiệp đang đau đớn vì đứng trên bờ vực phá sản. Ngay trong quý 1 và quý 2 năm nay, chúng ta sẽ đau lòng tiễn đưa một vài doanh nghiệp lớn và nhiều doanh nghiệp nhỏ rời cuộc chơi của ngành thủy sản”.

Trong lần gặp mới đây, ông Lĩnh vẫn khẳng định ý kiến của mình khi cho rằng nhìn con số xuất khẩu năm 2011 thì thấy ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng nhưng thực tế lại đang thụt lùi. “Giá trị xuất khẩu năm 2011 của thủy sản tăng chủ yếu là do giá thị trường thế giới tăng. Trong khi giá chung của thế giới tăng 22-25% thì ngành thủy sản VN chỉ tăng 21%” - ông Lĩnh nói.

ĐỨC VỊNH - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên