Phóng to |
Lúa xuống giá, cha con ông Nguyễn Văn Tịch (ấp 2, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) chất lúa cao tới nóc chòi - Ảnh: Mễ Thuận |
Chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo đã được triển khai một tuần nay nhưng số lượng mua được rất ít, nông dân vẫn phải bán lúa cho thương lái với giá thấp.
Lúa chất đầy nhà
Còn 6 triệu tấn lúa vụ đông xuân Theo Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2011-2012 ĐBSCL xuống giống được trên 1.56 triệu ha lúa các loại với sản lượng cả vụ đạt trên 10,3 triệu tấn. Hiện diện tích thu hoạch lúa đông xuân mới đạt khoảng 650.000ha, với sản lượng trên 4 triệu tấn. Như vậy, còn trên 6 triệu tấn lúa (tương đương 3 triệu tấn gạo) vụ đông xuân cần tiêu thụ kể từ ngày 15-3 trong khi VFA mới mua được trên 120.000 tấn tạm trữ. TR.MẠNH |
Còn trường hợp của ông Lê Phương Quyền (xã Tân Hòa Tây) mới khổ. Thu hoạch được 30 tấn lúa đem về chất đầy nhà, thương lái đã đặt tiền cọc 1,5 triệu đồng rồi đi biệt tích. “Gọi điện cho họ thì họ bảo bỏ tiền cọc luôn, kêu bán cho người khác đi” - ông Quyền bức xúc. Thế nhưng suốt tuần qua ông tìm cả chục thương lái mà không ai chịu mua, dù giá hiện nay chỉ 4.200 đồng/kg.
Chỉ vào đống lúa mấy chục tấn mới thu hoạch được gần tuần chất trên bờ đê, ông Ngô Minh Nhanh (xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An) lắc đầu ngao ngán: “Lúa cả đống thế này mà phải mang nợ tùm lum. Mấy bữa trước còn có ghe qua lại hỏi mua lúa nhưng hai ngày qua chẳng thấy chiếc nào. Chẳng biết đến khi nào mới bán được hết số lúa này nữa”.
Ông Lê Văn Rộng (xã Tân Hòa Tây) cho biết phải mất cả tuần ông mới bán được 320 giạ lúa với giá 4.200 đồng/kg. Ông kể: “Thương lái làm trời thấy ghét lắm chú ơi. Kêu họ tới, họ đủng đỉnh ra vẻ bất cần trong khi mình sốt ruột. Họ vào hốt lúa ra xem, lột vỏ từng hột lúa xem cả buổi rồi chê lúa xấu, gạo xấu, nhà ở xa đường cái nên ra giá chỉ có 4.100 đồng/kg. Kỳ kèo, năn nỉ suốt họ mới chịu tăng thêm 50 đồng/kg”. Ông Rộng bảo thương lái đã phân chia “lãnh địa” làm ăn, cho nên nếu họ đã tới xem mà không mua sẽ có cách để những người khác không tới, nếu có thì cũng không khi nào mua giá cao hơn người trước đã ra.
Ông Huỳnh Thanh Nam, một thương lái đang đi xem lúa của dân ở huyện Tân Phước, cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mua gạo cầm chừng, giá đứng một chỗ hoài nên thương lái rất ngại mua nhiều vì sợ lỗ. “Giá lúa gạo cao dễ mua hơn, chứ giá thế này thì không ai dám ôm lúa vì sợ doanh nghiệp hạ giá mua gạo bất ngờ. Cái kiểu tăng giá và thu mua nhỏ giọt thế này chúng tôi đã gặp rồi nên rất sợ. Mua ít lỡ có gì lỗ cũng ít” - ông Nam giải thích.
Doanh nghiệp đủng đỉnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Bảy - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) - cho rằng các doanh nghiệp được phân chia chỉ tiêu mua gạo tạm trữ đang tích cực triển khai mua lúa. Lượng lúa gạo mà các doanh nghiệp mua theo diện tạm trữ (bên cạnh lượng mua kinh doanh) đến nay khá lớn. Tính đến hết ngày 19-3, các doanh nghiệp đã mua được trên 120.000 tấn gạo, tương đương 12,03% kế hoạch mua tạm trữ. “Tốc độ mua như vậy là rất nhanh” - ông Bảy cho biết.
Tuy nhiên, giám đốc một công ty kinh doanh nông sản tại Long An cho rằng nếu chỉ nhìn vào thời gian mua tạm trữ là một tháng rưỡi thì tốc độ mua đó của các doanh nghiệp khá nhanh nhưng thực tế lại không phải như vậy. Bởi vì năm nay có tới gần 90 doanh nghiệp tham gia tạm trữ, lớn hơn nhiều so với các đợt tạm trữ trước đây.
Hiện đã vào thời điểm cuối vụ đông xuân, lượng lúa gạo dồn từ đầu vụ tập trung hết trong tháng 3 nên nếu các doanh nghiệp cứ giữ tốc độ mua như trên cũng chưa giảm ngay được áp lực bán lúa của người dân. Doanh nghiệp càng mua chậm bao nhiêu thì áp lực bán ra càng lớn, giá lúa nội địa càng khó có cơ hội tăng lên.
“Điều đó giải thích tại sao giá gạo VN xuất khẩu tuần này đã tăng 10-15 USD/tấn so với tuần trước và tăng tới gần 50 USD/tấn so với thời điểm thấp nhất hồi đầu năm nhưng giá lúa chỉ nhích lên được 200 đồng/kg” - vị giám đốc này nói.
Ông Trần Đức Tụng, nguyên chuyên viên Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), cho rằng việc mua tạm trữ lúa gạo như hiện nay chỉ đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Theo ông Tụng, với giá mua lúa thấp nhất kể từ đầu năm, các doanh nghiệp VFA lại được hỗ trợ đầu ra bởi các hợp đồng cấp Chính phủ đã và sắp ký với các nước sẽ được hưởng lợi, trong khi nông dân đang phải bán lúa giá thấp.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng cho rằng vấn đề tạm trữ là đúng nhưng thông tin điều hành của VFA thiếu sự minh bạch. Hầu như các thông tin về giá cả các hợp đồng tập trung họ đều giữ kín nên người dân không biết đường nào mà định giá bán lúa. Các doanh nghiệp do nắm được giá cả đầu ra sẽ mua lúa đầu vào theo kiểu “trả thấp được bao nhiêu thì trả”.
An Giang: giá lúa nhích nhẹ Bà Mai Thị Anh Tuyết, giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, cho biết phần lớn các đơn vị của VFA chưa triển khai mua tạm trữ, nhưng nhờ một số doanh nghiệp khác mới ký kết được các hợp đồng thương mại nên việc tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh tốt hơn và giá đã tăng lên. Một số đơn vị kinh doanh lương thực cho rằng họ đang tập trung mua để xuất qua Trung Quốc, từ đó giá lúa gạo các loại, kể cả IR 50404, đều tăng trung bình 300 đồng/kg so với trước thời điểm triển khai mua tạm trữ. Đ.VỊNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận