Tuy nhiên, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) mới đây phải kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu da giày hết sức kiềm chế đối với giá trị các hợp đồng xuất khẩu nhằm tránh rơi vào tình trạng lượng hàng xuất khẩu gia tăng đột biến.
Bởi nếu không kiểm soát được lượng hàng xuất khẩu lẫn giá trị đơn hàng, đây sẽ là cái cớ để EU có thể áp lại thuế chống bán phá giá đối với VN mà không cần phải thông qua bất kỳ cuộc điều tra nào. Cái khó hơn nữa đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước là EU không đưa ra một tỉ lệ cụ thể nào để các doanh nghiệp chủ động phòng ngừa, biết có chạm đến “ngưỡng” hay chưa.
Công cụ hỗ trợ doanh nghiệp duy nhất tính đến thời điểm này là hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại website http://www.canhbaosom.vn hoặc http://www.earlywarning.vn do VCA lập từ tháng 8-2010 với chức năng cung cấp thông tin về thị trường.
Câu chuyện ở đây cho thấy vai trò của hiệp hội ngành hàng trong việc kết nối, điều phối và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp là hết sức quan trọng, đặc biệt khi VN ngày càng có nhiều ngành hàng xuất khẩu đứng vị trí nhất nhì của thế giới.
Sự nỗ lực của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN trong việc thắng Mỹ ở vụ kiện tôm lên Tổ chức Thương mại thế giới vừa qua, hay việc thống nhất được mức giá sàn đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực VN như lâu nay, cho thấy chính việc liên thông chặt chẽ giữa hiệp hội và doanh nghiệp đã phần nào hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể gây ra cho doanh nghiệp lẫn lợi ích quốc gia.
Có lẽ đã đến lúc tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” cần được chủ động loại bỏ từ trong nếp nghĩ lẫn trong cách điều hành hoạt động hiện nay của không ít hiệp hội ngành hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận