01/09/2011 10:25 GMT+7

Doanh nghiệp lỗ, Nhà nước gánh nợ

Ông Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN)
Ông Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN)

TT - Công ty ximăng Đồng Bành (Lạng Sơn) vay nợ nước ngoài nhưng đến hạn vẫn chưa có khả năng trả. Bộ Tài chính đã phải kiến nghị Thủ tướng về các phương án xử lý nợ theo hướng cho Đồng Bành vay Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài.

WbDSxzT5.jpgPhóng to
Một góc dự án Nhà máy ximăng Đồng Bành (Lạng Sơn) - Ảnh: C.T.V.

Theo các chuyên gia, đây là một hồi chuông báo động tình trạng nợ doanh nghiệp có thể biến thành nợ nhà nước...

Vì bảo lãnh nên phải trả thay

"Vấn đề không phải là nợ chiếm bao nhiêu phần trăm GDP mà vay nợ đó đem về làm có hiệu quả hay không. Vinashin, rồi bây giờ là Ximăng Đồng Bành và một số dự án chưa được nói ra khác... đang là cảnh báo trong trung hạn, dài hạn về nợ của VN"

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc Công ty ximăng Đồng Bành vay vốn nước ngoài do Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh nhưng đến nay sản xuất kinh doanh thua lỗ, trước mắt không thể trả được nợ, trong đó có nợ nước ngoài, ông Nguyễn Thành Đô - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - xác nhận đúng là có việc này.

Theo ông Đô, Công ty ximăng Đồng Bành có nhiều lý do khó khăn, trong đó một phần vì các cổ đông tham gia góp vốn không đóng góp đúng mức cam kết. Về nguyên tắc, ông Đô công nhận do khoản vay của Ximăng Đồng Bành được Chính phủ đồng ý bảo lãnh nên nếu doanh nghiệp không trả được thì Chính phủ sẽ phải có biện pháp trả nợ thay.

Nguồn tiền lấy trả nợ, theo kiến nghị của Bộ Xây dựng, sẽ là từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài. Trước câu hỏi như vậy có phải lấy tiền thuế của dân đóng góp vào ngân sách để trả nợ, ông Nguyễn Thành Đô thừa nhận Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài không lấy trực tiếp tiền từ ngân sách nhưng đây là một trong các quỹ nằm trong hệ thống ngân sách. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vay từ quỹ này, theo quy định, chắc chắn sẽ phải hoàn trả chứ không phải quỹ trả thay luôn và doanh nghiệp coi như hết trách nhiệm.

Vẫn theo ông Nguyễn Thành Đô, các doanh nghiệp khi vay vốn nước ngoài đều được các bộ, ngành thẩm định kỹ. Trả lời câu hỏi phải chăng do việc thẩm định có vấn đề nên sau khi đi vào hoạt động dự án lại thua lỗ kéo dài, ông Đô cho rằng dù thẩm định kỹ nhưng sau khi đi vào hoạt động, có những khó khăn phát sinh trong quá trình thi công, mua sắm thiết bị, vận hành và cả thị trường... nên dự án gặp khó khăn.

Đáng lưu ý, ông Nguyễn Thành Đô thừa nhận hiện không chỉ có Công ty ximăng Đồng Bành gặp khó khăn, không trả được nợ nước ngoài mà còn một số công ty khác cũng được bảo lãnh của Chính phủ nay khó khăn cần trợ giúp... Về hướng trả nợ thay cho Ximăng Đồng Bành, ông Nguyễn Thành Đô cho biết đã kiến nghị lên Thủ tướng hướng giải quyết. “Trong mọi trường hợp, Chính phủ sẽ phải xử lý, đảm bảo trả được nợ” - ông Đô nói.

Fq8w3n9H.jpgPhóng to

Nên giảm bảo lãnh

Mới đây khi trao đổi với Tuổi Trẻ vấn đề nợ quốc gia, ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, cho rằng VN là nước đang phát triển nên nhu cầu đầu tư rất lớn, trong khi nguồn lực có hạn nên cần thiết phải đi vay để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, theo ông Hiển, Chính phủ nên giảm bớt bảo lãnh nợ cho các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhà nước bởi các doanh nghiệp này nếu không trả được nợ thì đương nhiên nợ đó sẽ biến thành nợ của Chính phủ.

Một chuyên gia kinh tế, nguyên lãnh đạo Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng Ngân hàng Nhà nước, cho rằng Chính phủ gánh nợ cho doanh nghiệp ngoài việc tạo thêm rủi ro cho ngân sách còn dễ tạo thêm tâm lý “cứ làm đại”, ngay cả khi làm ăn không hiệu quả cũng đã có Chính phủ trả nợ. Hiện chủ yếu doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh, và khi có bảo lãnh của Chính phủ, lãi suất và chi phí thời gian với doanh nghiệp được bảo lãnh thấp hơn rất nhiều. Với mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, rõ ràng, việc Chính phủ bảo lãnh nhiều cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ đẩy các doanh nghiệp tư vào thế khó hơn rất nhiều trong cạnh tranh - chuyên gia ngân hàng nói.

TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, cũng cho rằng cả trước mắt và lâu dài, cần có chiến lược cụ thể về nợ và thận trọng hơn trong việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài. Ông Trần Đình Thiên đặt vấn đề: “Tại sao lại phải bảo lãnh cho các dự án như ximăng? Nếu cần, chỉ bảo lãnh cho những trường hợp, dự án đặc biệt liên quan đến sự phát triển của ngành mũi nhọn hay sự phát triển của đất nước”.

Trong giai đoạn kinh tế thế giới khó khăn, biến động bất thường, ông Thiên cho rằng cần đặc biệt cẩn trọng với các khoản vay nợ nước ngoài và phải quan tâm đến hiệu quả của dự án. Khâu thẩm định để cấp bảo lãnh của Chính phủ, theo ông Thiên, phải đánh giá được hết những rủi ro của dự án, tránh cấp bảo lãnh cho những đối tượng không thật cấp thiết. Ông Trần Đình Thiên cho biết phần lớn nợ của VN là nợ dài hạn, hiện chưa đến hạn trả nợ nên sức ép trước mắt chưa lớn, nhưng về dài hạn nếu tính toán không kỹ sẽ rất căng thẳng.

Mất cân đối đến năm 2015

Dự án ximăng Đồng Bành do Công ty cổ phần ximăng Đồng Bành làm chủ đầu tư với công suất thiết kế 910.000 tấn/năm, tổng đầu tư 1.505 tỉ đồng. Dự án được bàn giao và đi vào sản xuất từ ngày 3-12-2010. Theo công văn của Bộ Xây dựng, khi đi vào hoạt động, công ty gặp khó khăn về tiêu thụ. Ngoài ra, ba cổ đông chính của công ty cũng chưa đóng góp hết số vốn phải góp theo cam kết (mới được 205,5 tỉ đồng/301 tỉ đồng). Trong đó, Tổng công ty Cơ khí xây dựng (thuộc Tập đoàn Sông Đà) giữ tỉ lệ 88,23% vốn điều lệ mới chỉ góp được 171,14 tỉ đồng/265,58 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần ximăng Đồng Bành, năm 2011 công ty này sẽ thiếu 141 tỉ đồng để trả nợ gốc và lãi, trong đó nợ đến hạn phải trả cho Ngân hàng ANZ (vào ngày 25-8-2011) là 3,49 triệu USD (khoản vay này được Bộ Tài chính bảo lãnh). Từ năm 2011 đến 2015, Công ty Đồng Bành cho biết vẫn thiếu 607 tỉ đồng để trả nợ các tổ chức tín dụng và bù đắp nguồn tiền mất cân đối.

Ông Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên