Trong đó lợi nhuận của các NH chủ yếu đến từ hoạt động cho vay.
Phóng to |
Lợi nhuận của các ngân hàng chủ yếu từ hoạt động cho vay - Ảnh: T.T.D. |
Lãi “khủng”
Ngày 25-7, bốn NH lớn đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là Vietcombank, Vietinbank, Eximbank và Sacombank cùng lúc công bố báo cáo tài chính quý 2-2011. Trong đó Vietinbank trong quý 2 đạt lợi nhuận trước thuế là 2.590 tỉ đồng, nâng lợi nhuận lũy kế sáu tháng đầu năm lên 3.619,4 tỉ đồng, bằng 71% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank trong quý 2 là 1.254,7 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2010 (giảm 98 tỉ đồng) do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 587 tỉ đồng (quý 2-2010 Vietcombank không phải trích dự phòng). Tuy nhiên, tổng lợi nhuận trong nửa năm nay của Vietcombank cũng tăng gần 8,2% so với cùng kỳ 2010, đạt hơn 3.000 tỉ đồng.
Hai NH cổ phần khác là Eximbank và Sacombank đạt lợi nhuận khá cao. Sáu tháng đầu năm, lợi nhuận lũy kế của Eximbank đạt 1.690 tỉ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 56% kế hoạch năm. Sacombank lũy kế sáu tháng đầu năm đạt 1.490,5 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng hơn 55% kế hoạch năm.
Nhiều NH khác cũng công bố lợi nhuận khá cao: Navibank đạt lợi nhuận trước thuế trong quý 2 là 67,2 tỉ đồng, lũy kế sáu tháng đầu năm 2011 đạt 127,56 tỉ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2010. Năm 2011, NH này dự kiến đạt 276 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. NH Quân đội (MB) đã đạt trên 50% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2011. Tại đại hội cổ đông đầu năm, MB dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 2.915 tỉ đồng.
NH Đại Á sáu tháng đầu năm 2011 đạt lợi nhuận trước thuế 220 tỉ đồng, hoàn thành 44% kế hoạch năm. NH An Bình kết thúc quý 2 đã đạt 46,3% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. NH Đông Á đạt tổng lợi nhuận trước thuế sáu tháng (bao gồm cả các công ty trực thuộc) là 676 tỉ đồng, bằng 52% kế hoạch năm.
Chủ yếu từ cho vay
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, phó tổng giám đốc NH Đông Á, cho biết trong cơ cấu lợi nhuận của NH, nguồn thu từ lãi vay vẫn chiếm chủ yếu. Đó cũng là tình hình chung tại các NH khác. Tổng giám đốc một NH cổ phần có lợi nhuận sáu tháng lên đến hơn 1.000 tỉ đồng cho biết đóng góp từ lãi chiếm tới trên 80%, trong đó riêng thu từ tín dụng chiếm khoảng 40%. Ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank, cho biết lợi nhuận NH tăng so với những năm trước do dự trữ thanh khoản sụt giảm. Trước đây tỉ lệ cho vay chỉ chiếm khoảng 60% trên tổng huy động, tuy nhiên từ đầu năm đến nay tỉ lệ cho vay trên tổng huy động rất cao do nguồn vốn huy động bị sụt giảm trước áp lực cạnh tranh huy động vượt trần từ nhiều NH khác.
Một chuyên gia cho rằng tốc độ tăng trưởng thu nhập thuần từ lãi của hầu hết NH đều rất cao, dù NH Nhà nước đang thắt chặt tín dụng, chứng tỏ lãi suất cho vay thực tế đã được đẩy lên rất cao. Báo cáo tài chính riêng lẻ quý 2-2011, thu nhập thuần từ lãi của Eximbank tăng 96,4% so với cùng kỳ 2010 và lũy kế sáu tháng tỉ lệ này đạt gần 95%. Tương tự, tại Sacombank tỉ lệ lần lượt là 73% và 92%, Vietinbank gần 64% và 74%, Vietcombank 6,6% và 28,3%... “Các NH vẫn than thở rằng khó giảm lãi suất đầu ra do lãi suất đầu vào quá cao, nhưng những con số tăng trưởng về thu nhập thuần từ lãi và đặc biệt là lợi nhuận khá cao cũng cho thấy các NH vẫn đang “sống khỏe” trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hầu hết doanh nghiệp vẫn đang chật vật để duy trì hoạt động...” - vị chuyên gia này nói.
Đừng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng nhìn vào số tuyệt đối về lợi nhuận mà các NH công bố cho thấy NH lãi cao nhưng thực chất tổng tài sản, vốn điều lệ của NH rất lớn. Hiện nay tỉ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản của NH chỉ khoảng 1%, còn lợi nhuận tính trên vốn tự có của NH chỉ khoảng 10-11%. Tỉ lệ này đã giảm rất nhiều so với năm 2009 và 2010 (trước đây tỉ lệ lợi nhuận trên vốn tự có của NH khoảng 14-15%), do nợ xấu tăng, khách hàng không hoàn trả vốn. Nguyên thống đốc NH Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cũng đồng ý rằng muốn đánh giá NH lãi cao hay không phải tính toán tỉ lệ sinh lời trên vốn tự có chứ không thể căn cứ vào con số tuyệt đối. Tuy nhiên ông Kiêm cũng cho rằng thực tế có những ngành bỏ vốn lớn nhưng lợi nhuận những tháng đầu năm vẫn âm do lãi suất cao. Do vậy, NH Nhà nước cần quy định rõ ràng để kiểm soát lãi suất huy động và cho vay, sao cho chênh lệch giữa lãi suất đầu vào - đầu ra hợp lý. Thời gian qua do quy định nhập nhằng, không sát thực tế dẫn đến cơ quan quản lý không nắm được lãi suất huy động thực tế của NH bao nhiêu nên lãi suất cho vay bị đẩy lên cao, tạo gánh nặng cho DN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận