25/06/2011 06:01 GMT+7

Giàu lên từ biển - Kỳ cuối: Mở tour ra biển

Ông Nguyễn Văn Tuấn (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN)
Ông Nguyễn Văn Tuấn (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN)

TT - Các sản phẩm du lịch gắn với biển, đảo đang là thế mạnh trong cạnh tranh, thu hút du khách của ngành du lịch VN. Và theo các chuyên gia, tiềm năng du lịch biển, đảo của VN vẫn còn rất lớn, mỗi năm có thể mang về cho đất nước hàng tỉ USD nếu có chính sách phát huy các nguồn lực.

AOm7oFRn.jpgPhóng to
Khách du lịch nước ngoài tắm biển ở Bãi Sạn, khu du lịch Trí Nguyên, Nha Trang - Ảnh: N.C.T.

Mới đây, khi Tổng cục Du lịch VN giới thiệu những nét chính trong đề án phát triển du lịch biển, đảo giai đoạn 2011-2020, nhiều doanh nghiệp du lịch đã khẳng định các tour mới tham quan các vùng biển, đảo sẽ được khảo sát và xây dựng để phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Tour ra Trường Sa

Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt - Tavitour, cho hay rất nhiều khách du lịch sau khi biết thông tin ngành du lịch sẽ xây dựng tour du lịch Trường Sa đã đặt vấn đề muốn được một lần ra thăm mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, giám đốc Công ty du lịch Vietravel, khẳng định việc tổ chức tour tham quan Hoàng Sa, Trường Sa là một ý kiến hay, đây cũng là một sản phẩm tour rất đặc biệt và hoàn toàn có thể triển khai sớm.

Cách đây chín năm Công ty Vietravel đã cùng Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức tour ra thăm Trường Sa cho 105 cựu chiến binh bằng tàu hải quân. Theo ông Kỳ, hiện giá thuê máy bay dao động từ 35.000-50.000 USD cho chuyến bay khứ hồi chở được 18-20 người (tùy loại máy bay) nên trước mắt có thể tổ chức được tour ra Trường Sa trong thời gian 3 ngày 2 đêm cho nhóm khách 20-30 người bằng máy bay.

"Du lịch Trường Sa sẽ nhắm đến đối tượng khách du lịch là những người có tiềm năng kinh tế, khao khát khám phá Trường Sa. Các tour sẽ được tổ chức với hình thức xã hội hóa, và sẽ phải phối hợp chặt chẽ du lịch với quốc phòng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách "

Với hơn 3.200km bờ biển cùng hệ thống các đảo nằm dọc đất nước, tour đi biển, đảo là một trong những thế mạnh của ngành du lịch. Theo thống kê của các công ty lữ hành, hiện tour du lịch biển, đảo hoặc liên quan đến biển, đảo chiếm 50-70% tổng số tour du lịch nội địa cho dù giá tour luôn cao hơn các loại hình tour khác. Các tour cho du khách nước ngoài được thiết kế ít nhất 2/3 thời gian nghỉ ở các vùng biển có bãi tắm đẹp.

Thậm chí có những tour cho khách châu Âu nghỉ ở VN 2-3 tuần hoàn toàn ở các vùng biển đẹp của miền Trung VN. Đa dạng hóa loại hình vận chuyển, đáp ứng được các nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng biển, đảo của du khách cũng là cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp vận chuyển.

Ông Vũ Đức Biên, phó giám đốc Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco), cho biết công ty có đủ loại máy bay trực thăng, máy bay cánh bằng để đáp ứng các nhu cầu vận chuyển hành khách du lịch đến các vùng biển, đảo nơi các chuyến bay thương mại của các hãng hàng không đôi khi không thể đáp ứng đủ nhu cầu này của du khách. Mới đây công ty này vừa phối hợp với Sea Links City - Amitour mở đường bay dịch vụ trực thăng loại sáu chỗ ngồi từ TP.HCM đến Mũi Né, tỉnh Bình Thuận. Hiện các bên đang tính toán lại chi phí sau chuyến bay thử nghiệm và sẽ công bố giá vé dịch vụ trong thời gian tới.

Ông Trần Thế Dũng, phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, cho rằng các tour biển, đảo nếu được đầu tư tốt hơn nữa về phương tiện vận chuyển và phòng nghỉ chắc chắn là sẽ lợi thế rất lớn của ngành du lịch VN. Nhiều công ty du lịch như: Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, Lửa Việt - Tavitour... cho biết cũng đang nghiên cứu mở thêm các tour biển, đảo mới như Cù Lao Chàm, đảo Lý Sơn...

Năm khu vực trọng điểm

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong đề án phát triển du lịch biển, đảo giai đoạn 2011-2020, đến năm 2020 sẽ hình thành được năm khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực, gồm: Hạ Long - Cát Bà, Lăng Cô - Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, đảo Phú Quốc. Các khu du lịch biển giàu tiềm năng như Vân Đồn - Côtô, khai thác tour du lịch ra Trường Sa - Hoàng Sa... cũng sẽ được tích cực đầu tư. “Phát triển du lịch biển, đảo phải gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đặt trong mối quan hệ phát triển tổng thể chung kinh tế- xã hội” - ông Tuấn nói.

Mục tiêu 10 tỉ USD

Mục tiêu của đề án phát triển du lịch biển, đảo giai đoạn 2011-2020 là đến năm 2020 vùng ven biển phải thu hút được khoảng 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa; thu nhập du lịch biển đạt trên 10 tỉ USD; tạo khoảng 600.000 việc làm trực tiếp và 1,1 triệu việc làm gián tiếp, bằng 73% tổng lượt khách du lịch quốc tế; 60% tổng lượt khách du lịch nội địa; 70% thu nhập du lịch toàn quốc.

TS Hà Văn Siêu, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng đề án phát triển du lịch biển, đảo đến năm 2020 khi triển khai sẽ tạo ra chuỗi các sản phẩm du lịch gắn với biển, đặc biệt là nghỉ dưỡng biển, giải trí và thể thao biển sẽ làm nổi bật hình ảnh du lịch VN. Xu hướng du lịch từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam đang tạo thời cơ cho du lịch VN là điểm đến mới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một trong những lợi thế so sánh trong cạnh tranh khu vực đó là vị thế đặc biệt của VN trong quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước Đông Âu và Nga. Mặt khác, sự thoái trào của các khu du lịch biển nổi tiếng ở Địa Trung Hải, Thái Bình Dương và Caribê đang tạo cơ hội to lớn cho những khu du lịch biển mới nổi ở VN.

Tuy vậy, “thách thức lớn nhất đối với du lịch biển, đảo VN là sự lồng ghép phong vị địa phương trong từng chi tiết sản phẩm du lịch với yêu cầu tính hiện đại, tiện nghi và chuyên nghiệp cao, trong khi chất lượng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực ở những vùng biển chưa đáp ứng được” - TS Siêu nói.

Theo ông Siêu, các chương trình, dự án đã được đề xuất thành quy hoạch, kế hoạch, nhưng để biến nó thành hiện thực thì vấn đề quan trọng của ta là huy động và tập trung nguồn lực. Ở đây không chỉ là nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp trong nước mà cần phải thu hút được nguồn đầu tư nước ngoài.

“Đối với du lịch biển, đảo, nhất là ở những khu vực xa bờ, nguồn lực của Nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn như đi du lịch ra Trường Sa - Hoàng Sa mà tàu bè, sân bay, khách sạn chưa đáp ứng được thì rất khó thực hiện. Trước đây, năm 2004 chúng ta từng tổ chức một chuyến du lịch ra Trường Sa, nhưng đó là chuyến kết hợp với hải quân. Vì vậy, để biến mục tiêu mở tour ra Trường Sa thành hiện thực, tôi nghĩ Nhà nước phải đầu tư rất lớn và phải đột phá vào cơ sở hạ tầng” - ông Siêu phân tích.

Kỳ 1: Vị đắng... “thuyền thúng” Kỳ 2: Thay đổi cách làm Kỳ 3: Đột phá từ chính sách Kỳ 4: Lép vế trước tàu ngoại Kỳ 5: Xây cảng, đóng tàu lớn

Ông Nguyễn Văn Tuấn (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên