Phóng to |
Lãi suất cho vay hiện vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: đóng gói thức ăn chăn nuôi tại Công ty TNHH Thanh Bình - Ảnh: T.Mạnh |
Trong khi đó tình trạng huy động vượt trần lại tái diễn với LS lên đến 16%/năm đang trở thành rào cản cho mục tiêu giảm LS.
Thu hẹp sản xuất
Ông Đ.B., giám đốc tài chính một công ty sản xuất thức ăn gia súc tại Long An, cho biết khi đặt vấn đề cần vay vốn ngắn hạn để sản xuất, nhiều ngân hàng (NH) đồng loạt đưa ra LS từ 18-20%/năm, có NH cổ phần đưa ra mức 21%/năm. Dù là doanh nghiệp lớn nhưng cuối cùng vẫn phải vay với LS 19%/năm. So với giữa năm 2010 LS đã tăng 4-5%/năm.
Với LS cao như hiện nay, mọi kế hoạch đầu tư mới đều tạm gác lại, doanh nghiệp cũng tính toán giảm 30% nguyên liệu trữ so với thời điểm thông thường, giảm tối đa ngày tồn kho, chỉ ưu tiên trữ những mặt hàng đặc thù thay vì trữ trước nguyên liệu dùng cho 3-6 tháng tới. Doanh nghiệp cũng siết lại công nợ, có những chính sách khuyến khích khách hàng thanh toán ngay thay vì cho trả chậm như trước. Giá thành sản phẩm cũng phải điều chỉnh cho phù hợp tốc độ tăng của LS, tỉ giá và giá nguyên liệu nhập khẩu.
Tương tự, ông T., giám đốc một công ty cáp viễn thông tại Q.2, TP.HCM, cho biết đã tạm gác lại kế hoạch đầu tư mới do không kham nổi LS. Mở cửa trở lại ngày 10-2 doanh nghiệp lập tức thông báo tăng giá cáp điện thêm 5%, cộng với mức tăng 10% trong tháng 1 tính ra giá thành sản phẩm trong một tháng qua đã tăng 15%. LS cao, doanh nghiệp cũng phải đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, để chắc ăn doanh nghiệp chỉ báo giá cho khách hàng trước năm ngày thay vì 15 ngày như trước.
Nhiều khách hàng cá nhân có món vay từ cuối năm 2009, trong năm 2010 cũng “ngộp” bởi NH liên tục điều chỉnh LS. Trước đây với món vay khoảng 500 triệu đồng, hằng tháng trả vốn lẫn lãi khoảng 9 triệu đồng, nay phải trả đến gần 11 triệu đồng/tháng. Anh V., vay vốn mua nhà của một NH cổ phần, cho biết với tình hình như hiện nay phải thu xếp trả nợ trước hạn một phần vì đến kỳ điều chỉnh LS tiếp theo không biết LS lên đến bao nhiêu.
Chưa cho vay trở lại
Vay tiêu dùng lãi suất 56%/năm Theo số liệu của NH Nhà nước TP.HCM, LS cho vay sản xuất kinh doanh cao nhất trên địa bàn lên đến 19,5%/năm, LS cho vay phục vụ đời sống tại các NH cao nhất 21%/năm. Tuy nhiên tại các công ty tài chính LS cao gần gấp đôi. Cụ thể tại Công ty tài chính Prudential VN vay mua xe gắn máy LS lên đến 54%/năm, vay mua tivi, laptop LS 56%/năm. |
Cán bộ phụ trách tín dụng một NH cổ phần cho biết với mức LS như hiện nay, doanh nghiệp phải lãi trên 30% trở lên mới dám vay vốn. Thực tế khách hàng vay vốn thời gian gần đây chủ yếu rơi vào một số ngành như thép, thức ăn chăn nuôi, nông sản... còn doanh nghiệp nhiều ngành khác chờ LS giảm mới dám vay. Tuy nhiên theo vị cán bộ tín dụng này, trong ngắn hạn kỳ vọng LS giảm là khó vì huy động vốn rất gian nan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một NH tại Q.1 (TP.HCM) xác nhận NH chỉ đẩy mạnh huy động để ổn định thanh khoản chứ chưa cho vay trở lại. Là NH nhỏ nên LS huy động cũng phải “nhỉnh” hơn mới thu hút được khách hàng. Phần “nhỉnh” hơn được trả dưới nhiều hình thức: LS thưởng, lì xì, hái lộc đầu xuân, rút thăm trúng thưởng... tính ra lên đến trên 16%/năm. Với các khoản gửi lớn NH phải trả LS lên trên 16%/năm nên mức LS cho vay 19-20%/năm như hiện nay, theo vị tổng giám đốc này là “hợp lý”.
Ngay cả những NH lớn cũng có cơ chế “hai giá” LS. Một NH cổ phần lớn gần đây tung ra chương trình huy động VND đảm bảo giá trị theo vàng, theo đó khách hàng gửi từ 300 triệu đồng trở lên được trả LS lên đến 15,5-15,7%/năm, món gửi từ 1 tỉ đồng LS lên đến 16%/năm. Phần LS tặng thêm NH làm hợp đồng riêng trả vào cuối kỳ. Nhân viên NH cho biết đảm bảo giá trị theo vàng thực tế là cách để trả thêm LS vì chương trình huy động này không khác gì so với các huy động thông thường.
Theo phó tổng giám đốc một NH lớn, thông thường sau Tết Nguyên đán nguồn tiền doanh nghiệp, người dân dồi dào hơn, các NH đều tranh thủ cơ hội này để đẩy nhanh huy động. Muốn hút tiền về NH phải tăng LS, khuyến mãi.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, muốn giảm LS trước mắt phải giải quyết những khúc mắc của thị trường, kể cả vấn đề tỉ giá, để tất cả vận động theo quy luật thị trường. Một khi giá cả được điều chỉnh lên mặt bằng giá mới thì doanh nghiệp mới hoạch định được hướng làm ăn, kinh doanh. Còn với tình hình hiện nay cả doanh nghiệp, người vay, NH đều trong tâm lý chờ đợi. NH Nhà nước cũng cần có giải pháp để giải quyết hài hòa quan hệ LS giữa VND và USD. Hiện LS huy động USD quá cao sẽ kích thích một bộ phận người dân chuyển sang cất giữ tài sản bằng USD, tạo áp lực lên tỉ giá, từ đó ảnh hưởng ngược lại LS.
Chính phủ chuẩn bị có chỉ đạo về lãi suất, tỉ giá Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề cập đến chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai những nhiệm vụ trước mắt sau Tết Nguyên đán Tân Mão. Theo đó, NH Nhà nước chủ trì, chuẩn bị cho Thường trực Chính phủ họp trong tuần sau để sớm có chỉ đạo về điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng như điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường, đi liền với thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đối tượng nghèo, khó khăn. Về giá điện, Bộ Công thương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, bảo đảm không để thiếu điện, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, thu xếp, bố trí vốn để sớm khởi công các công trình, dự án điện trọng điểm, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về tiết kiệm điện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận