Hai tổ chức này đã họp báo ngày 8-12 đề nghị WWF phải đính chính và gỡ bỏ thông tin về cá tra ra khỏi cẩm nang tiêu dùng do WWF phát hành ở một số nước châu Âu.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Anh Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết cho đến nay các cơ quan chức năng VN vẫn chưa nhận được văn bản chính thức cũng như các báo cáo, tiêu chuẩn đánh giá cá tra VN từ tổ chức WWF. Khi được hỏi các bằng chứng, tiêu chuẩn, báo cáo đánh giá cá tra VN, đại diện WWF tại Hà Nội đã không thể đưa ra được bằng chứng bởi WWF tại VN không tham gia vào quy trình đánh giá của WWF ở các nước châu Âu.
Theo ông Tuấn, Tổng cục Thủy sản đã nhấn mạnh việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ là thiếu căn cứ, không minh bạch khi thiếu sự tham gia của các bên liên quan cũng như chính người nuôi cá VN. Việc đưa một sản phẩm mang tính quốc gia như cá tra VN vào danh mục đỏ một cách thiếu cơ sở đã gây ảnh hưởng nặng nề đến uy tín cá tra VN.
Phía VN yêu cầu WWF phải cung cấp toàn bộ các báo cáo về tiêu chí, cách xếp hạng về cá tra. Và khi chưa có chứng cứ rõ ràng, đề nghị phía WWF gỡ bỏ ngay cá tra VN ra khỏi danh sách đỏ.
Đại diện Hội nghề cá VN, ông Nguyễn Tử Cương, ủy viên Ban chấp hành Hội, cũng khẳng định: WWF đã đưa những thông tin thiếu căn cứ về mặt khoa học, thiếu thực tiễn, không sát thực và chủ quan trong cách đánh giá nên cần phải thu hồi ngay những cẩm nang, tờ rơi mà tổ chức này đã phát hành trong đó xếp cá tra VN trong danh sách đỏ. Ông Cương đề nghị tổ chức này phải đính chính lại thông tin và không được đưa cá tra VN vào danh sách này.
Theo ông Cương, WWF tại VN cần thông tin rõ ràng vấn đề này cho WWF thế giới hiểu để có đánh giá khách quan, trung thực, khoa học khi đưa ra những thông tin trên. Hội cũng đề nghị các cơ quan chức năng VN kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức, trung tâm quốc tế tại VN, xử lý kịp thời, nghiêm khắc những hoạt động gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân VN.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định, việc nuôi cá tra ở VN được kiểm soát nghiêm ngặt từ quy hoạch hệ thống ao hồ nuôi, khu xử lý nước thải, nước cấp, quy trình chăm sóc, quản lý, thức ăn, chất lượng con giuống, thú y cho đến chế biến sản phẩm. Nhiều năm nay VN đã áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý SQF 1000 QM của Hiệp hội tiếp thị thực phẩm Mỹ. Nhiều vùng nuôi đã đạt chứng nhận Global GAP, SQF.
Điều đó cho thấy việc nuôi cá tra ở VN đã hoàn toàn được quản lý chặt chẽ, khoa học, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Đi ngược lại lợi ích người tiêu dùngVN sẽ làm việc với WWF để phản đốiXem bản tin tiếng AnhĐổi màu cá tra là vô lý
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận