04/12/2010 05:37 GMT+7

Đi ngược lại lợi ích người tiêu dùng

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa đưa cá tra VN vào danh sách đỏ tại một số nước châu Âu, khuyên người tiêu dùng không sử dụng mà chuyển sang loại cá khác.

SdUttyQS.jpgPhóng to
Nuôi cá tra ở VN đã là một quy trình được nhiều tổ chức quốc tế thừa nhận - Ảnh: ĐỨC VỊNH

Đây là kết luận đi ngược lại quyền lợi người tiêu dùng khi loại cá này ngày càng được người dân tại châu Âu nói riêng và thế giới nói chung ưa chuộng.

Quay lưng với người tiêu dùng

Trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 của WWF tại một số nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch, cá tra được đưa vào danh sách đỏ với lý do chủ yếu là môi trường nuôi cũng như việc sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra “có vấn đề”. Theo đó, WWF khuyên người tiêu dùng tìm loại cá khác thay thế.

Quyết định này của WWF ngay lập tức nhận được sự phản đối từ nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân trong nước. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), thông tin mà WWF đưa ra không có bằng chứng xác đáng, cụ thể, và đây được coi là một trong những hoạt động nhằm “bôi xấu” hình ảnh cá tra VN vốn đã diễn ra từ vài năm trở lại đây. Những chiến dịch này nhằm phục vụ lợi ích một nhóm người nhỏ, tước đi cơ hội được sử dụng một loại thực phẩm chất lượng cao với giá cả phải chăng của đa số người tiêu dùng.

Quy trình nuôi đã được nhiều tổ chức quốc tế thừa nhận

* Theo ông Lê Chí Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang - AFA): Thật là phi lý khi WWF nói rằng cá tra VN được nuôi trong môi trường ô nhiễm, vì từ năm 2003 các vùng nuôi cá tra đã triển khai hệ thống tiêu chuẩn SQF (Thực phẩm an toàn chất lượng) do SQF Institute trụ sở tại Mỹ cấp. Nếu không đạt các tiêu chuẩn về môi trường sao các tổ chức quốc tế lại cấp chứng nhận này từ đó đến nay cho VN? Bên cạnh tiêu chuẩn SQF, trong vài năm gần đây các doanh nghiệp cũng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế mới như Global GAP hay nuôi cá tra sinh thái được quốc tế công nhận.

Từ năm 2003 đến nay, các địa phương đã cấm sử dụng nguồn con giống ngoài tự nhiên và các vùng nuôi hoàn toàn sử dụng nguồn cá giống nhân tạo.

* Còn theo báo cáo “Nghiên cứu thị trường cá năm 2010” của Hiệp hội Các doanh nghiệp thương mại và chế biến cá EU vào đầu tháng 10 vừa qua được VASEP trích dẫn, cá nước ngọt, đặc biệt là cá tra VN, đang đóng vai trò lớn trong nguồn cung cá thịt trắng cho thị trường châu Âu. Báo cáo này cũng cho rằng tại thị trường châu Âu, nhu cầu cá tra lớn hơn nhiều so với lượng cá hiện có trên thị trường.

Phát biểu trên trang thông tin Thefishsite.com (Anh) ngày 16-11, ông Stephen Taylor, giám đốc phụ trách hàng thủy sản của Tập đoàn Group Findus, đã lên tiếng bảo vệ cá tra và cho rằng cá này là một lựa chọn tốt cho thị trường châu Âu. Theo ông Stephen Taylor, các nhà cung cấp uy tín nhất đều nhập khẩu cá tra nên chắc chắn đây phải là một sản phẩm an toàn, chất lượng cao, được sản xuất phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận.

Bất chấp những chiến dịch “bôi bẩn” cá tra của các hiệp hội đại diện cho người sản xuất và đánh bắt thủy sản nội địa ở châu Âu, xuất khẩu cá tra VN trong mười tháng đầu năm nay vẫn đạt 538.200 tấn với giá trị trên 1,15 tỉ USD, tăng 6,7% về lượng và 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, EU vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất khi chiếm 36,8% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của VN (tương đương 423 triệu USD).

Dù lượng xuất khẩu sang châu Âu trong 10 tháng đầu năm nay giảm nhẹ, khoảng 3.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng theo ông Dương Ngọc Minh - phó chủ tịch VASEP, lượng giảm này chủ yếu do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu, chứ không phải do nhu cầu tại thị trường châu Âu giảm.

Theo ông Minh, khách hàng châu Âu hiện đang liên tục đặt hàng nhưng các công ty trong nước rất thận trọng khi ký hợp đồng vì nguồn cá trong nước còn rất ít. “Trước đây doanh nghiệp trong nước ra giá còn khách hàng châu Âu trả giá. Nay tình hình chuyển ngược lại, người mua đưa ra giá còn người bán quyết định” - ông Minh nói.

Ông Minh cũng cho biết phần lớn người nuôi đã bỏ ao vì lỗ liên tục trong ba năm trước, còn các doanh nghiệp tự nuôi đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu xuất khẩu. Dự đoán sự thiếu hụt cá tra sẽ còn kéo dài đến tháng 11 năm sau.

WWF VN chưa rõ cơ sở xếp loại

Phát biểu trên Intrafish.com, trang web chuyên về thủy sản, một quan chức cấp cao của WWF cho rằng sự xuống hạng của cá tra trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 là do “các vấn đề về quản lý và kiểm soát”. Trong đó, WWF nêu vấn đề như trại nuôi gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, thức ăn, hóa chất và thuốc trừ sâu được thải ra sông hồ, nguy cơ lây bệnh từ cá nuôi sang cá tự nhiên...

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-12, đại diện WWF tại VN cho biết đó là kết luận của WWF quốc tế chứ không phải của cơ quan này tại VN. WWF VN chưa biết WWF quốc tế dựa vào những căn cứ hay bằng chứng gì để đưa cá tra vào danh sách trên. Cơ quan này cũng đang liên hệ với trụ sở của WWF tại Thụy Sĩ để lấy những thông tin cụ thể hơn về vấn đề này.

Còn theo VASEP, không có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra để chứng minh kết luận của WWF. Thậm chí ngay trong các Cẩm nang hướng dẫn của WWF tại một số nước thuộc Cộng đồng châu Âu cũng có sự khác biệt khi đưa tên cá tra vào các danh sách khác nhau, như tại Bỉ và Đức cá tra có tên trong cả ba danh sách đỏ - xanh - vàng, trong khi tại các nước còn lại cá tra chỉ có tên trong danh sách đỏ.

Theo VASEP, hiện nay hầu hết doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra VN đã xây dựng quy trình xuyên suốt từ con giống tới sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Một số nhà máy và vùng nuôi cá tra VN đã được cấp chứng nhận Global GAP. Sản phẩm cá tra VN đã và đang được xuất khẩu đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU, Úc, Mỹ, Nhật Bản... với khối lượng tăng trưởng đều đặn hằng năm. Đây là minh chứng cho thấy sản phẩm cá tra VN không chỉ được ưa thích vì hương vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao mà chứng tỏ uy tín về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thừa nhận.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương, việc WWF đưa ra kết luận trên là không chính xác đối với ngành nuôi và xuất khẩu cá tra VN, gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của cá tra VN. Bộ NN&PTNT sẽ có hành động cụ thể bằng cách đưa WWF tới tham quan vùng nuôi cá tại VN để chứng kiến điều kiện nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu.

* Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN): loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Sách đỏ của WWF: chỉ ra loại thủy sản nào đó được nuôi trong môi trường ô nhiễm, hoặc được nuôi bằng thức ăn có ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

* Cẩm nang mua sắm tiêu dùng hải sản là ấn phẩm hằng năm được WWF phát hành tại các nước châu Âu, đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng lựa chọn:

Màu xanh lá cây: những sản phẩm thuộc vào loại bền vững, an toàn sức khỏe và được kiểm soát về môi trường tốt nhất.

Màu vàng: có lý do để lo lắng vì có thể loài hải sản này bị đánh bắt quá nhiều, gây tuyệt chủng, gây hại môi trường sống và đa dạng sinh học.

Màu đỏ: không mua vì sản phẩm sống trong môi trường gây nhiều lo ngại, thiếu sự quản lý phù hợp hoặc mua bán bất hợp pháp.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên