20/02/2013 06:34 GMT+7

"Bông hồng năng suất" cho Thư

KIM ANH
KIM ANH

TT - Là một trong số ít nam công nhân của Xí nghiệp may Minako (Công ty cổ phần may Sài Gòn 3) nhưng chàng công nhân Hứa Thế Thư (24 tuổi) lại luôn được trao danh hiệu “Bông hồng năng suất”.

TT - Là một trong số ít nam công nhân của Xí nghiệp may Minako (Công ty cổ phần may Sài Gòn 3) nhưng chàng công nhân Hứa Thế Thư (24 tuổi) lại luôn được trao danh hiệu “Bông hồng năng suất”.

v0O6VE9K.jpgPhóng to

Anh Hứa Thế Thư, công nhân xí nghiệp may Minako, Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 - Ảnh: K.Anh

Thư vừa được Thành đoàn TP.HCM trao tặng giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2012.

So với hàng ngàn công nhân, Thư luôn là người có năng suất cao, mức thu nhập bình quân 8-9 triệu đồng/tháng.

Làm việc bằng hai

Tiếng máy ro ro, đôi tay Thư thoăn thoắt vừa đưa hàng vào vừa cuộn lai may, sản phẩm qua khâu của Thư luôn nhanh hơn so với các công đoạn khác. Trong tổ may của Thư có khoảng 40 công nhân, riêng khâu may lai quần jean được phân công hai người đảm trách. Từ ngày Thư tự mày mò cách cải tiến quy trình may, thay vì dùng hai tay cuộn lai, Thư chỉ cần dùng một tay, còn tay kia sẽ lấy hàng đặt vào máy. “Nhờ phát huy hết khả năng của đôi tay mà năng suất của tôi tăng lên thấy rõ” - Thư cho biết. Nhờ cách Thư làm, năng suất của công đoạn này đã tăng lên gấp đôi, tổ trưởng phân công Thư đảm trách một mình một công đoạn. Nhờ thế, tổ may của Thư tăng năng suất theo vì có thêm một người lao động bổ sung cho khâu khác.

Hiện nay năng suất may của Thư đã lên 1.300-1.400 sản phẩm/ngày, tăng gấp đôi so với trước khi cải tiến. Lương của Thư cũng tăng gần gấp đôi, hằng tháng được 8-9 triệu đồng. Ở công ty có phong trào thi đua “Bông hồng năng suất” do công đoàn phát động, Thư luôn là người đứng trong tốp vài người của toàn công ty đoạt giải thưởng này và cũng là người trẻ nhất được nhận “Bông hồng năng suất”.

Còn giải thưởng “đoàn viên thanh niên năng suất” được bình chọn hằng tháng, quý, năm cũng không bao giờ sót tên anh công nhân siêng năng và có nhiều sáng kiến này. Nhờ cách làm này, Thư không chỉ đảm nhận hết phần việc của khâu mình mà còn có thể choàng gánh cho các khâu khác nếu bị ùn ứ hàng.

Có quyết tâm sẽ làm được

Thư bảo để có được sáng kiến trên không đơn giản chút nào. Bởi lẽ “mới đầu tôi tập cuộn lai bằng một tay rất khó vì rất dễ bị lỗi. Nhiều lần phải tháo ra ráp lại. Năng suất lúc ấy còn thấp hơn bình thường nên cũng hơi nản. Nhưng tôi nghĩ mình chưa quyết tâm hết sức thì cũng không thể chùn bước trước khó khăn” - Thư cho biết. Sáng kiến của Thư đã được lãnh đạo công ty cho quay thành clip để chiếu đến từng phân xưởng, nhân rộng cách làm hay.

18 tuổi từ làng quê Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa, Thư vào TP.HCM tìm việc. Thư nhận làm đủ thứ việc linh tinh từ thợ hồ đến việc lặt vặt trong các xưởng gỗ. Rồi Thư quyết định chọn con đường làm công nhân may. Say mê với nghề, Thư rút kinh nghiệm từng đường kim mũi chỉ, chẳng mấy chốc tay nghề của Thư tiến bộ nhanh, được đảm nhận khâu may lai - là một trong những khâu khó của các công đoạn ráp quần Jean.

Lần đầu tiên được xướng tên trong danh sách những “Bông hồng năng suất” của toàn công ty, Thư vẫn nhớ rõ cảm giác sung sướng lúc ấy. “Tôi luôn nhớ câu nói Bác Hồ từng căn dặn “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”... được phát trên loa phát thanh của xí nghiệp. Chính điều ấy đã trở thành động lực để tôi vượt qua khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống” - Thư bày tỏ.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên