Ly nước đá chanh của trò

NGÔ LÂM VIÊN (Công ty cổ phần Sách và thiết bị giáo dục An Giang)
NGÔ LÂM VIÊN (Công ty cổ phần Sách và thiết bị giáo dục An Giang)

TT - Cô vẫn nhớ rõ ly nước đá chanh học trò tặng cô cách đây 52 năm. Cô là Trương Thị Việt Bích, hiện sống tại đường Nguyễn Thái Học, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, An Giang.

iCrQCoJW.jpg
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Trường tiểu học Bình Tây lúc ấy phân loại học lực của học sinh theo từng lớp, học giỏi vào một lớp, học kém vào một lớp. Lớp cô phụ trách là một trong những lớp kém nhất trong trường. Lớp học vào buổi chiều, lại có cửa chính ở hướng tây, nóng nực, ngột ngạt khi phải học từ 13g-17g hằng ngày. Trường nữ tiểu học tỉnh lỵ Long Xuyên cô dạy trước đây chỉ toàn học sinh nữ, ngoan ngoãn, chăm chỉ, nên việc giảng dạy rất thuận lợi và suôn sẻ. Còn tại Trường tiểu học Bình Tây, lớp học gồm cả nam lẫn nữ, trình độ, ý thức học tập lại kém, rất khó khăn trong tiếp thu cũng như giảng dạy của cô giáo.

Roi không có tác dụng

Trong lớp có một học sinh nam tên Nguyễn Văn Thi, khoảng 14 tuổi, dáng người cao to vượt hơn các bạn chung lớp, ra vẻ đàn anh. Bề ngoài Thi ăn mặc rất lôi thôi nếu không nói là dơ dáy, quần áo thường hôi hám và rách rưới. Chẳng những thế còn quậy phá trong lớp, tập vở lúc nào cũng lem luốc, bài làm không bao giờ đạt yêu cầu. Với bấy nhiêu lỗi, lúc nào Thi cũng có thể bị đòn, nhưng xem ra roi của cô chẳng có tác dụng gì đối với Thi.

Trong lớp một số học sinh khác cũng a dua theo Thi, tập tành phá phách, không chịu học tập nghiêm chỉnh. Cô suy nghĩ rất nhiều về lớp học của mình, nhất là Thi, phải có giải pháp như thế nào để giáo hóa học trò trở nên thân thiện, tích cực hơn trong việc học.

Một hôm, trong giờ ra chơi, cô gọi Thi lại hỏi chuyện. Cả lớp len lén, thầm nghĩ không biết có chuyện gì đây? Cô hỏi Thi gia đình như thế nào, tại sao không quan tâm đến em. Rưng rưng nước mắt, Thi kể má mất đã lâu, anh chị đều có gia đình riêng và rất nghèo, chỉ còn Thi sống với ba làm nghề chạy xích lô, ngày nào cũng đi suốt, đến đêm thường say xỉn mới về nhà. Thi phải tự lo việc nấu ăn, bươn chải sống qua ngày. Cô hỏi vì sao quần áo rách rưới, hôi hám như vậy, Thi trả lời vì không có nước giặt (thời đó vùng Bình Tây rất hiếm nước sinh hoạt, nhất là các khu nhà ổ chuột ven kênh rạch toàn nước cống thải ra, chưa có nước sông Đồng Nai đưa về). Cô hỏi khi vào học lại ít khi thuộc bài, Thi trả lời buổi sáng phải đi vá bao bố tại các kho gạo để kiếm tiền mua thức ăn trong ngày. Ban đêm nhà không đèn nên không thể học bài được, đành chịu lỗi không thuộc bài.

Sau khi nắm rõ tình hình đáng thương của Thi, cô bày cho Thi cách hứng nước ở vòi nước công cộng, sáng chịu khó thức dậy từ khoảng 4g, đem thùng ra xếp hàng cùng mọi người. Trong khi chờ đợi đến phiên mình hứng nước (vì nước chảy rất yếu), Thi tranh thủ đến cột đèn gần đó học bài. Cô còn dạy cho cách tắm, giặt ít tốn nước nhất, quần áo nào rách đem đến cho cô để cô vá lại cho lành lặn. Cô hỏi Thi những điều cô hướng dẫn Thi có làm được hay không, Thi trả lời rất phấn khởi, sẽ làm được như lời cô bảo.

Cô còn nói trong lớp Thi hay chọc phá các bạn khác, làm ảnh hưởng đến học tập, giảng dạy của cô và các bạn. Bây giờ Thi đã biết đó là do lỗi của mình, hứa với cô sẽ im lặng, trật tự khi vào lớp và chú ý nghe cô giảng bài. Tập vở xoăn mép, lem luốc, cô cũng ân cần chỉ cách cho Thi giữ gìn sao cho ngày càng sạch đẹp, thẳng thớm. Những lời chỉ bảo, động viên của cô làm Thi rơm rớm nước mắt, cả cô cũng xúc động vì thấy học trò mình sao có đứa khổ đến vậy và tự trách mình đã không sâu sát. Bây giờ thì thầy trò đã thật sự hiểu biết nhau.

Lớp học thay đổi

Từ đó trong lớp không khí học tập trở nên trật tự, nề nếp hơn trước rất nhiều. Ngày hôm sau, khi đạp xe đường dài 7-8km đến trường dưới ánh nắng chói chang, bước vào lớp học, vừa khó chịu vừa khát nước. Cô ngạc nhiên nhìn thấy một ly cối nước đá chanh trên bàn của mình, có đậy nắp hẳn hoi. Cả lớp xì xào nho nhỏ, mời cô uống nước đi. Cô đưa mắt nhìn cả lớp, hỏi ai mua ly nước đá chanh này. Có tiếng đáp: “Dạ thưa cô, của anh Thi mua cho cô đó!”. Cô gọi Thi lên hỏi, tiền ở đâu mà Thi mua cho cô. Thi đáp đó là tiền công của Thi đi vá bao mỗi buổi sáng. Cô uống một ngụm, cảm thấy khoan khoái vì vị ngọt của tình thầy trò.

Hôm sau, khi vào lớp cũng thấy một ly nước đá chanh như thế trên bàn. Cô nói với cả lớp, từ đây trở đi, cô sẽ gửi tiền cho Thi để mua nước cho cô, khi nào hết cô sẽ đưa thêm. Sau sự kiện ly nước đá chanh, trong lớp cô thấy mình tự tin hơn, vì hoàn toàn làm chủ tình hình học tập của học sinh. Các em ngoan ngoãn, sạch sẽ hẳn lên, mặc dù quần áo cũ kỹ nhưng lành lặn, không còn quậy phá, không chịu học bài như thời gian trước.

Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó mà đã 52 năm, cô chỉ dạy ở Trường tiểu học Bình Tây có một năm rồi chuyển đi trường khác, không còn gặp lại học sinh lớp nhất của mình tại trường này, trong đó có Thi. Năm nay cô đã 77 tuổi, sức khỏe suy giảm, nhưng nhắc đến kỷ niệm với học trò thì vẫn còn minh mẫn, nhớ rất rõ. Ước mong nếu câu chuyện này được đăng báo, cô hi vọng gặp lại học trò cũ của mình vì bây giờ trò Thi chắc cũng đã ở tuổi 66 và những học trò khác ít nhất cũng 62 tuổi. Ly nước đá chanh của học trò tặng cô năm xưa chứa chan bao tình cảm thầy trò, thương yêu khi đã hết lòng vì nhau.

Tốt nghiệp Trường Quốc gia sư phạm Sài Gòn, cô Trương Thị Việt Bích dạy học ở Trường tiểu học Chợ Quán, sau đó trở về quê dạy tại Trường nữ tiểu học tỉnh lỵ Long Xuyên. Hai năm sau cô trở lại Sài Gòn dạy ở Trường tiểu học Bình Tây. Đây là địa bàn thuộc Sài Gòn - Chợ Lớn, lúc đó còn rất hoang sơ. Đa số là dân lao động chân tay, trình độ dân trí thấp, nhà cửa nghèo nàn, chen chúc nhau theo bờ kênh bến Bình Tây. Niên khóa 1962-1963, cô được phân công dạy lớp nhất 8 (lớp 5 bây giờ).
NGÔ LÂM VIÊN (Công ty cổ phần Sách và thiết bị giáo dục An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên